Ngày 7/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, quân đội của ông có thể chiến đấu ở Ukraine trong một thời gian dài, nhưng ông thấy không cần phải tiếp tục mở rộng lệnh huy động 300.000 quân dự bị từ tháng 9 và tháng 10, sau những thất bại nghiêm trọng trên chiến trường.

Embed from Getty Images

Trước đó, Belarus, đồng minh của Nga, cho biết họ đang di chuyển quân đội và khí tài quân sự để chống lại cái mà họ gọi là mối đe dọa khủng bố, giữa những dấu hiệu cho thấy Moscow có thể đang thúc ép Minsk mở một mặt trận mới ở Ukraine khi cuộc chiến rơi vào tình trạng sa lầy.

Ông Putin hiếm khi nói về thời gian tiến hành cuộc chiến khi Nga đã buộc phải rút lui đáng kể trước các cuộc phản công của Ukraine ở phía Đông và phía Nam kể từ hồi tháng Bảy.

Nga đã phát động cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2, viện cớ mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Ukraine với phương Tây đặt ra một mối đe dọa an ninh. Kyiv và các đồng minh của họ lại coi cuộc xâm lược này là một cuộc chiếm đoạt lãnh thổ của chủ nghĩa đế quốc.

“Về thời gian của chiến dịch quân sự đặc biệt, tất nhiên, đây có thể là một quá trình lâu dài,” ông Putin phát biểu trong một cuộc họp được truyền hình trực tiếp của Hội đồng Nhân quyền.

Ông nói thêm, không có lý do gì để huy động quân sự lần thứ hai vào thời điểm này, sau lệnh huy động hàng loạt vào mùa thu vừa qua.

Khoảng 150.000 trong số 300.000 quân dự bị đã được triển khai ở Ukraine: 77.000 trong các đơn vị tác chiến và những người khác trong các vị trí phòng thủ. 150.000 còn lại vẫn đang ở các trung tâm huấn luyện.

“Trong điều kiện hiện nay, nói về bất kỳ biện pháp huy động bổ sung nào đều là vô nghĩa,” ông nhấn mạnh.

Tổng thống Putin còn khẳng định, người Nga sẽ “tự bảo vệ mình bằng tất cả các phương tiện mà chúng tôi có”, và Nga bị phương Tây coi là “một quốc gia hạng hai không có quyền tồn tại”.

Đáng lưu ý, ông Putin nhận định rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân đang gia tăng nhưng Nga sẽ không đe dọa sử dụng loại vũ khí này một cách liều lĩnh. Đây là cảnh báo mới nhất trong một loạt cảnh báo như vậy từ Moscow.

Bất chấp những lần rút lui gần đây trên chiến trường, bao gồm cả việc để mất Kherson, thủ phủ một tỉnh của Ukraine mà Nga đã chiếm được, ông Putin bày tỏ, ông không hối tiếc về việc phát động một cuộc chiến tàn khốc nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Ông cho hay, Nga đã đạt được “kết quả quan trọng” với việc giành được “các vùng lãnh thổ mới” – ám chỉ việc sáp nhập 4 khu vực bị chiếm đóng một phần hồi tháng 9 – hành động mà Kiev và hầu hết các thành viên của Liên Hợp Quốc lên án là bất hợp pháp.

Minh Ngọc (Theo Reuters)