Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố sẽ áp dụng luật buộc Facebook phải trả tiền cho các hãng tin tức về nội dung, đồng thời cho biết ông đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo thế giới sau khi gã khổng lồ truyền thông xã hội này đã chặn việc tiếp cận mọi nội dung từ các hãng tin lớn đối với người đọc ở Úc. 

Embed from Getty Images

Hôm 18/2, Facebook đã chặn người dùng Úc xem nội dung của các trang báo trong và ngoài nước trên nền tảng của mình, đồng thời không cho phép họ chia sẻ bất kỳ nội dung tin tức nào, nói rằng họ không còn lựa chọn nào trước luật nội dung mới của Canberra.

Ngoài ra, Facebook còn xóa một số tài khoản của chính phủ tiểu bang và các cơ quan khẩn cấp, cũng như các trang web từ thiện phi lợi nhuận. Động thái của Facebook đã gây ra sự phẫn nộ lớn ở Úc.

“Các hành động của Facebook nhằm ‘hủy kết bạn’ với Úc ngày hôm nay, cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, vừa ngạo mạn vừa đáng thất vọng”, ông Morrison viết trên trang Facebook của chính mình.

“Những hành động này sẽ chỉ khẳng định thêm mối quan ngại mà ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ về hành vi của các công ty Big Tech, những kẻ cho rằng họ quyền lực hơn chính phủ và các quy tắc không nên áp dụng cho họ,” Thủ tướng Úc viết tiếp.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì nói trong một tuyên bố: “Đây là một sự biến chuyển đáng báo động và nguy hiểm. Cắt quyền truy cập thông tin quan trọng của cả một đất nước trong đêm khuya khoắt là vô lương tâm.”

Thủ tướng Úc đã tiếp tục lên tiếng chỉ trích hành động của Facebook hôm thứ Sáu, đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ đều thể hiện sự ủng hộ với chính phủ Úc trong việc yêu cầu Facebook trả tiền.

Ông Morrison nói với các phóng viên ở Sydney: “Thế giới rất quan tâm về những gì Úc đang làm. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị Facebook hãy hồi đáp điều này trên tinh thần xây dựng, bởi vì họ có thể biết rằng nhiều quốc gia phương Tây khác sẽ hành động theo như những gì Úc sẽ làm.”

Dự luật mới của Úc sẽ buộc Facebook và Google phải đạt được các thỏa thuận thương mại với các hãng tin ở Úc, hoặc phải đối mặt với việc phân xử bắt buộc, đã được Hạ viện liên bang thông qua và dự kiến ​​sẽ được Thượng viện thông qua trong tuần tới.

Bộ trưởng Ngân khố Úc, ông Josh Frydenberg cho biết ông đã nói chuyện với Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg lần thứ hai.

“Chúng tôi đã nói chuyện về các vấn đề còn lại họ đang khúc mắc và đồng ý rằng hai bên sẽ giải quyết vấn đề ngay lập tức. Chúng tôi sẽ nói chuyện lại vào cuối tuần”, ông Frydenberg nói trong một tweet.

Ông Frydenberg trước đó đã nói với hãng tin Australian Broadcasting Corp (ABC) rằng “ở đây có điều gì đó lớn hơn nhiều đang bị đe dọa, chứ không chỉ là một hoặc hai thỏa thuận thương mại. Đây là về chủ quyền của Úc”.

Trong tuyên bố thông báo về động thái ở Úc, Facebook cho biết luật pháp Úc đã “hiểu sai” giá trị của Facebook đối với các nhà xuất bản tin tức. 

Gã khổng lồ công nghệ cho biết tin tức chỉ chiếm 4% những gì mọi người xem trên trang mạng của họ, nhưng đối với người Úc, vai trò của Facebook trong việc cung cấp tin tức đang ngày càng tăng. Một nghiên cứu của Đại học Canberra năm 2020 cho thấy 21% người Úc sử dụng mạng xã hội làm nguồn tin tức chính, tăng 3% so với năm trước, trong khi 39% dân số sử dụng Facebook để nhận tin tức. Nghiên cứu tương tự cho biết 29% nội dung video tin tức của Úc được xem trên Facebook.

Facebook và Alphabet Inc (sở hữu Google) đã cùng nhau vận động chống lại dự luật khi cả hai từng đe dọa rút các dịch vụ quan trọng khỏi Úc nếu luật có hiệu lực.

Tuy nhiên, Google đã công bố một loạt các thỏa thuận đã đạt được với Úc trong tuần qua, bao gồm cả thỏa thuận toàn cầu với News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch.

Google cũng từ chối bình luận về quyết định của Facebook hôm thứ Năm.

Facebook đã khôi phục một số trang của chính phủ sau đó vào cuối ngày 18/2, nhưng một số tổ chức từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận và thậm chí là các nhóm lân cận vẫn còn bị khóa.

Xuân Lan

Xem thêm: