Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc từ tối muộn ngày 15/4 đã phát động chiến dịch chiến tranh tâm lý chống lại quốc đảo độc lập.

Thai Anh Van
(Ảnh từ trang Facebook cá nhân của Tổng thống Thái Anh Văn)

Tổng thống Thái Anh Văn trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân hôm 16/4 đã nói rõ rằng chiến tranh tâm lý mà chế độ Trung Quốc phát động chống lại Đài Loan có thêm nhiều dạng thức khiến cho nó khó bị phát hiện hơn và mục đích là nhằm cố gắng chia rẽ xã hội Đài Loan và cuối cùng phá hủy nền dân chủ và tự do của hòn đảo này.

Chiến dịch mới nhất trong cuộc chiến tranh tâm lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là họ đã tạo ra và lan truyền một văn bản giả mạo, giả vờ được phát hành bởi văn phòng tổng thống Đài Loan. Thông tin được thiết kế trong văn bản giả mạo này gây chia rẽ xã hội Đài Loan và khiến cho người dân quay lại chống đối nhà lãnh đạo Đài Loan.

Văn bản đã tuyên bố rằng chính phủ Đài Loan có kế hoạch nhập khẩu nước của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi về Đài Loan để xử lý và phân bổ.

Nước của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi có chứa chất phóng xạ, có thể gây bệnh cho người, và nhiều người dân Đài Loan sẽ kịch liệt phản đối việc phân bổ nguồn nước này trong lãnh thổ Đài Loan.

Thực tế, chính phủ Đài Loan đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ Fukushima và các khu vực lân cận vùng này từ ngày 25/3/2011, sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở đây xảy ra vào ngày 11/3 do sóng thần. Lệnh cấm nhập khẩu này hiện vẫn còn hiệu lực.

Về hình thức văn bản, tài liệu giả mạo sử dụng mẫu chính thức mà văn phòng tổng thống Đài Loan sử dụng, và nội dung cũng được viết phỏng theo văn phong mà chính phủ Đài Loan hay viết trong các văn bản chính thức.

Bà Thái đã chỉ ra ba sai sót rõ ràng, qua đó có thể xác định tài liệu này là giả mạo và có thể do chế độ Trung Quốc làm ra.

Tài liệu giả mạo lưu hành trên Twitter vào ngày 15/4, nhưng ngày phát hành ghi trên văn bản này là 16/4, bà Thái nói.

Văn bản giả mạo cho biết quyết định nhập khẩu nước từ nhà điện hạt nhân Fukushima được đưa ra trong một cuộc họp nội các. Bà Thái chỉ ra rằng Đài Loan không có các cuộc họp nội các.

Hơn nữa, tài liệu giả mạo sử dụng một từ tiếng Trung giản thể, trong khi Đài Loan dùng tiếng Trung phồn thể truyền thống.

Bà Thái kết luận rằng việc tạo ra và lan truyền tài liệu giả mạo như này là ví dụ điển hình của chiến tranh tâm lý.

Bà Thái sau đó đã giải thích, theo Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, chiến tranh tâm lý đề cập tới nỗ lực gây ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của đối thủ thông qua phát tán thông tin.

Các ví dụ về chiến tranh tâm lý có thể bao gồm các đe dọa, dọa nạt bằng máy bay quân sự, nỗ lực tạo ra áp lực tâm lý, sản xuất và lan truyền thông tin giả mạo, và các nỗ lực làm rối loại và chia rẽ xã hội.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: