Tunisia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất sau một thập kỷ theo đuổi nền dân chủ sau khi Tổng thống Kais Saied hôm thứ Hai (26/7, giờ địa phương) đã bãi niệm thủ tướng, đóng băng hoạt động của quốc hội. Các đối thủ chính trị gọi động thái này của ông Saied là một cuộc đảo chính và kêu gọi người dân xuống đường phản đối.

Embed from Getty Images

Trong tuyên bố phát đi vào cuối ngày Chủ Nhật (25/7), ông Saied đã viện dẫn hiến pháp để bãi nhiệm Thủ tướng Hichem Mechichi và ban hành chỉ thị đình chỉ hoạt động của quốc hội trong 30 ngày. Tổng thống nói ông sẽ điều hành đất nước cùng với một thủ tướng mới.

Ông Saied cũng bãi bỏ quyền miễn trừ pháp lý của các thành viên quốc hội và ông đang trực tiếp kiểm soát văn phòng tổng công tố.

Tổng thống cảnh báo sẽ mạnh tay đối với bất kỳ phản ứng có vũ trang nào đối với động thái của ông. “Bất cứ ai bắt đi một viên đạn, quân đội sẽ đáp trả bằng nhiều viên đạn”, ông Saied nói.

Động thái mạnh tay của Tổng thống Saied đến một ngày sau khi diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ và đảng Ennahda Hồi giáo (đảng lớn nhất trong quốc hội). Người dân biểu tình vì họ thất vọng với tình trạng bất ổn kinh tế, bế tắc chính trị kéo dài, cũng như số ca COVID-19 đang tăng cao.

Sự kiện mới nhất tại Tunisia đặt ra thách thức lớn nhất cho quốc gia châu Phi này kể từ cuộc cách mạng năm 2011. 10 năm trước chính cuộc cách mạng tại Tunisia đã kích hoạt phong trào “mùa xuân Ả Rập” trên khắp bắc Phi và Trung Đông. Cuộc cách mạng đó đã lật đổ chế độ độc tài, ủng hộ chế độ dân chủ. Nhưng nền dân chủ non trẻ của Tunisia vẫn quản lý đất nước không tốt và chưa đem đến sự thịnh vượng cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội Tunisia Rached Ghannouchi, lãnh đạo đảng Ennahda, đã chỉ trích động thái của Tổng thống Saied là một cuộc đảo chính và một cuộc tấn công vào nền dân chủ.

Vào đầu giờ sáng 26/7, ông Ghannouchi đã đến tòa nhà quốc hội với dự định sẽ triệu tập một cuộc họp để chống lại ông Saied. Tuy nhiên, quân đội đã chốt chặn bên ngoài tòa nhà, ngăn cản chính trị gia kỳ cựu 80 tuổi này đi vào bên trong quốc hội.

Tôi phản đối tập trung tất cả quyền lực vào tay một người”, ông Ghannouchi nói bên ngoài tòa nhà quốc hội. Trước đó, ông đã kêu gọi người dân Tunisia hãy xuống đường để phản đối động thái của Tổng thống Saied như họ đã từng làm trong ngày cách mạng năm 2011.

Hai đảng lớn khác trong quốc hội gồm Heart of Tunisia và Karama cũng đã đồng tình với đảng Ennahda cáo buộc ông Saied thực hiện đảo chính. Cựu tổng thống Moncef Marzouki, người từng giám sát công việc chuyển tiếp sang nền dân chủ sau cuộc cách mạng Tunisia năm 2011, đã nói rằng hành động của tổng thống đương nhiệm là khởi đầu của sự trượt dốc tới “tình huống thậm chí còn tội tệ hơn nữa”.

Ông Saied bác bỏ cáo buộc của các đối thủ chính trị. Ông nói rằng hành động mà ông thực hiện là dựa theo Điều 80 của hiến pháp và coi đó là biện pháp phù hợp để ứng phó với tình trạng tê liệt chính trị và kinh tế kéo dài khiến Tunisia sa lầy trong khủng hoảng nhiều năm qua.

Tổng thống Saied và quốc hội Tunisia hiện nay đều đã được bầu ra bằng các cuộc bầu cử dân chủ riêng biệt trong năm 2019. Trong khi, Thủ tướng Hichem Mechichi mới nhậm chức vào mùa hè năm ngoái, thay thế cho một chính phủ khác chỉ tồn tại thời gian ngắn.

Trong cuộc bầu cử năm 2019, không đảng phái nào chiếm được đa số ghế quốc hội, thậm chí là không đảng nào chiếm được hơn ¼ số ghế, từ đó khiến Quốc hội Tunisia bị phân mảng và gần như không thể vận hành.

Trong khi đó, Tổng thống Saied và Thủ tướng Mechichi đã bất đồng quan điểm suốt năm qua.

Theo hiến pháp Tunisia, tổng thống chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác đối ngoại và quân đội. Tuy nhiên, tuần trước, sau khi Thủ tướng Mechichi cho giải tán các trung tâm tiêm chủng, Tổng thống Saied đã yêu cầu quân đội đảm trách nhiệm vụ ứng phó với đại dịch COVID-19.

Hiện tại, người dân ủng hộ cả hai phe phái chính trị ở Tunisia đều đã xuống đường. Tình hình chính trị tại quốc gia châu Phi này được dự đoán sẽ còn diễn biến khó lường trong vài ngày tới.

Đức Thiện (theo Reuters)

Xem thêm: