Gần đây, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan đã nhận trả lời phỏng vấn độc quyền với truyền thông Nhật Bản về các vấn đề như quan hệ Đài Loan-Mỹ-Nhật, quan hệ hai bờ eo biển, tình hình ở Hồng Kông, an ninh và kinh tế khu vực. Nội dung phần trả lời này đã được Phủ Tổng thống Đài Loan công bố vào hôm 10/8.

p2963061a752724648
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gần đây đã nhận phỏng vấn của truyền thông Nhật Bản và trả lời về các vấn đề như quan hệ Đài Loan-Mỹ-Nhật và quan hệ xuyên eo biển (Nguồn: CNA Đài Loan).

Trong trả lời phỏng vấn trực tuyến của nguyệt san “Văn nghệ Xuân Thu” (Nhật Bản), bà Thái Anh Văn đã bày tỏ cảm kích liên quan đến việc tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Nhật-Mỹ vào tháng Tư năm nay nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Đây là lần đầu tiên sau nửa thế kỷ Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Nhật-Mỹ đề cập đến Đài Loan.

Bà Thái Anh Văn chỉ ra rằng “Hội nghị thượng đỉnh G7” tổ chức tại Vương quốc Anh vào tháng Sáu cũng đề cập đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, điều này có nghĩa là các nước lớn phát triển hàng đầu thế giới đều coi trọng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, chứng minh đầy đủ vấn đề làm suy yếu hiện trạng của eo biển Đài Loan không phải do Đài Loan.

Tổng thống Đài Loan đề cập những năm gần đây, Trung Quốc đã thể hiện những tham vọng lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, gây bất ổn lớn cho hòa bình, ổn định và an ninh chung của khu vực. Trước tình hình này, các nước như Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về eo biển Đài Loan như một “tín hiệu” báo cho Trung Quốc về việc nước này liên tục bành trướng hành động quân sự.

Bà Thái Anh Văn cho rằng chính quyền Bắc Kinh nên quan tâm tới cộng đồng quốc tế khi đưa ra các quyết sách liên quan. Trong tình hình cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến Đài Loan và hợp tác giữa các nước ngày càng mạnh mẽ, chính quyền Bắc Kinh càng phải thận trọng hơn trong các hoạt động quân sự và các quyết định chính sách khác liên quan.

Nói về khoảng cách sức mạnh quân sự giữa hai bờ eo biển, bà Thái Anh Văn cho biết ngân sách quốc phòng của Đài Loan thực sự có hạn, vì vậy tập trung nguồn lực vào việc cải thiện khả năng tác chiến phi đối xứng và tăng cường quyền tự chủ về quốc phòng. Đồng thời, hợp tác và đối thoại với các nước láng giềng cũng là điều không thể thiếu. Tổng thống Đài Loan hy vọng sớm hoàn thiện cơ chế đối thoại vấn đề an ninh khu vực Đông Á, vì Đài Loan muốn đóng góp trách nhiệm trong vấn đề này.

Tổng thống Thái Anh Văn cũng nhắc lại rằng quan điểm nhất quán của Đài Loan là “không nhượng bộ dưới áp lực, không tùy tiện lấn tới khi được ủng hộ”. Trong hoạch định chiến lược an ninh thì vấn đề hòa bình và thịnh vượng trong khu vực chắc chắn là những cân nhắc quan trọng, và Đài Loan nỗ lực để cải thiện khả năng quốc phòng của chính mình.

Mỹ và Nhật Bản vừa nỗ lực ổn định quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng lại gặp thách thức về đe dọa của Trung Quốc ở những vấn đề ngoại giao và an ninh. Bà Thái Anh Văn cho biết, các nhà lãnh đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện đều đang phải đối mặt với thử thách này: phải duy trì quan hệ kinh tế ở mức độ nhất định với Trung Quốc, nhưng không thoải mái trong vấn đề an ninh. Đây là một vấn đề rất khó khăn. So với các nước khác, có thể nói rằng Đài Loan chịu thách thức lớn hơn.

Tổng thống Đài Loan nhận định Đài Loan cũng đã giữ lập trường không để cho quá phụ thuộc vào Trung Quốc về cơ sở sản xuất và thị trường, xem xét các rủi ro khác nhau để đa dạng hóa tối đa về đối tác thương mại và địa điểm đầu tư. Dù đây là thách thức lớn, nhưng biện pháp đó giúp Đài Loan có được những cơ hội lớn trong lĩnh vực kinh tế.

Về việc Trung Quốc đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bà Thái Anh Văn nói rằng dân chủ, tự do và nhân quyền là những giá trị phổ quát; chính quyền Bắc Kinh phải chấm dứt đàn áp tại Hồng Kông và đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Tổng thống Đài Loan cho biết vào năm 1997 khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc từ Vương quốc Anh, Chính phủ Trung Quốc đã hứa [chí ít] trong 50 năm nữa cũng không thay đổi chính sách “một nước, hai thể chế”, nhưng nhìn tình hình ở Hồng Kông trong những năm gần đây cho thấy lời hứa đó đã bị phản bội. Người dân Hồng Kông hiện đang đấu tranh cho tự do, nhân quyền và dân chủ, và cộng đồng quốc tế nên mạnh mẽ ủng hộ.

Về Đài Loan, bà Thái Anh Văn đề cập rằng vào tháng 1/2019, chính quyền Bắc Kinh cũng đã kêu gọi áp dụng cách tiếp cận “một nước, hai thể chế” giống như Hồng Kông để thống nhất, nhưng từ tình hình Hồng Kông hiện nay cho thấy vấn đề cam kết đó không bảo đảm, không thể tin vào cam kết của Bắc Kinh.

Tổng thống Đài Loan nhấn mạnh rằng Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận đề xuất “một nước, hai thể chế” mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra, điều này cũng sẽ không trở thành một lựa chọn trong tương lai mà đây là sự đồng thuận của người dân Đài Loan.

Trả lời câu hỏi Đài Loan hy vọng trở thành nước như thế nào trong 10 năm nữa? Bà Thái Anh Văn cho biết: thứ nhất là tôn trọng dân chủ, nhân quyền và xã hội bình đẳng; thứ hai, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực; thứ ba, dù gặp nhiều khó khăn thách thức, Đài Loan vẫn quyết tâm trở thành hình mẫu được thế giới công nhận.  

Mộc Xuân, Vision Times

Xem thêm: