Hàng triệu người dân Mỹ được cho là sẽ có mặt trong cuộc “Tuần hành vì Trump” tại thủ đô Washington DC vào ngày 6/1, thời điểm diễn ra phiên họp hỗn hợp của Quốc hội để xác nhận phiếu Cử tri đoàn cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 vừa qua. Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ có mặt trong cuộc tuần hành lịch sử này.

Ông Trump hôm Chủ Nhật (3/1) đã viết trên Twitter: “Tôi sẽ ở đó. Ngày lịch sử”.

Trong tweet này, tổng thống Mỹ đương nhiệm đã chia sẻ lại đoạn clip 30 giây mà một nhóm ủng hộ TT Trump đã sản xuất và đăng lên mạng xã hội để cổ động người dân đến DC tuần hành trong ngày 6/1. Clip tuyên bố: “Đây có thể là sự kiện lớn nhất trong lịch sử Washington DC”. 

Trước đó, hôm thứ Sáu (1/1, giờ Mỹ) Tổng thống Trump đã loan báo rằng lượng lớn bằng chứng về gian lận bầu cử sẽ được đưa ra vào ngày 6/1 trong phiên họp hỗn hợp của Quốc hội.

Lượng lớn bằng chứng sẽ được đưa ra vào ngày 6/1. Chúng tôi đã thắng, LỚN!” ông Trump viết trên Twitter.

Tuyên bố nêu trên được Tổng thống Trump loan báo sau khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley (bang Missouri) và khoảng 40 dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện đã công khai lên tiếng xác nhận họ sẽ thách thức các phiếu Cử tri đoàn trong phiên họp hỗn hợp của Quốc hội vào ngày 6/1 vì các cáo buộc gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử ngày 3/11. 

Một số nhà lập pháp thậm chí ước tính rằng có “tối thiểu 140 Dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện” sẽ tham gia vào nỗ lực phản đối xác nhận chiến thắng của ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden.

Và đến cuối tuần qua, đã có thêm 11 thượng nghị sĩ lên tiếng cam kết sẽ phản đối phiếu Cử tri đoàn trong phiên họp Quốc hội vào ngày 6/1.

Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có Ted Cruz (bang Texas), Marsha Blackburn (bang Tennessee), Ron Johnson (bang Wisconsin.), James Lankford (bang Oklama), Steve Daines (bang Montana), John Kennedy (bang Louisiana) và Mike Braun (bang Indiana) sẽ tham gia cùng Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley (bang Missouri) trong nỗ lực phản đối các phiếu Cử tri đoàn tại phiên họp hỗn hợp của Quốc hội vào ngày 6/1.

Ngoài ra, có thêm 4 Thượng nghị sĩ Cộng hòa tân cử cũng tham gia vào nỗ lực trên, gồm Cynthia Lummis (bang Wyoming), Roger Marshall (bang Kansas), Bill Hagerty (bang Tennessee) và Tommy Tuberville (bang Alabama).

Theo Fox News, người tập hợp các vị thượng nghị sĩ và điều phối nỗ lực phản đối phiếu đại cử tri bầu cho ứng viên Joe Biden chính là Thượng nghị sĩ Ted Cruz.

Các thượng nghị sĩ đã phát đi một tuyên bố chung hôm 2/1 bày tỏ ý định “phản đối các đại cử tri của các bang tranh cãi” trong cuộc họp Quốc hội ngày 6/1. Các nghị sĩ này lập luận rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đã cho thấy “những cáo buộc chưa từng có tiền lệ về về gian lận cử tri, các vi phạm và thực thi lỏng lẻo luật bầu cử, và những bất thường bầu cử khác”.

Phó Tổng thống Mike Pence và cũng là Chủ tịch Thượng viện sẽ là người chủ trì phiên họp xác nhận phiếu Cử tri đoàn của Quốc hội Mỹ hôm 6/1.

Phó Tổng thống Mike Pence hôm 2/1, thông qua Chánh văn phòng Marc Short, đã nói rằng ông hoan nghênh nỗ lực của các nhà lập pháp trong việc thách thức các kết quả Cử tri đoàn vào ngày 6/1.

Vào phiên họp hỗn hợp của Quốc hội ngày 6/1, các phản đối sẽ có hiệu lực khi có ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ ký tên vào kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn bằng văn bản. Nếu điều kiện đó được đáp ứng, phiên họp hỗn hợp sẽ tạm dừng và mỗi viện sẽ tách ra họp riêng để thảo luận trong ít nhất hai giờ. Sau khi thảo luận, mỗi viện sẽ bỏ phiếu với quy tắc đa số tối thiểu để đồng ý hoặc bác bỏ kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn.

Nếu không ứng viên tổng thống nào vào ngày 6/1 được Quốc hội xác nhận có ít nhất 270 phiếu cử tri đoàn, thì một cuộc bỏ phiếu bất thường sẽ được kích hoạt tại Hạ viện và Thượng viện. Tại mỗi viện quốc hội, các đoàn lập pháp của mỗi bang sẽ bỏ phiếu bầu ra Tổng thống (tại Hạ viện) và Phó Tổng thống (tại Thượng viện).

Như Ngọc

Xem thêm