Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (16/9) cho biết Washington và Tokyo đã đạt được hiệp định thương mại ban đầu. Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo dự kiến sẽ ký thỏa thuận này tại New York vào cuối tháng này.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, trong một lá thư mà Chính phủ gửi Quốc hội, Tổng thống Trump nói rằng ông dự định tham gia vào các thỏa thuận về hàng rào thuế quan và thương mại kỹ thuật số với Nhật Bản “trong vài tuần tới”. Ông Trump cũng thông tin với các nhà lập pháp Mỹ rằng hiệp định thuế quan này sẽ được thực hiện theo một điều khoản của luật thương mại Mỹ cho phép tổng thống thực hiện giảm thuế đối ứng bằng tuyên bố tổng thống.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ tham gia vào Hiệp định Hành pháp với Nhật Bản liên quan tới thương mại kỹ thuật số,” ông Trump nói trong thư gửi Quốc hội.

Cả hiệp định thuế quan và thương mại kỹ thuật số đều sẽ không yêu cầu phải được bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội. Các thỏa thuận này được thực hiện theo tiến trình phê chuẩn “tiến độ nhanh”. Chính quyền Trump năm ngoái đã thông báo với Quốc hội rằng họ sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản theo cách thức này.

Toàn bộ nội dung của thỏa thuận thương mại ban đầu Mỹ – Nhật chưa được hai bên công bố. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng về thỏa thuận này mà báo giới có thể nắm được qua phát ngôn của quan chức hai nước.

Thuế nhập khẩu của Mỹ lên ôtô Nhật

Thông báo của chính quyền Trump đã không nêu rõ liệu thỏa thuận thương mại có đáp ứng được một trong những đòi hỏi chính của Nhật Bản hay không. Đòi hỏi đó là Mỹ cam kết không áp thuế an ninh quốc gia 25% lên các phương tiện và phụ tùng ôtô Nhật Bản theo Điều 232 của luật thương mại Mỹ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi – trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo gần đây rằng ông muốn tái khẳng định tại vòng đàm phán cuối cùng rằng thuế ôtô sẽ không bị áp đặt.

Các quan chức Nhật Bản từ Thủ tướng Abe trở xuống đều đã từng nói rằng theo một thỏa thuận vào tháng 9/2018, Mỹ sẽ không áp đặt thuế bổ sung lên ôtô Nhật Bản trong khi cuộc đàm phán đang diễn ra.

Ôtô xuất khẩu của Nhật Bản chiếm khoảng 2/3 tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật và việc Mỹ đánh thuế bổ sung lên mặt hàng này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế phụ thuộc vào ngoại thương của Nhật Bản.

Một thỏa thuận sơ bộ được thông báo vào ngày 25/8 bao gồm Mỹ giảm thuế nhập khẩu lên các mặt hàng công nghiệp nhất định nhưng Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer đã nói rằng biểu giảm thuế này không bao gồm ôtô.

Thịt bò và thịt lợn

Nhật Bản dự kiến sẽ đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu đối với thịt bò và thịt lợn Mỹ theo mức được các bên chấp nhận trong hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút lui từ khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc.

Việc Nhật giảm thuế thịt bò và thịt lợn Mỹ sẽ cho phép ông Trump làm hài lòng nông dân Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Nông dân Mỹ đã gặp bất lợi tại thị trường Nhật sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Động thái này đồng thời cũng giúp ông Abe giữ lời hứa với các nhà sản xuất nội địa.

Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer vào tháng trước đã nói rằng lúa mì, các sản phẩm sữa, rượu vang và ethanol cũng sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này.

Trong khi đó, Washington sẽ tạo điều kiện cho Nhật Bản dễ dàng hơn trong việc xuất khẩu thịt bò vào Mỹ bằng việc xóa bỏ hạn ngạch thuế thấp 200 tấn hàng năm, giúp thịt bò Nhật được hưởng cùng vị thế thương mại với thịt bò của Úc, New Zealand và Canada, theo truyền thông Nhật đưa tin.

Nhật mua thêm ngô của Mỹ

Trong thông báo về thỏa thuận ban đầu hồi tháng trước, ông Trump đã đề cập tới quyết định của Nhật Bản trong việc mua trước ngô của Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản cho biết theo thỏa thuận, tổng nhập khẩu ngô của nước này sẽ không tăng lên. Nhật Bản chỉ là sẽ nhập trước ba tháng Ngô của Mỹ với khối lượng khoảng 2,75 triệu tấn. Các công ty tư nhân của Nhật Bản là bên có tiếng nói quyết định trong việc họ sẽ nhập bao nhiêu ngô.

Rượu vang, gạo

Nhật Bản đã đồng ý giảm thuế nhập khẩu đối với rượu vang Mỹ trong vòng 5 năm tới 7 năm, gần tương đương với khung thời gian 8 năm áp dụng trong TPP. Động thái cắt giảm thuế này khả năng giúp các nhà phân phối rượu vang xuất xứ Mỹ giảm được khoảng 13% chi phí.

Tuy nhiên, theo nhật báo Mainichi, khối lượng gạo của Mỹ được phép xuất miễn thuế vào Nhật theo hiệp định thương mại song phương sẽ ít hơn nhiều so với 70.000 tấn được chấp nhận theo TPP.

Phá giá tiền tệ

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói rằng trong hiệp định thương mại Nhật – Mỹ sẽ không có điều khoản tiền tệ nhằm mục đích ngăn chặn phá giá tiền tệ cạnh tranh.

Với việc không có điều khoản này, Nhật Bản vẫn có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu đồng yen tăng đột biến và đe dọa tới nền kinh tế Nhật vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Thương mại kỹ thuật số

Các quan chức nghành công nghệ Mỹ nói rằng họ hy vọng thỏa thuận thương mại số với Nhật Bản sẽ tương tự như các điều khoản trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), trong đó cho phép áp dụng mô hình Mỹ để phát triển internet.

Những điều khoản trong USMCA nhằm đảm bảo luồng dữ liệu tự do qua biên giới mà không phải chịu thuế, cấm các yêu cầu nội địa hóa máy chủ dữ liệu và hạn chế khả năng của chính phủ trong việc yêu cầu các công ty tiết lộ mã nguồn của họ.

Xuân Thành 

Xem thêm: