Nhà hoạt động tỷ phú gốc Hungary George Soros phải chăng sở hữu tầm nhìn siêu chuẩn khi chỉ ra chính xác ai sẽ phải đổ máu để hoàn thành mục đích của ai đó, theo một bình luận đăng trên RT.

George Soros World Economic Forum Annual Meeting 2011 copy
Tỷ phú George Soros tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở in Davos, Thụy Sỹ hôm 27/1/2011.
(Nguồn: World Economic Forum swiss-image.ch/Michael Wuertenberg)

“Hoa Kỳ sẽ không được gọi đến để đóng vai cảnh sát quốc tế [nữa]. Khi nó hành động, nó sẽ kết hợp với những nước khác. Thật tình cờ, sự kết hợp giữa nhân lực của Đông Âu với khả năng kỹ thuật của NATO sẽ khuếch đại tiềm năng quân sự của Đối tác [Vì Hòa bình] vì nó giảm nguy cơ đổ máu cho các nước NATO, vốn là chướng ngại chính cho hành động của họ. Đây là một giải pháp thay thế có tính khả thi cho tình trạng rối loạn thế giới đang rình rập,” trích từ bài luận của George Soros, trong đó “tình trạng rối loạn” là nói đến trật tự bị xáo động sau khi bố cục thế giới 2 cực (2 siêu cường quốc là Hoa Kỳ và Liên Xô) biến mất, và “Đối tác Vì Hòa bình” là điều ông miêu tả là một cơ chế liên minh đa phương mỗi khi cần phải đối mặt với nguy cơ nào đó, một cơ chế mà theo ông là phù hợp cho tình trạng đó.

Luận điểm trên hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận. Chỉ bằng vài câu ngắn gọn, nó đã miêu tả rõ ràng chiến lược của Hoa Kỳ và NATO, khi họ khai thác chiến tranh ở Ukraine hôm nay: Ukraine cung cấp nhân lực, và đồng minh phương Tây cung cấp tiền và vũ khí để đến cái đích cuối cùng là thiết lập trật tự thế giới như mong muốn.

Đó là phương Tây vừa có thể lớn mạnh vị thế bản thân bằng cách làm suy yếu nước Nga, nước khác phe với họ, vừa không phải giải thích với công dân trong nước, vì họ không phải đưa binh lính đi chết ở chiến trường. Ngoài ra, bằng cách nhiều quốc gia cùng nhau chia sẻ gánh nặng viện trợ kinh tế và quân sự cho Kyiv, họ có tài nguyên để kéo dài chiến tranh ủy quyền ở Ukraine, đồng thời tạo ấn tượng rằng họ đang duy trì hòa bình và chính nghĩa. Điều đó còn góp phần củng cố cho tuyên truyền của họ rằng ai đứng lên chỉ trích Ukraine là vi phạm đạo đức, và thậm chí đáng bị nghi ngờ là đặc vụ của Điện Kremlin.

Điều rất đáng nói ở đây, đó là ông George Soros viết bài luận đó không phải trong tuần này, tháng này hoặc trong một năm vừa qua. Ông thậm chí không viết nó sau dịp năm 2014, khi ông bị cáo buộc ủng hộ việc lật đổ chính phủ dân cử của Ukraine và có thể đã dự đoán một cách hợp lý về một cuộc xung đột sắp tới với Nga. Không. George Soros đã viết bài luận đó vào năm 1993, cách đây gần 30 năm.

Lúc bấy giờ, theo như bài luận viết, sau sự sụp đổ của Liên Xô, George Soros muốn ngăn chặn các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trở thành các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc; vì theo phân tích của ông, quốc gia nào theo chủ nghĩa dân tộc sẽ quản lý đất nước vì lợi ích của chính họ, cho nên một cách tự nhiên, họ sẽ không hợp với xu thế toàn cầu hóa, tức là trật tự thế giới mới mà ông theo đuổi và thúc đẩy rất nhiều năm.

