Năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu ‘hâm nóng’ mối quan hệ với Bắc Kinh để đổi lấy các khoản đầu tư. Nhưng cho đến nay, chỉ một phần nhỏ trong số hàng tỷ đô la được Trung Quốc cam kết đã thành hiện thực.

Embed from Getty Images

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã có xu hướng rời xa Hoa Kỳ và chuyển sang thân mật với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỷ USD viện trợ, các khoản vay và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Nhưng 4 năm sau, phần lớn các khoản đầu tư mà Bắc Kinh đã hứa hẹn không thành hiện thực.

Trọng tâm trong các chính sách kinh tế của chính quyền Duterte là chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” (Build, Build Build – hay BBB), bao gồm khoảng 20.000 dự án cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển và đường cao tốc.

Với sự tài trợ của Trung Quốc – được ông Duterte coi là lựa chọn tốt nhất để nâng cấp cơ sở hạ tầng của đất nước, ông hy vọng sẽ mở ra “thời kỳ vàng son của cơ sở hạ tầng” ở Philippines.

Nhưng trên thực tế, chưa đến 5% trong số các khoản vay và đầu tư trị giá 24 tỷ đô la Mỹ mà Trung Quốc hứa hẹn với Philippines đã thành hiện thực.

Cho đến nay, không có dự án cơ sở hạ tầng lớn nào của Trung Quốc ở Philippines. Một trong những dự án như vậy là dự án Đập Kaliwa, bao gồm việc xây dựng ba con đập để phục vụ 17,5 triệu người.

Nhưng sáng kiến ​​này đã bị đình trệ, vì Trung Quốc muốn thu được phần lớn lợi ích từ việc đầu tư của mình. Dự án cũng đã bị phản đối bởi các nhóm môi trường và quan chức địa phương, lo ngại rằng nó sẽ dẫn đến lũ lụt và hàng nghìn người bản địa phải di dời ở các tỉnh Rizal và Quezon. Ngôi làng Daraitan ở Rizal có thể có nguy cơ bị nhấn chìm khi xây dựng con đập.

Leon Dulce, điều phối viên quốc gia của Mạng lưới Người dân Kalikasan vì Môi trường, cho rằng tác động môi trường liên quan đến con đập lớn hơn những lợi ích tiềm năng.

Ông nói: “(Dự án) về cơ bản là một chiếc hộp Pandora chứa nhiều mối đe dọa khác nhau đối với người dân… Mối quan hệ giữa Duterte và Trung Quốc là một mối quan hệ rất độc hại, khiến người dân Philippines trở thành nạn nhân.”

Ngoại giao bẫy nợ

Trong khi các dự án như Đập Kaliwa trị giá 211 triệu USD vẫn là ưu tiên của chính quyền Duterte, các chuyên gia cho rằng các khoản vay Trung Quốc cho phần lớn chương trình BBB là rất đắt đỏ, với lãi suất cao.

Trung Quốc cũng được biết đến với việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng những nước nghèo hơn và sau đó yêu cầu “trao đổi” để xóa nợ, một xu hướng được gọi là “ngoại giao bẫy nợ”.

“Lợi nhuận luôn là điểm mấu chốt. Và đó là lý do tại sao họ (Trung Quốc) chọn theo đuổi dự án Đập Kaliwa,” ông Dulce nói. “Chúng tôi có nguy cơ phải gán tất cả những tài nguyên này cho Trung Quốc nếu chúng tôi không trả được nợ”.

Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines, cho biết Philippines lẽ ra nên xem xét các phương án tài trợ khác từ những quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Theo ông, các quốc gia này thường kèm theo yêu cầu về khoản vay là dự án “phải được xã hội chấp thuận”, nghĩa là các cộng đồng địa phương cũng sẽ ký vào các dự án này, chứ không chỉ chính phủ quốc gia.

Các dự án phát triển quốc tế cũng phải tuân thủ “các biện pháp bảo vệ chống tham nhũng” và số lượng nhân lực địa phương tối thiểu.

Tuy nhiên, Trung Quốc không có quy định nào cho tất cả các yêu cầu này, ông Batongbacal cho biết thêm.

Các dự án cơ sở hạ tầng của Philippines được hứa hẹn ​​sẽ cung cấp việc làm cho hơn 21.000 người dân địa phương. Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về tỷ lệ công nhân Trung Quốc cao trong các dự án này.

Ông Heydarian nói: “Thực sự là các công ty và công nhân Trung Quốc được hưởng lợi chứ không phải người dân Philippines.”

Đã đến lúc để nhìn lại?

Công chúng Philippines đang ngày càng phẫn nộ về vấn đề Biển Đông, nhưng các nhà phê bình cho rằng Tổng thống Rodrigo Duterte đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề và có rất ít hành động để khiến Trung Quốc tôn trọng các quyền hàng hải của nước mình.

Thứ nhất, các hoạt động cải tạo, khai thác trai hàng loạt và đánh bắt quá mức của Trung Quốc đang gây tổn hại đến hệ sinh thái rạn san hô ở bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa (nơi Philippines tuyên bố chủ quyền một phần).

Theo trang web tin tức Daily Inquirer, hàng năm Philippines đang thiệt hại khoảng 33 tỷ peso ở những khu vực này.

Ông Batongbacal nói: “Trung Quốc đã tiếp tục phá hủy bãi cạn Scarborough kể từ năm 2012. Và về cơ bản, chính phủ (Philippines) đã làm ngơ trước việc này để thể hiện bầu không khí… hòa hợp với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng điều đó ngày càng trở nên không thể chấp nhận được.”

Trong những tháng gần đây, sự chia rẽ đã hình thành trong chính phủ Philippines về vấn đề xoay trục về Trung Quốc của ông Duterte và đã có áp lực dư luận buộc ông phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Ví dụ, với lý do lo ngại về an ninh, Phó Đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo đã công khai phản đối việc di dời một căn cứ hải quân để nhường chỗ cho một sân bay do Trung Quốc xây dựng.

“(Căn cứ) đang canh giữ lối vào Vịnh Manila, và Vịnh Manila là trọng điểm của chính phủ quốc gia. Nếu Manila thất thủ, cả nước sẽ sụp đổ,” ông nói với Inquirer.net vào tháng 9.

Vì vậy, liệu ông Duterte có nên thay đổi chiến lược và suy nghĩ lại chiến lược với Trung Quốc của mình?

Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á, Gregory Poling cho rằng Tổng thống đã “phản ứng với thực tế rằng chính sách Trung Quốc của ông ta đã thất bại nặng nề”.

Ví dụ, ông Duterte đã đình chỉ quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng, một hiệp ước an ninh với Mỹ.

Ông Poling nói: “Ông ấy [Duterte] cần các khoản vay, đầu tư và viện trợ (từ Trung Quốc), nhưng không có khoản nào trong số đó xuất hiện.”

“Ông ấy nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, nó chỉ khiến ông ấy trông yếu ớt hơn. Nó làm tổn hại thương hiệu chính trị của ông ấy, và nó làm tổn thương người kế nhiệm của ông ấy.”

Xuân Lan (theo CNA)

Xem thêm: