Người giàu nhất nước Nga, ông trùm kim loại Vladimir Potanin, nói rằng nếu Moscow tịch thu tài sản của những công ty đã chọn ra đi, điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào họ trong nhiều thập kỷ, đưa nước Nga sẽ trở lại những ngày tháng đau khổ của Cách mạng Bolshevik năm 1917. Ông kêu gọi chính quyền Putin phản ứng khôn ngoan hơn với các lệnh trừng phạt.

shutterstock 1899310912
Tỷ phú Nga Vladimir Potanin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg, ngày 06/06/2019. (Ảnh: Anatolii Trofimov / Shutterstock).

Ông Vladimir Potanin là cổ đông lớn nhất của công ty Norilsk Nickel, nhà sản xuất paladi và niken tinh chế lớn nhất thế giới. Vào thời điểm mà Nga đang bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, ông cho rằng Nga nên dùng thái độ thực dụng để ứng phó với hiện trạng này.

Ông Potanin nói trên Telegram: “Thay vì cố gắng ‘đóng sập cửa’ (từ chối thảo luận), chúng ta nên cố gắng duy trì vị thế kinh tế của Nga tại các thị trường mà chúng ta đã dành nhiều thời gian để vun đắp.” Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, ông Potanin là người giàu nhất ở Nga tính đến tháng 3/2022.

Ông Potanin, 61 tuổi, cũng là người sáng lập công ty Interros, một trong những công ty đầu tư tư nhân lớn nhất của Nga. Ông cho biết việc thu giữ tài sản của các công ty đã rời khỏi Nga sẽ khiến các nhà đầu tư kém lạc quan hơn về đất nước trong nhiều thập kỷ.

“Điều này sẽ đưa chúng ta trở lại năm 1917 cách đây 100 năm trước (thời Liên Xô), hậu quả của việc các nhà đầu tư toàn cầu thiếu niềm tin vào Nga, chúng ta sẽ cảm thấy điều này trong nhiều thập kỷ”, ông Potanin, cựu quan chức thương mại, xuất thân từ gia đình thuộc Liên Xô cũ, cho biết.

Ngoài việc là nhà sản xuất paladi và niken cao cấp lớn nhất thế giới, Norilsk Nickel còn là nhà sản xuất bạch kim và đồng. Ngoài ra, công ty còn sản xuất các sản phẩm liên quan như coban, rhodium, bạc, vàng, iridium, ruthenium, selen, tellurium và lưu huỳnh.

Potanin: Moscow nên suy nghĩ lại việc đáp trả các lệnh trừng phạt

Sau khi Moscow xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với gần như toàn bộ hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Nga, với hơn 300 công ty châu Âu và Mỹ thông báo các biện pháp đáp trả như rút khỏi thị trường nội địa hoặc tạm ngừng kinh doanh. Nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói với Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm (ngày 10/3) rằng chính phủ đang đề xuất đưa các công ty đã rời khỏi Nga vào diện “quản lý bên ngoài”.

“Ban quản lý bên ngoài cần được giới thiệu để bàn giao các công ty này cho những người muốn làm việc.” Bloomberg và Sputnik đưa tin trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Mikhail Mishustin nói rằng Tổng thống Vladimir Putin cũng ủng hộ ý tưởng này, nói rằng Điện Kremlin sẽ có thể xác định phương án giải quyết khả thi về mặt pháp lý để tịch biên tài sản của những công ty quốc tế, và cần “hành động quyết quyết đoán” đối với các công ty chuẩn bị đóng cửa sản xuất.

Ông Putin cũng nói rằng Nga sẽ vẫn mở cửa kinh doanh và quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài muốn ở lại thị trường Nga “cần được bảo vệ một cách đáng tin cậy”.

Tháng trước, công ty BP cho biết họ sẽ từ bỏ cổ phần của mình trong công ty Rosneft. Các công như McDonald’s, PepsiCo, Coca-Cola và Starbucks đã ngừng bán ở Nga vào thứ Ba nhằm phản đối cuộc xâm lược Ukraine. Toyota và Ikea cũng đã đóng cửa các hoạt động tại Nga.

Amazon.com hôm thứ Ba cho biết họ sẽ ngừng tiếp nhận khách hàng mới cho các dịch vụ đám mây của mình ở Nga và Ukraine. Universal Music đã đình chỉ mọi hoạt động ở Nga và dịch vụ hẹn hò trực tuyến Bumble Inc sẽ xóa ứng dụng của mình khỏi các cửa hàng ở Nga và Belarus.

Trước đó, Shell đã ngừng mua dầu từ Nga và cho biết sẽ cắt đứt hoàn toàn liên kết với nước này trong khi Mỹ đẩy mạnh chiến dịch trừng phạt Moscow bằng cách cấm nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga.

Quyết định từ bỏ Nga của Shell diễn ra vài ngày sau khi họ vấp phải hàng loạt chỉ trích vì mua dầu của Nga.

Shell và các đối thủ BP và Exxon Mobil đều đã công bố kế hoạch bán cổ phần tại Nga và rút khỏi nước này.

Ông Potanin cảnh báo rằng một số quốc gia lợi dụng các biện pháp trừng phạt như một cách để nổi bật hơn trong cạnh tranh, vì vậy Moscow cần đưa ra quyết định sáng suốt sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.

“Chúng ta thấy rằng nền kinh tế của phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Vì vậy, chúng ta phải khôn ngoan hơn để tránh những tình huống mà lệnh trừng phạt của chúng ta giáng xuống chính chúng ta”, ông Potanin nói.

Hôm thứ Ba, ông Biden thông báo rằng Mỹ sẽ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga như một bước quan trọng khác trong việc buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược Ukraine.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nói rằng “Mỹ đang nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga”, và ông cũng thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga “cũng sẽ phải trả giá ở trong nước Mỹ”, nhưng “bảo vệ tự do sẽ phải trả giá, và Mỹ cũng sẽ phải trả giá”.

Ông Putin nói rằng một “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine là điều cần thiết để đảm bảo an ninh của đất nước Nga khi Mỹ và NATO mở rộng về phía đông đến biên giới của Nga.

Điện Kremlin hôm thứ Năm lên án phương Tây phát động “chiến tranh kinh tế” nhằm vào Nga, đồng thời cho biết Nga sẽ hành động để giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt và những rủi ro tiếp theo.

Mộc Vệ (t/h)