Tổng thống Vladimir Putin đã tận dụng bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Á hôm 13/10 nhằm phát triển một chủ đề mà ông muốn nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quân sự của Nga không mấy khả quan: Rằng Moscow đang chiến đấu với phương Tây để thiết lập một thế giới công bằng hơn.

Embed from Getty Images

Trong khi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đang không ngừng siết chặt, ông Putin đã chuyển trọng tâm từ chiến đấu với những bên bị ông cáo buộc là ‘phát xít’ ở Kyiv sang đối đầu với “tập thể phương Tây” đang vũ trang cho Ukraine. Ông vẫn luôn lên án động thái này là nhằm mở rộng ảnh hưởng của phương Tây và thu hẹp ảnh hưởng của Nga.

Tổng thống Putin nhận định: “Thế giới đang trở nên thực sự đa cực. Và châu Á, nơi các trung tâm quyền lực mới đang xuất hiện, đóng một vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là chủ chốt trong đó.”

Tại Hội nghị về Tương tác và các Biện pháp Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA) tại thủ đô Astana của Kazakhstan, ông Putin đã mô tả phương Tây là một thế lực thực dân mới muốn kìm hãm sự phát triển của phần còn lại của thế giới và bóc lột các nước nghèo hơn.

“Giống như nhiều đối tác của chúng tôi ở châu Á, chúng tôi tin rằng cần phải sửa đổi hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong nhiều thập kỷ đã cho phép cái gọi là ‘tỷ phú vàng’ tự xưng, những kẻ đã đưa tất cả các dòng vốn và công nghệ chảy vào túi họ để sống sung sướng trong khi những người khác phải trả giá,” ông Putin nói thêm.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên CICA có chương trình nghị sự đa dạng của riêng họ, và ngày càng trở nên có giá trị hơn đối với Nga khi họ là khách hàng mua dầu, khí đốt và các mặt hàng khác mà Nga khó bán được cho phương Tây.

Tổ chức này bao gồm một số quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ vốn coi Nga là ông chủ thuộc địa cũ của họ – cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Ả rập và Đông Nam Á, vốn hưởng lợi từ giao thương chặt chẽ với phương Tây và Nhật Bản.

Thuật ngữ ‘tỷ phú vàng’ đã trở nên phổ biến trong ngôn từ chính trị Nga vào những năm 1990 và nằm trong lý thuyết cho rằng các nước phương Tây âm mưu bóc lột tài nguyên của các nước khác, nhất là là Nga, trong khi khiến các nước này nghèo mãi và tẩy não người dân của họ.

Lý thuyết này cũng ủng hộ mục tiêu mà ông Putin tuyên bố là khôi phục vị thế cường quốc toàn cầu của Nga bằng cách phản đối những gì ông coi là phe cánh do Mỹ lãnh đạo.

Kyiv và phương Tây đã bác bỏ việc họ có ý định đe dọa hoặc làm giảm sức mạnh nước Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13/10 còn mô tả cuộc chiến ở Ukraine là một phần trong “cuộc thập tự chinh” của Nga chống lại nền dân chủ tự do.

Nhật Minh (Theo Reuters)