Lúc bấy giờ các nhà lãnh đạo phương Tây đã đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. Nhưng George Soros đánh giá rằng khối quân sự này sẽ là “cơ sở của trật tự thế giới mới,” rằng NATO sẽ cần “một số tư duy mới sâu sắc,” vì sứ mệnh ban đầu của nó đã “lỗi thời” rồi, và ông nhấn mạnh rằng liên minh phải được tự do mời bất kỳ quốc gia nào tham gia.

Trên thực tế, ông đã nhìn thấy một cơ hội tuyệt vời để NATO tận dụng khoảng trống an ninh do sự sụp đổ của Liên Xô tạo ra, nếu tổ chức này có thể hành động nhanh chóng. “Nếu NATO có sứ mệnh nào đó, thì ắt là thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng của mình vào khu vực, và sứ mệnh này được xác định tốt nhất theo định nghĩa về xã hội mở và đóng.”

Bài luận nói về một định nghĩa xã hội mở và đóng để phân tách một cách đại khái về chiến tuyến. Xã hội mở là các quốc gia mở cửa, phù hợp theo xu thế toàn cầu hóa. “Xã hội đóng là dựa vào nguyên lý kiểu chủ nghĩa dân tộc sẽ tạo thành đe dọa cho an ninh, vì họ cần kẻ thù, dù là bên trong hay bên ngoài,” ông viết.

“Các quốc gia Trung Âu đang kêu gọi trở thành thành viên đầy đủ của NATO càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi Nga phục hồi.”

“Nga phản đối, không phải vì [Nga] nuôi dưỡng bất kỳ kế hoạch nào nhằm khôi phục đế chế cũ của mình, mà vì nước này không thấy lợi ích gì khi đồng ý. Lòng tự hào dân tộc của họ bị tổn thương, và họ sẽ thấy khó chịu và chán ghét mỗi khi buộc phải nhượng bộ mà không nhận được lợi ích tương ứng.”

Ông George Soros coi NATO vừa là một nền tảng khả thi để phát triển thành lực lượng triển khai hoạt động chống Nga, hướng đến trật tự thế giới mới của mình, vừa là đối tượng rất thích hợp để lôi kéo các quốc gia thuộc Khối Đông Âu trước đây tham gia. “NATO có một cơ cấu chỉ huy thống nhất tập hợp Hoa Kỳ và Tây Âu,” ông viết.

“Có những lợi thế lớn khi có một trụ cột phương Tây vững chắc như vậy: Nó dẫn đến một cấu trúc tựa một cái sườn dốc bắt nguồn từ phương Tây. Đây là điều nên làm, vì mục tiêu là củng cố và thỏa mãn mong muốn của khu vực về việc gia nhập xã hội mở của phương Tây.”

Mục tiêu viết trong bài luận năm đó đã lần lượt trở thành hiện thực. Ví dụ, George Soros lưu ý rằng không có gì ngăn cản các nước như Ba Lan, Séc, và Hungary gia nhập NATO. Thực tế sau đó cả ba quốc gia ấy đã trở thành làn sóng mở rộng đầu tiên của NATO sau Chiến tranh Lạnh, gia nhập khối này vào năm 1999. Trên thực tế, NATO đã tăng gần gấp đôi quy mô kể từ đó, thêm 14 thành viên vào năm 2020, và hiện nay coi Ukraine và Gruzia là những thành viên trong tương lai.

NATO đã đặt chân tới sát biên giới Nga, đặt vũ khí chiến lược và an ninh ngay ngưỡng cửa Moscow. Điều đó góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Như trích dẫn ở trên, theo quan điểm của George Soros từ năm 1993, Nga không hề có mong muốn khôi phục lại đế chế của Pyotr Đại đế, trái ngược với luận điểm phổ biến của truyền thông như CNN.

Thiên Đức