Các quan chức chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu (5/6) cho biết Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng rút 9.500 lính Mỹ khỏi Đức. Đây là đợt cắt giảm hiện diện quân sự quy mô lớn của Mỹ tại Châu Âu.

Embed from Getty Images

Theo The Guardian, hiện tại Mỹ đang đồn trú 34.500 quân nhân tại Đức. Lệnh rút quân của ông Trump sẽ giảm quân Mỹ tại Đức xuống còn 25.000. Đợt chuyển quân này được ông Trump đưa ra theo đề xuất của cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và công tác chuyển quân đã được chuẩn bị nhiều tháng nay dưới sự chỉ đạo của Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley.

Tại Đức, cũng đang có khoảng 17.000 nhân viên dân sự người Mỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần cho binh lính Mỹ, theo Reuters.

Theo Wall Street Journal, các quan chức chính quyền Trump nói rằng số binh lính Mỹ tại Đức sẽ đặt ở mức tối đa 25.000. Những binh lính vượt quá con số này hoặc sẽ được triển khai tới các căn cứ quân sự khác của Mỹ tại Châu Âu (chẳng hạn như Ba Lan) hoặc sẽ được hồi hương trước tháng Chín.

Tháng Chín năm ngoái, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã lên tiếng đe dọa Washington sẽ rút nhiều binh lính khỏi Đức nếu Berlin không tăng chi tiêu quốc phòng.

Các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Quân dịch Thượng viện lên án động thái rút quân Mỹ khỏi Đức của chính quyền Trump là “nhỏ mọn và rất ngu ngốc”.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Jack Reed nói: “Đây là một món quà khác cho Tổng thống Nga Putin và là sự lãnh đạo thất bại tiếp theo của chính quyền [Trump], làm chia rẽ thêm mối quan hệ với các đồng minh của chúng ta”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Ullyot tuyên bố rằng Mỹ vẫn cam kết làm việc với Đức về quốc phòng và các vấn đề khác.

Tranh cãi giữa Mỹ và Đức

Chính quyền Trump gần đây đã đụng độ với Đức nhiều lần trong nhiều vấn đề liên quan tới an ninh và quốc phòng. Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng các thành viên NATO như Đức nên đóng góp nhiều tiền hơn cho tổ chức phòng thủ Bắc Đại Tây Dương này.

Ông Trump cũng đã lên án các thỏa thuận năng lượng của Đức với Nga, coi sự phụ thuộc của Đức vào khí gas tự nhiên của Nga là có nguy cơ làm suy thoái các đảm bảo an ninh giữa Mỹ và Đức.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây cũng đã không hài lòng với nhau sau khi bà Merkel từ chối lời mời của ông Trump về việc tham gia một cuộc họp G-7 trực tiếp. Thủ tướng Đức lấy cớ đại dịch corona để từ chối tới Mỹ họp.

Tháng trước, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Grenell – đồng minh thân cận của ông Trump, nói rằng chính phủ Đức đã làm xói mòn khả năng đe dọa hạt nhân của NATO.

Ông Grenell cũng thường xuyên lặp lại các chỉ trích của Tổng thống Trump lên án Berlin cố duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran và có ý định sử dụng công nghệ của Huawei Trung Quốc cho mạng di động 5G mới của Đức.

Như Ngọc

Xem thêm: