Hôm Thứ Hai (1/7), Iran công bố họ đã thu gom số lượng uranium đã làm giàu vượt quá giới hạn cho phép trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo hành động này của Iran là “đùa với lửa” trong bối cảnh xung đột an ninh gần như đã bùng phát giữa hai nước.

Embed from Getty Images

Thông báo của Tehran đánh dấu bước đi lớn đầu tiên phá vỡ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hơn một năm trước. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng động thái này không phải là vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà chỉ là thực thi quyền lợi của mình để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Tuy nhiên, Reuters nhận định rằng hành động “thử nước” này của Iran có thể có hậu quả không thể lường được về ngoại giao khi mà các nước Châu Âu đang cố gắng kéo Mỹ và Iran trở lại một mối quan hệ không xung đột. Động thái này cũng nguy hiểm bởi nó đến chỉ sau 2 tuần ông Trump nói ông đã hoãn lệnh tấn công Iran vào phút chót sau khi cân nhắc đến số người sẽ thiệt mạng.

Trang tin bán chính thức của nhà nước Iran Fars News đưa tin rằng kho uranium của nước này đã vượt quá giới hạn 300kg cho phép trong thỏa thuận.

Cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA) của LHQ cũng xác nhận tại Vienna rằng Tehran đã vi phạm điều khoản của thỏa thuận.

Ông Trump, khi được hỏi ông có muốn nói gì với Iran không, đã trả lời: “Không có thông điệp cho Iran. Họ biết họ đang làm gì. Họ biết họ đang chơi với điều gì, và tôi nghĩ họ đang chơi với lửa. Vì thế, không có thông điệp nào cho Iran cả”.

Tòa Bạch Ốc phản ứng với tuyên bố sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược “áp lực tối đa” lên Iran “cho đến khi lãnh đạo của họ đổi hướng hành động”. Thông báo cũng nói Iran cần phải bị cấm tất cả mọi hoạt động làm giàu Uranium.

Tuy nhiên, chưa có một quy định quốc tế nào cấm Iran làm giàu Uranium, theo lời của ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành Liên hiệp Kiểm soát Vũ khí. “Đó không đúng trong trường hợp này. Đó là lập trường của Mỹ”, ông nói.

Những nước phương Tây vẫn ở trong hiệp ước hạt nhân với Iran thúc giục Iran không tiếp tục vi phạm hiệp ước xa hơn. Tuy nhiên những nước này không tuyên bố hiệp ước vô hiệu hoặc đưa ra các chế tài sau khi Iran vi phạm.

Iran nói rằng họ không vi phạm và chỉ đòi quyền lợi của mình.

“Chừng nào mà các nước E3 tuân thủ trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ thay đổi hành động”, ngoại trưởng Iran Zarif viết trên Twitter. E3 là viết tắt của 3 nước Châu Âu là Anh, Đức và Pháp. Iran đòi hỏi 3 nước này phải đảm bảo cho họ quyền tiếp cận với thị trường thương mại thế giới được ghi trong thỏa thuận.

Động thái vượt lằn ranh thỏa thuận hạt nhân của Iran được xem là một phép thử ngoại giao đối với Châu Âu, sau khi Anh, Pháp và Đức cam kết sẽ có phản ứng ngoại giao mạnh mẽ nếu Iran vi phạm thỏa thuận một cách căn bản. Khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, các nước trên đã lên tiếng phản đối và thề sẽ giữ lại thỏa thuận với Iran. Sau khi thỏa thuận được ký, ba nước trên đã đổ nhiều tiền vào Iran đầu tư và quyền lợi kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu quay lại hoàn cảnh cấm vận Iran như trước.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói rằng Anh muốn giữ lại thỏa thuận “bởi vì chúng tôi không muốn Iran có vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu Iran phá vỡ thỏa thuận thì chúng tôi cũng không ở lại.”

Iran nói họ muốn giữ thỏa thuận nhưng không thể tuân theo các điều khoản này vô thời hạn, bởi vì chế tài của Mỹ khiến họ bị tước mất những lợi ích mà họ đáng có khi chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân theo thỏa thuận.

Liên Hiệp Quốc cho rằng hành động của Iran đã không giúp duy trì thỏa thuận, cũng như bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì tuyên bố các nước EU cần phải giữ đúng cam kết của mình và áp đặt chế tài lên Iran.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà ông Trump gọi là “tồi tệ nhất trong lịch sử”, Mỹ đã bao vây cấm vận hoàn toàn ngành dầu mỏ của Iran với tối hậu thư buộc các nước khác phải ngừng nhập khẩu dầu Iran nếu không muốn lãnh trừng phạt. Iran cáo buộc hành động này của Mỹ là “chiến tranh kinh tế” nhằm bóp chết người dân của họ.

Sau 2 tháng sau lệnh cấm vận, căng thẳng giữa 2 nước lan sang mặt quân sự. Mỹ tố cáo Iran tấn công tàu chở dầu và bắn hạ một máy bay không người lái của họ, dẫn đến việc Mỹ suýt không kích trả đũa Iran.

Bất chấp các cảnh báo và kêu gọi, Ngoại trưởng Iran tuyên bố bước tiếp theo Iran sẽ làm giàu Uranium vượt qua giới hạn tinh khiết 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân. Những động thái này được cho là có tính toán để thử phản ứng của phương Tây và cơ chế cưỡng ép thi hành của thỏa thuận khi một nước vi phạm.

David Albright, cựu thanh tra hạt nhân LHQ, người cố vấn cho giới chức EU về thỏa thuận hạt nhân Iran, nói rằng trong khi Châu Âu tức giận về việc Iran vi phạm thỏa thuận, nhưng việc vi phạm này không nghiêm trọng đến mức họ phải tái áp đặt lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ thúc giục các nước Châu Âu phải có hành động đối với Iran. Ông Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran quá yếu bởi các điều khoản không có giá trị lâu dài và không bao hàm các vấn đề phi hạt nhân như chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và hành vi thù địch trong khu vực.

Trọng Đức

Xem thêm: