Hôm thứ Năm, Úc đã kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra các báo cáo tiết lộ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thiết lập hàng loạt trại lao động, trại cải tạo tại Tân Cương, trong đó người Duy Ngô Nhĩ và những phụ nữ dân tộc thiểu số khác thường xuyên bị “hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn một cách có hệ thống”.

Embed from Getty Images

Trước đó, hôm 3/2, hãng tin BBC báo cáo một số cựu tù nhân và lính canh tại các trại tập trung ở Tân Cương do nhà nước cộng sản điều hành tiết lộ “họ đã trải qua hoặc nhìn thấy bằng chứng về một hệ thống có tổ chức trong việc cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn các tù nhân.”

Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne trong một tuyên bố hôm 4/2, đã bày tỏ quan ngại về thông tin được BBC đưa ra:

“Những báo cáo mới nhất về việc tra tấn và lạm dụng phụ nữ có hệ thống đã gây ra lo ngại sâu sắc và đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng liên quan đến việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương,” tuyên bố viết.

“Chúng tôi coi sự minh bạch là điều quan trọng hàng đầu và tiếp tục thúc giục Trung Quốc cho phép các quan sát viên quốc tế, bao gồm Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Michelle Bachelet, được tiếp cận ngay lập tức một cách có ý nghĩa và không bị gò bó tại Tân Cương trong thời gian sớm nhất,” tuyên bố nói thêm.

Bộ ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng với tuyên bố của người đồng cấp Úc vài giờ sau đó tại một cuộc họp báo thường kỳ:

“Trung Quốc đã đưa ra lời mời từ lâu cho Cao ủy Nhân quyền LHQ (UNHCHR) và chúng tôi đang trao đổi về vấn đề này với UNHCHR. Chúng tôi hoan nghênh những người nước ngoài có tư tưởng công bằng đến thăm Tân Cương và tìm hiểu tình hình thực tế ở đó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 4/2.

“Đồng thời, chúng tôi kiên quyết phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bởi bất kỳ quốc gia hoặc cá nhân nào với lý do nhân quyền, và cường điệu cái gọi là ‘điều tra’ ở Tân Cương bởi những người luôn tin rằng chúng tôi có tội,” ông Uông nói thêm.

Ông Uông cũng đã bác bỏ báo cáo ngày 3/2 của BBC, nêu rõ “Không có cái gọi là ‘lạm dụng tình dục có hệ thống và ngược đãi phụ nữ’” ở Trung Quốc.

Nhiều tổ chức nhân quyền cáo buộc các quan chức chính quyền ĐCSTQ đã giam giữ từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại giam tại Tân Cương ít nhất kể từ năm 2017. Các nhóm nhân quyền trích dẫn hàng loạt bằng chứng là các hình ảnh vệ tinh mô tả các cơ sở giam giữ được xây dựng hoặc mở rộng gần đây, lời khai của nhân chứng và các tài liệu bị rò rỉ của ĐCSTQ đề cập đến các cơ sở mà ĐCSTQ mô tả là “trại cải tạo” hoặc trại dạy nghề.

Những người sống sót trong trại đã làm chứng rằng họ đã phải chịu đựng việc lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp, phá thai cưỡng bức và triệt sản, tra tấn, lao động nô lệ và bị nhồi sọ các tuyên truyền về ĐCSTQ khi bị giam giữ trong các cơ sở. Nhiều cáo buộc trong số này được lặp lại hoặc trình bày kỹ hơn trong báo cáo ngày 3/2 của BBC.

Xuân Lan

Xem thêm: