Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton hôm thứ Sáu (26/11) nói rằng những hành động “đáng ngại” của Trung Quốc không tương thích với giọng điệu của họ về thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Dutton tuyên bố như vậy sau khi Úc xác nhận họ đã phát hiện một tàu hải quân Trung Quốc di chuyển qua vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Nam Thái Bình Dương.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Peter Dutton liệt kê việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, tăng cường gây hấn với Đài Loan gần đây và áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông là những ví dụ về hành động của Trung Quốc trái với giọng điệu của họ.

Theo Reuters, ông Dutton phát biểu tại thủ đô Canberra hôm 26/11: “Tất cả chúng ta đã quá quen với những tuyên bố thường xuyên của chính quyền Trung Quốc rằng họ cam kết hòa bình, hợp tác và phát triển. Nhưng chúng ta đã được chứng kiến sự trái ngược rõ ràng giữa lời nói và hành động của họ. Chúng tôi đã đang theo dõi rất sát sao khi chính quyền Trung Quốc đã đang tham gia vào những hành động ngày càng đáng lo ngại”.

Trước phát biểu của Bộ trưởng Dutton, Úc đã chính thức xác nhận họ theo dõi thấy một tàu trinh sát Trung Quốc hồi tháng Tám di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế, nhưng chưa xâm nhập vào nội thủy Úc.

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với báo giới tại Adelaide rằng, chiếc tàu của Trung Quốc đang di chuyển hợp pháp, nhưng nhấn mạnh: “Đừng nghĩ rằng chúng ta đã không để mắt tới họ, khi họ đang tìm cách theo dõi chúng ta”.

Điều đó cho thấy rằng bây giờ không ai có thể tự mãn về tình hình tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, ông Morrison nói thêm.

Cũng theo Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã lập tức phản ứng gay gắt về phát ngôn của Bộ trưởng Dutton. Họ nói ông Dutton đã xuyên tạc chính sách ngoại giao của Trung Quốc, truyền tin sai tới người dân Úc và đang “thổi bùng xung đột và chia rẽ hai đất nước, hai dân tộc”.

Thật không thể tưởng tượng được rằng mối quan hệ Trung Quốc – Úc sẽ nhận được động lực tích cực… nếu chính phủ Úc hoạch định chiến lược quốc gia dựa vào những phân tích thiếu tầm nhìn và tư tưởng lỗi thời như vậy”, Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc, nhưng quan hệ hai nước đã rớt xuống mức thấp nhất trong năm 2020 sau khi Canberra lên tiếng ủng hộ một cuộc điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về nguồn gốc COVID-19, bệnh dịch vốn xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Trung Quốc đáp trả Úc bằng việc hủy các hợp đồng nhập khẩu khoáng sản và áp đặt thuế suất cao lên các hàng hóa nhập khẩu từ Úc như rượu vang, lúa mạch, thịt bò, hải sản và than đá, vô hiệu hóa thỏa thuận tự do thương mại Úc-Trung mà hai nước đã ký kết vào năm 2015.

Úc và đồng minh của nước này là Mỹ đã lên án hành động của Trung Quốc là “bắt nạt kinh tế”.

Tuy nhiên vào tháng Mười năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,79 triệu tấn than của Úc. Một số cơ quan truyền thông bên ngoài Trung Quốc đưa tin, trong gần một năm qua kể từ khi chế độ Bắc Kinh ban hành “Lệnh cấm than Úc”, đây là lần thông quan đầu tiên của Trung Quốc đối với than của Úc nhằm bù đắp thiếu hụt.

Hồi tháng Chín, Úc cùng các đồng minh Mỹ và Anh đã ký kết thành lập thỏa thuận an ninh ba bên Úc – Anh – Mỹ, gọi tắt là AUKUS. Liên minh này được cho là nỗ lực của Mỹ, Anh, Úc nhằm tăng cường hiện diện tại Ấn Độ – Thái Bình Dương trước sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc gọi AUKUS là mối nguy hiểm đối với hòa bình thế giới.

Úc cũng đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP).

Thủ tướng Úc Morrison nhận xét rằng việc Trung Quốc sử dụng đòn thương mại để uy hiếp đối tác là không đáp ứng tiêu chí gia nhập CPTPP.

Theo Epoch Times, ông Morrison trong cuộc họp báo tại Canberra hôm 22/11 đã nói rằng: “CPTPP đặt ra một số tiêu chuẩn rất cao để gia nhập và bạn phải có khả năng đáp ứng (các tiêu chuẩn này). Điều quan trọng là những quốc gia muốn tham gia hiệp định này không nên có hồ sơ đe dọa các đối tác thương mại khác”.

Ngày 16/9, Trung Quốc tuyên bố chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình trong thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, nước này cần có sự đồng lòng ủng hộ của Úc và 10 quốc gia thành viên khác mới có thể được chấp nhận tham gia.

Hải Đăng (T/h)

Xem thêm: