Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm thứ Năm (25/11) nói rằng nước này sẽ điều động cảnh sát, quân đội và giới chức ngoại giao tới Quần đảo Solomon để giúp đảo quốc này giữ trật tự. Các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa tại Solomon đã bước sang ngày thứ hai liên tiếp.

Embed from Getty Images

Theo AP, Thủ tướng Morrison hôm 25/11 nói rằng lực lượng của Úc sẽ được điều tới Solomon gồm một biệt đội 23 cảnh sát liên bang, và thêm 50 nhân sự nữa tới đảm bảo an ninh tại các cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như 43 binh lính, cùng một xuồng tuần tra và ít nhất 5 nhà ngoại giao.

Reuters dẫn lời ông Morrison nói với các phóng viên tại Canberra: “Mục đích của chúng tôi là đem đến sự ổn định và an ninh nhằm tạo điều kiện cho các tiến trình hiến định diễn ra bình thường tại Quần đảo Solomon và để có thể xử lý nhiều vấn đề đã đang nổi lên”.

Chính phủ Úc không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Quần đảo Solomon, đó là việc họ phải tự giải quyết”, ông Morrison nói thêm.

Thủ tướng Úc cho biết hoạt động hỗ trợ này là theo yêu cầu của người đồng cấp Solomon, Thủ tướng Manasseh Sogavare.

Embed from Getty Images

Ông Sogavare hôm thứ Tư (24/11) đã tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa 36 giờ tại thủ đô Honiara sau khi khoảng 1.000 người tập hợp tại đây biểu tình yêu cầu Thủ tướng từ chức vì hàng loạt các vấn đề đối nội.

Ông Sogavare gọi cuộc biểu tình tại Honiara là “một sự kiện buồn và kém may mắn khác nhằm mục đích hạ bệ chính phủ được bầu cử tự do”.

Lệnh phong tỏa có hiệu lực cho đến 7 giờ sáng ngày thứ Sáu (26/11) sẽ “cho phép các cơ quan thực thi pháp luật điều tra toàn diện những thủ phạm trong các sự kiện hôm nay và ngăn chặn không cho sự phá hoại vô luật tiếp diễn”, theo lời ông Sogavare.

AP và Reuters dẫn tin từ chính phủ Solomon cho biết, trong cuộc biểu tình tại Honiara, nhiều người đã xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội và đốt một toà nhà mái lá gần kề.

Trong khi đó, các hình ảnh và tin tức trên mạng xã hội cho thấy tập trung đông đảo người biểu tình và họ đốt phá các tòa nhà tại khu Chinatown, ở thủ đô Honiara.

Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon đã kêu gọi người dân đi học hoặc đi làm quanh thủ đô Honiara hãy tạm thời ở nhà để tránh bị ảnh hưởng bởi bạo loạn.

Không kể thời Thế chiến II, biểu tình lớn nhất tại Quần đảo Solomon gầy đây là vào năm 2006. Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2006, biểu tình đã nổ ra và khi đó nhiều doanh nghiệp của chủ Trung Quốc tại thủ đô Honiara đã bị cướp và đốt phá.

Hải Đăng (Theo AP và Reuters)

Xem thêm: