Các nhà phân tích đang tìm hiểu về triển vọng hợp tác giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Taliban để cùng chống lại một đối thủ chung: ISIS-K.

Embed from Getty Images

Theo các nhà phân tích, sau nhiều năm thù hằn, triển vọng về một liên minh giữa phương Tây và Taliban để chống lại đối thủ chung – nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) đứng sau vụ tấn công chết người vào sân bay Kabul vào tuần trước – dường như đang tăng lên.

Các quan chức Lầu Năm Góc ở Washington đã ám chỉ điều này vào hôm thứ Tư, khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Hoa Kỳ đang làm việc với Taliban về một loạt vấn đề.

Khi được hỏi tại cuộc họp tương tự rằng liệu quân đội có hợp tác với nhóm Hồi giáo để chống lại ISIS-K hay không, Tướng Mark A. Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cho biết: “Có thể.”

Hai chuyên gia an ninh nói với tờ SCMP rằng Taliban có thể đã cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ để Mỹ tiến hành các cuộc tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái nhằm vào các chiến binh ISIS-K gần thành phố Jalalabad và ở Kabul. 

Vụ đánh bom liều chết và tấn công sân bay Kabul ngày 26/8 đã giết chết khoảng 170 dân thường và 13 lính Mỹ, trong đó Taliban cho biết ít nhất 28 chiến binh của lực lượng này bảo vệ an ninh tại sân bay cũng thiệt mạng trong vụ tấn công.

Michael Kugelman, cộng sự cao cấp về Nam Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, cho biết “Mỹ đã coi Taliban như một lựa chọn ít tồi tệ nhất để hợp tác chống khủng bố, nhưng điều đó phần lớn là mong muốn chứ chưa phải thực tế. Tuy nhiên, tín hiệu gần đây từ Washington cho thấy có thể hai bên sẽ hợp tác thực sự.”

Khả năng Mỹ và Taliban sẽ đàm phán về một liên minh diễn ra sau 2 thập kỷ, từ hồi Tổng thống George W. Bush tuyên bố sau vụ tấn công ngày 11/9 rằng Taliban là kẻ thù không đội trời chung vì đã hỗ trợ và tiếp tay cho tội phạm giết người.

Washington đã dựa vào Taliban để đảm bảo một số yếu tố an ninh tại sân bay Kabul trong giai đoạn chuẩn bị cho đợt rút quân cuối cùng vào ngày 31/8, và trước đó đã cung cấp thông tin tình báo hạn chế cho nhóm này trong chiến dịch trấn áp khủng bố của họ.

“Ý tưởng về việc Mỹ sẽ hợp tác với tổ chức đã giết chết binh sĩ của họ trong gần hai thập kỷ qua chắc chắn là khá khó tin. Nhưng một lần nữa, lợi ích thường vượt trội hơn đạo đức trong quan hệ quốc tế,” ông Kugelman nói. “Mỹ sẽ hợp tác với Taliban nếu họ cho rằng có thể thúc đẩy lợi ích của mình một cách tốt nhất trong việc làm giảm mối đe dọa từ ISIS-K”.

Được lãnh đạo bởi các thủ lĩnh phe bất đồng chính kiến ​​của Taliban Pakistan, hàng ngũ của ISIS-K bao gồm hàng nghìn chiến binh Pakistan, Afghanistan và Uzbekistan.

Từ năm 2016 đến năm ngoái, các chiến binh ISIS-K ở các tỉnh Nangarhar và Kunar đã bị tấn công đồng thời bởi lực lượng chính phủ Afghanistan, dân quân địa phương, các đơn vị Taliban, cùng với máy bay không người lái và lực lượng đặc biệt của Mỹ. Tuy vậy, mức độ phối hợp giữa các bên là không rõ ràng. 

Ở đỉnh cao quyền lực vào năm 2018, ISIS-K đã giành quyền kiểm soát tám quận của Nangarhar và cố gắng mở rộng sang các tỉnh lân cận Kunar và Zabul.

Tuy vậy, ISIS-K ở Nangarhar đã bị đánh bại một tháng trước khi Mỹ và Taliban ký một thỏa thuận hòa bình ở Qatar vào tháng 2 năm ngoái, mở đường cho việc rút quân của Mỹ.

Tháng 3 năm đó, Tướng Kenneth “Frank” McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ giám sát các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Trung Đông, đã thừa nhận về sự hợp tác của Mỹ với Taliban chống lại ISIS-K khi ông nói rằng Mỹ đã cung cấp cho Taliban “sự hỗ trợ hạn chế” trong cuộc chiến.

Ông đã đưa ra bình luận tương tự trong một cuộc họp báo vào ngày 26/8 sau vụ tấn công sân bay Kabul. “Taliban không nhận được đầy đủ thông tin mà chúng tôi có, nhưng chúng tôi cung cấp cho họ đủ [thông tin] để hành động nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công này”.

Phát biểu sau vụ tấn công sân bay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải thích việc chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ với Taliban, cho biết sự phụ thuộc của Mỹ vào đối thủ lâu năm của họ “không phải là vấn đề của sự tin tưởng, đó là vấn đề lợi ích chung”.

Abdul Sayed, chuyên gia an ninh về các nhóm chiến binh cực đoan ở Afghanistan và Pakistan, cho biết Taliban có động cơ chính trị tương tự để hợp tác với Mỹ và các cường quốc nước ngoài khác.

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh Kugelman cho rằng giới lãnh đạo của Taliban có thể sẽ ngần ngại thừa nhận nhóm này đã hợp tác với Mỹ để chống lại ISIS-K, vì điều này làm mếch lòng các lực lượng Hồi giáo cực đoan chống Mỹ.

Hôm thứ Hai, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid mô tả việc Mỹ trả đũa ISIS-K trên đất Afghanistan là bất hợp pháp, cho rằng Mỹ lẽ ra phải cung cấp thông tin tình báo để Taliban thực hiện các hành động.

Ông Mujahid nói: “Nếu có bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào ở Afghanistan, thì điều đó nên được báo cáo cho chúng tôi, chứ không phải là một cuộc tấn công tùy tiện dẫn đến thương vong cho dân thường”.

Từ năm 2013, việc kết nối ngoại giao của Taliban với Mỹ thông qua văn phòng chính trị của lực lượng này ở Doha đã khiến những người theo đường lối cứng rắn nổi giận và khiến một số chỉ huy nổi tiếng đào tẩu sang ISIS-K vào năm 2015.

Trong khi Taliban cam kết sẽ trấn áp khủng bố sau khi Mỹ rút quân, các nhà phân tích cho biết nhóm này đang bận tâm với thách thức thành lập chính phủ mới và sẽ không truy lùng ISIS-K để trả đũa vụ tấn công sân bay.

Lê Xuân (theo SCMP)

Xem thêm: