Ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc đối thoại trực tuyến trong khoảng 2 giờ, “ăn miếng trả miếng” về nhiều vấn đề.

Joe Biden Tập Cận Bình
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh ghép)

Tuyên bố chính thức của Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều nhấn mạnh rằng hai bên nên duy trì liên lạc và kiểm soát sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng họ thể hiện khác biệt và đối đầu nhiều hơn về vấn đề Ukraine và Đài Loan.

Chỉ một giờ sau cuộc đối thoại, phía ĐCSTQ đưa ra tuyên bố ngắn gọn đầu tiên, trích dẫn lời của ông Tập Cận Bình rằng “quan hệ bang giao không thể đi đến giai đoạn đối đầu quân sự”. Sau đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Oánh và Ban Tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ đã đăng tải phiên bản tiếng Anh của tuyên bố lên Twitter.

Ngay sau cuộc họp kéo dài 2 giờ, Tân Hoa xã của ĐCSTQ đã phát hành một tuyên bố đối thoại trực tuyến dài, tổng cộng hơn 1600 từ. Tuyên bố của ĐCSTQ bắt đầu bằng việc Tổng thống Biden cam kết tránh chiến tranh lạnh với Trung Quốc và tôn trọng quan hệ song phương, sau đó ông Tập Cận Bình tập trung vào Đài Loan trước khi nói về Ukraine.

So với tuyên bố của ĐCSTQ, tuyên bố của Mỹ đưa ra muộn hơn 3 giờ và tập trung vào vấn đề Ukraine, cho biết Tổng thống Biden đã giải thích với Trung Quốc rằng nếu Trung Quốc hỗ trợ cho Nga thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hậu quả và tác động.

Nhà Trắng cảnh báo hậu quả nếu Trung Quốc giúp Nga

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo hôm thứ Sáu (18/3) tập trung vào hành động xâm lược không thể biện minh của Nga đối với Ukraine. Tổng thống Biden đã cung cấp cho Chủ tịch Tập một cái nhìn tổng thể về “quan điểm của Mỹ và các đồng minh về cuộc khủng hoảng này”, đồng thời nêu chi tiết “các nỗ lực ngăn chặn và ứng phó với cuộc xâm lược, bao gồm cả việc khiến Nga phải trả giá”.

Tuyên bố cũng cho biết, Tổng thống Biden nói về bối cảnh Nga tấn công tàn bạo vào các thành phố và dân thường Ukraine, qua đó nhấn mạnh “tác động và hậu quả mà Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ phải đối mặt nếu hỗ trợ đáng kể cho Nga”.

Ông Biden cũng nhấn mạnh rằng ông ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng chiến tranh Nga – Ukraine.

Lập trường mới của ĐCSTQ về Ukraine

Trong phần nói về tình hình Ukraine, lần đầu tiên tuyên bố của ĐCSTQ có những từ ngữ mới để giải thích lập trường của họ.

Ông Tập Cận Bình nói rằng tình hình ở Ukraine đã phát triển đến mức Trung Quốc không muốn chứng kiến, qua đó ông Tập kêu gọi tất cả các bên cùng ủng hộ đối thoại và đàm phán Nga – Ukraine, Mỹ và NATO cũng nên tiến hành đối thoại với Nga.

Nhận định về tuyên bố của ĐCSTQ, giáo sư truyền thông toàn cầu tại Đại học Bang Georgia là bà Maria Repnikova cho biết Trung Quốc vẫn “đổ lỗi một cách mơ hồ cho NATO và Mỹ về cuộc chiến ở Ukraine, hoặc ít nhất là họ không trực tiếp hoặc hoàn toàn quy trách nhiệm cho Nga”.

Bà Repnikova cũng nói rằng Bắc Kinh đề nghị Mỹ, NATO và Nga tham gia đối thoại, nhưng gạt Ukraine sang một bên.

Trước cuộc đối thoại trực tuyến, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Năm rằng, các chuyên gia chính sách đối ngoại thân cận với Chính phủ Trung Quốc cho biết, khả năng trong cuộc đối thoại ông Tập sẽ đặt Bắc Kinh như một bên trung lập, và bên có thể thúc đẩy đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Nguồn tin cũng cho biết, các chuyên gia chính sách đối ngoại thân cận với Chính phủ Trung Quốc chỉ ra Bắc Kinh đã dàn xếp theo một chiến lược trung lập thân Nga rõ ràng hơn: không chống Nga, cũng đồng thời ủng hộ Ukraine.

Ông Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo về vấn đề Đài Loan

Tuyên bố của Trung Quốc cho biết, ông Tập Cận Bình cảnh báo “nếu vấn đề Đài Loan không được xử lý đúng cách sẽ có tác động mang tính lật đổ mối quan hệ giữa hai nước”. Đồng thời ông Tập cũng cho rằng một số người ở Mỹ đã gửi tín hiệu không đúng cho phe “cổ vũ Đài Loan độc lập”.

“Nguyên nhân trực tiếp của tình hình hiện nay trong quan hệ Trung – Mỹ là do một số người ở Mỹ đã không thực hiện đồng thuận quan trọng mà hai chúng ta đạt được, cũng như không thực hiện những quan điểm tích cực của ngài Tổng thống”, ông Tập Cận Bình nói.

Giới quan sát quan hệ Mỹ – Trung có quan điểm cho rằng nhận xét của ông Tập là dấu hiệu cho thấy trong Chính phủ Mỹ đang chia rẽ về chính sách Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh có thể đang cố gắng khai thác.

Về vấn đề này, tuyên bố của Mỹ cho biết, Tổng thống Biden nhắc lại rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, nhấn mạnh Mỹ tiếp tục phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở eo biển Đài Loan.

Tận dụng thời cơ để chuyển hướng sự chú ý vào hiện trạng Trung Quốc

Theo tuyên bố của phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói nhiều về những khó khăn chung mà các nước trên thế giới phải đối mặt, không chỉ vấn đề đối phó đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) mà còn để bảo vệ nền kinh tế và sinh kế của người dân.

Về vấn đề này, giáo sư Repnikova cho rằng phần phát biểu này của ông Tập phù hợp với tuyên truyền trong quá khứ của ĐCSTQ: nhấn mạnh phương Tây là thủ phạm, và hô vang khẩu hiệu duy trì ổn định kinh tế toàn cầu.

Còn nhà bình luận thời sự người Hoa ở New York, ông Đường Thanh (Tang Qing) nói rằng thông báo của phía ĐCSTQ về cuộc đối thoại trực tuyến cho thấy ý đồ của ĐCSTQ: che đậy đại dịch COVID-19, liên minh với ông Putin, cảnh báo với Nga rằng mọi thứ do tình báo Mỹ gây ra. Cộng đồng quốc tế lo ngại ĐCSTQ viện trợ cho Nga.

“Hiện nay họ muốn cải trang bộ mặt, nhưng cộng đồng quốc tế không dễ bị đánh lạc hướng”, ông Đường Thanh nói.

Theo tuyên bố của Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận thúc đẩy đối thoại cấp cao nhất vào những thời khắc quan trọng trong tương lai, nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm kết nối cởi mở để xử lý mối quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là điểm phù hợp với tuyên bố của Trung Quốc.