Ngày 22/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về các điều khoản của một lệnh ngừng bắn trong tương lai. 

Embed from Getty Images

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết họ đã “không đạt được thỏa thuận”, tuy nhiên ông Macron vẫn cảm thấy “sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực của mình” và ông “sát cánh cùng Ukraine.”

Điện Kremlin xác nhận ông Putin và ông Macron đã có cuộc điện đàm, trong đó họ trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine, bao gồm cả cuộc đàm phán giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine. Tuy nhiên thông tin chi tiết đã không được cung cấp. 

Được biết châu Âu hiện đang phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hàng triệu người Ukraine chạy trốn khỏi đất nước. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc vào ngày 22/3 cho thấy, hơn 3,5 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu. Họ đã đi bộ, di chuyển bằng đường sắt, xe buýt hoặc ô tô đến các nước láng giềng như Ba Lan và Romania trước khi di tản khắp châu Âu. Nhiệm vụ cung cấp nhà ở, dịch vụ y tế và giáo dục cho những người tị nạn tại Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng trở nên rõ ràng, đặc biệt là ở Đông và Trung Âu.

Cũng trong ngày 22/3, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố rằng những người tị nạn Ukraine không nên hòa nhập lâu dài vào xã hội Đan Mạch mà thay vào đó phải trở về Ukraine và giúp xây dựng lại quê hương của họ càng sớm càng tốt.

Bà Frederiksen phát biểu tại Quốc hội Đan Mạch: “Làm một người tị nạn là [tình huống] tạm thời, do đó các bạn phải trở về và giúp đỡ xây dựng quê hương của các bạn khi có thể. Điều đó cũng cho chúng tôi cơ hội để giúp đỡ những người tị nạn khác.”

Theo luật mới được thông qua ở Đan Mạch, người tị nạn Ukraine có thể ở lại quốc gia Scandinavia này trong 2 năm, được làm việc, học hành và tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Cho đến nay, EU đã áp đặt 4 đợt trừng phạt chống lại Nga, nhắm vào các ngân hàng và giới tài phiệt, đồng thời cấm máy bay Nga bay vào không phận EU và ngừng các hoạt động xuất khẩu công nghệ.

Tuy nhiên trong cuộc trao đổi vào ngày 21/3 về việc có nên trừng phạt ngành năng lượng của Nga vì cuộc xâm lược Ukraine hay không, các bộ trưởng ngoại giao của EU đã có những ý kiến trái chiều. Đức và Hà Lan bày tỏ sự phản đối vì châu Âu hiện vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. 

Vy An (Tổng hợp từ Reuters)