Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ “đẩy nhanh” việc hình thành “trật tự thế giới mới dựa trên luật lệ và công lý”, trong đó các lợi ích kinh tế và chính trị sẽ bù đắp cho những tổn thất mà Moscow phải gánh chịu tính đến nay.

Embed from Getty Images

“Chúng tôi đang đối mặt với một cột mốc lịch sử,” ông Putin phát biểu tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở Moscow hôm 27/10. “Phía trước chúng ta có lẽ là thập kỷ nguy hiểm nhất, không thể đoán trước và đồng thời là quan trọng nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc.”

Nhận định của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh quốc tế lo lắng về nguy cơ leo thang hạt nhân ở Ukraine, cùng với sự tức giận của người Nga trong nước trước thực trạng Điện Kremlin điều động lính nghĩa vụ chưa được huấn luyện bài bản ra tiền tuyến. Ông Putin nhấn mạnh, “một sự bùng phát” nào đó “sẽ xảy ra bất kể Nga có thể hành động như thế nào ở Ukraine” do sự suy giảm quyền lực của phương Tây, và khẳng định các chính sách của ông sẽ “thúc đẩy” quá trình đó.

“Có một số vấn đề – tôi đề cập đến những tổn thất phát sinh do hoạt động quân sự đặc biệt – và tôi luôn nói rằng, đúng là có những thiệt hại về kinh tế, nhưng cũng có những khoản bù đắp to lớn,” ông Putin nói. “Không thể phủ nhận, cuối cùng thì điều đang diễn ra – tôi nhấn mạnh – đến cuối cùng, sẽ có lợi cho Nga và tương lai của nước này. Tại sao lại như vậy? Bởi vì nó sẽ giúp củng cố chủ quyền của chúng ta trên mọi lĩnh vực, và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.” 

Nga đã phải hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác, từ châu Âu đến Nhật Bản và Úc. Hiệu quả tức thì của các lệnh trừng phạt đó dường như đã giảm bớt phần nào do nhu cầu tiếp tục mua năng lượng của châu Âu. Mưng nhóm của Ngoại trưởng Antony Blinken chỉ ra, sự phụ thuộc của Nga vào máy bay không người lái của Iran là bằng chứng cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đang làm tê liệt lĩnh vực sản xuất của Nga.

“Việc sản xuất tên lửa đạn đạo siêu thanh của Nga gần như đã phải ngừng hẳn do thiếu chất bán dẫn cần thiết được sử dụng trong quá trình sản xuất,” Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hồi tuần trước. “Việc xuất khẩu một số hàng hóa và dịch vụ, bao gồm dịch vụ kế toán, tư vấn quản lý, máy tính lượng tử, các dịch vụ ủy thác và thành lập công ty cho những người sống ở Liên bang Nga hiện cũng bị cấm.”

Tuy nhiên, ông Putin phản bác, Nga đã chứng tỏ sự kiên cường hơn những gì các quan chức phương Tây đánh giá, và nhắc lại lập luận về “trật tự thế giới mới phải dựa trên luật lệ và công lý” – một viễn cảnh mà ông cho rằng sẽ đòi hỏi sự hình thành của một hệ thống tài chính quốc tế mới không thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

“Điều đó có khả thi không? Có. Nó sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự chung tay của nhiều quốc gia, nhưng nó hoàn toàn có thể,” ông tiếp tục. “Và nó sẽ loại trừ khả năng lạm dụng trong cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu mới, từ đó cho phép vận hành một cách hiệu quả, an toàn và bảo mật mà không cần đến đồng đô la hay các loại tiền tệ dự trữ khác trong thanh toán quốc tế.”

Ông Putin còn chỉ trích “mô hình toàn cầu hóa của phương Tây”, nhằm vào các cuộc tranh luận điển hình của Mỹ về thương mại tự do và các chính sách kinh tế khác. Người đứng đầu Điện Kremlin nhìn nhận, cấu trúc của trật tự thế giới hiện tại có lợi cho Hoa Kỳ và các đồng minh.

Ông nói, nền tảng mô hình toàn cầu hóa phương Tây – mà bản chất về cơ bản là thuộc địa mới này là nhằm củng cố quyền thống trị tuyệt đối của phương Tây, cũng như nền kinh tế thế giới và chính trị thế giới.

Cuộc họp của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai diễn ra từ ngày 24 – 27/ 10 tại Moscow. Chủ đề của cuộc họp là “Thế giới sau sự bá chủ: Công bằng và An ninh cho tất cả”.

Minh Ngọc (Theo Newsmax)