Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư (17/6) đã ký luật kêu gọi chế tài những người chịu trách nhiệm trong việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, miền tây Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2020 đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua với đại đa số tán thành. Đạo luật này nhằm gửi tới Trung Quốc một thông điệp mạnh mẽ về nhân quyền thông qua việc cho phép nhánh Hành pháp chế tài những cá nhân và/hoặc tổ chức Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp các thành viên trong cộng đồng thiểu số Hồi giáo tại Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Liên Hiệp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở khu vực Tân Cương. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cáo buộc các quan chức Trung Quốc thực hiện chiến dịch bắt giữ, tra tấn, lạm dụng “và nỗ lực xóa bỏ văn hóa và tôn giáo” của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc luôn khẳng định họ không làm gì sai và nói rằng các trại tập trung là nơi dạy nghề cho người dân.

Theo Reuters, Tổng thống Trump đã ký luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ hôm 17/6 mà không tổ chức lễ ký như thường thấy.

Ông Trump đã phát đi tuyên bố về việc ký luật mới, trong đó nói rằng luật này sẽ buộc “những kẻ tội phạm vi phạm nhân quyền” phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, ông chủ Tòa Bạch Ốc cũng cho biết một số yêu cầu chế tài của luật có thể giới hạn quyền lực tổng thống được quy định trong hiến pháp, do vậy ông sẽ coi luật này như kênh tham khảo, không phải bắt buộc thực hiện.

Dù vậy, các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ vẫn xem việc luật nhân quyền này được thông qua là một bước tiến quan trọng. Đây là lần đầu tiên một chính phủ nước ngoài tìm cách trừng phạt Trung Quốc vì chiến dịch giám sát đại chúng và giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương.

Nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ Nury Turkel, thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ cho hay: “Xét trên bình diện toàn cầu, [động thái này của Mỹ] nên được xem là hình mẫu cho các nước khác vốn đã đang rất thờ ơ đối với hành vi tàn ác [của chế độ Trung Quốc] tại khu vực người Duy Ngô Nhĩ sinh sống”.

Luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ lần đầu tiên kêu gọi chế tài một thành viên trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí Thư Đảng Ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc. Ông Trần có thể bị chế tài vì chịu trách nhiệm về “các vi phạm nhân quyền thô bạo”.

Luật cũng yêu cầu chính phủ Mỹ báo cáo Quốc hội về các vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, cũng như việc Trung Quốc thâu tóm công nghệ được sử dụng cho hành vi giám sát và bắt giữ hàng loạt. Luật cũng yêu cầu giới chức Mỹ tìm hiểu về các báo cáo rộng khắp liên quan tới hành vi quấy rối và đe dọa người Duy Ngô Nhĩ và các công dân Trung Quốc khác cư trú trên lãnh thổ Mỹ.

Luật cũng kêu gọi các công ty Mỹ đang hoạt động tại Tân Cương cần thực hiện các bước đi phù hợp nhằm đảm bảo họ không sử dụng các nguyên liệu đầu vào liên quan tới lao động cưỡng bức.

Tổng thống Trump ký luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ vào thời điểm Ngoại trưởng Mike Pompeo tổ chức buổi họp trực tiếp đầu tiên kể từ năm ngoái với quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii, theo Reuters.

Cùng ngày Tổng thống Trump ký luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, tờ Wall Street Journal đã cho đăng trích đoạn cuốn sách mới của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, trong đó cáo buộc rằng ông Trump dường như đã đồng ý với lý do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra về việc xây dựng các trại tập trung tại Tân Cương khi hai nhà lãnh đạo họp kín bên lề Hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản năm 2019, theo The Hill.

Xuân Thành

Xem thêm: