Sau khi SVB sụp đổ, tỷ phú Elon Musk cho biết trên Twitter rằng ông “để ngỏ khả năng” mua lại ngân hàng này.

Tỷ phú Elon Musk
CEO Elon Musk. (Ảnh: Naresh111/Shutterstock)

Những ngày qua, sự việc Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng tại Mỹ – sụp đổ đã thu hút sự ý chú trên toàn cầu về mức độ mà nó có thể gây ra với ngành ngân hàng và công nghệ.

Trong bối cảnh đó, ngày 11/3 vừa qua, tỷ phú công nghệ Elon Musk cho biết ông “để ngỏ khả năng” mua lại SVB sau khi ngân hàng này sụp đổ. Tuy nhiên, tuyên bố của tỷ phú 51 tuổi đã tạo ra các luồng ý kiến trái chiều và dường như không được đón nhận nhiệt tình, ít nhất là từ một nhà đầu tư của Tesla.

Câu chuyện bắt đầu từ bài đăng trên Twitter của nhà sáng lập và CEO của công ty chuyên kinh doanh sản phẩm cho game thủ Razer – Min-Liang Tan: “Tôi cho rằng Twitter nên mua lại SVB để biến nó thành ngân hàng số”.

Đáp lại, tỷ phú Elon Musk viết: “Tôi để ngỏ khả năng này” và không công bố thêm chi tiết.

Bình luận của Elon Musk nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Một người dùng Twitter ủng hộ tuyên bố của ông Musk: “Đây là cơ hội tốt”. Trong khi một người khác lại có ý kiến ngược lại: “Mua lại SVB và bán thêm 20 tỷ USD cổ phiếu Tesla nữa sao? Không cảm ơn”.

Theo hồ sơ Twitter của Sanjay, người này là một “khách hàng và nhà đầu tư của Tesla, người hâm mộ bò tót và Elon Musk”.

Được biết, ông Elon Musk đã nhiều lần bán cổ phiếu Tesla vào năm ngoái để hỗ trợ tài chính cho việc mua lại Twitter. Điều này đã khiến giá cổ phiếu của hãng xe điện Mỹ sụt giảm.

Cụ thể, vị CEO này đã bán số cổ phiếu trị giá 8,5 tỷ USD vào tháng 4; 6,9 tỷ USD vào tháng 8; 3,95 tỷ USD vào tháng 11 và 3,6 tỷ USD vào tháng 12; tổng cộng gần 23 tỷ USD.

Ngoài ra, ông cũng hứng chịu không ít chỉ trích khi dành quá nhiều thời gian và công sức để tạo ra những thay đổi mới tại Twitter và lơ là việc điều hành Tesla.

Ngày 10/3, SVB đã bị cơ quan quản lý của Mỹ đóng cửa sau khi tiền gửi cạn kiệt vì khách hàng rút tiền ồ ạt trong thời gian ngắn. SVB đã được giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.

Thời điểm hiện tại, nhiều khách hàng đang lo lắng về khoản tiền gửi chưa rút ra được của mình tại SVB. Trong khi đó, không ít nhà sáng lập và chủ startup cũng đứng ngồi không yên vì có thể nhân viên của họ sẽ không được nhận lương vào đúng hạn do công ty của họ sử dụng dịch vụ thanh toán lương thông qua SVB.

Phan Anh

Video: Đằng sau khổ nạn là thăng hoa, đằng sau bóng tối là ánh sáng