Bộ Ngoại giao Uganda hôm 3/10 đã phát hành thông cáo báo chí nêu quan điểm chính thức của chính phủ Uganda về tình hình Hồng Kông. Trong bản thông cáo này, giới chức Uganda đã lên án nhiều tháng biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, nói rằng các cuộc biểu tình này đã trở nên “cực đoan và bạo lực”.

Uganda-len-an-bieu-tinh-Hong-Kong
Tổng thống Uganda Yoweri Kuguta Museveni (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết hợp tác song phương tại Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 31//3/2015. (Ảnh: VOA)

Trong thông cáo nhấn mạnh Uganda phản đối can thiệp nước ngoài vào vấn đề Hồng Kông và thêm rằng “sự vụ Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Uganda cũng cho biết nước này “cực lực ủng hộ” chính sách “một đất nước, hai chế độ” của Trung Quốc, trong đó trao quyền Bắc Kinh kiểm soát Hồng Kông.

Hồng Kông là thuộc địa của Anh Quốc trong hơn 150 năm – một phần của nó, đảo Hồng Kông được Triều đình nhà Thanh nhượng cho Anh Quốc sau cuộc chiến tranh Nha phiến (1839-1842). Sau đó, Trung Quốc cũng đã cho Anh Quốc thuê phần còn lại của Hồng Kông – Lãnh thổ mới, trong 99 năm.

Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997 và chế độ Bắc Kinh tiếp quản hòn đảo này theo quy định “một đất nước, hai chế độ” được ghi trong hiệp định Trung – Anh ký năm 1984.

Theo quy định đó, Hồng Kông có hệ thống luật pháp và biên giới riêng, các quyền trong đó có quyền tự do tụ họp và tự do ngôn luận được bảo vệ.

Các nhà hoạt động dân chủ và người biểu tình Hồng Kông hiện nay cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng tước đoạt những đảm bảo cơ bản này.

Theo VOA, Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Uganda, với khoảng 3 tỷ USD trong các dự án phát triển được giải ngân thông qua các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cấp vốn khoảng 85% cho hai dự án thủy điện lớn của Uganda là các đập thủy điện Karuma và Isimba. Ngân hàng nhà nước Trung Quốc này cũng cấp vốn vay 476 triệu USD cho dự án đường cao tốc Kampala-Entebbe. Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc, Tập đoàn Total của Pháp và Tập đoàn Tullow Oil của Anh Quốc đồng sở hữu các mỏ dầu phía tây của Uganda, sẽ được khai thác vào năm 2021.

Đầu năm 2019, tổng kiểm toán Uganda đã ban hành báo cáo cho biết nợ công của nước này từ năm 2017 đến năm 2018 đã tăng từ 9,1 tỷ USD lên 11,1 tỷ USD.

Báo cáo nêu trên của tổng kiểm toán, không nêu thẳng tên Trung Quốc, đã cảnh báo rằng những điều kiện đi kèm với các khoản nợ lớn là mối đe dọa đối với tài sản có chủ quyền của Uganda.

Dưới đây là toàn văn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Uganda về tình hình Hồng Kông phát hành hôm 3/10:

lap-truong-Uganda-ve-tinh-hinh-Hong-Kong

Lập trường của Uganda về tình hình tại Hồng Kông

Chính phủ Cộng hòa Uganda lưu ý rằng các cuộc biểu tình trong vài tháng gần đây tại Hồng Kông đã trở nên cực đoan và bạo lực. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình hiện tại.

Uganda cực lực ủng hộ chính sách “một đất nước, hai chế độ” của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề Hồng Kông và các vùng lãnh thổ khác.

Hồng Kông là một phần của Trung Quốc. Sự vụ của Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Theo chuẩn mực cơ bản của Quan hệ Quốc tế, Chính phủ Uganda tôn trọng chủ quyền của tất cả các Quốc gia và phản đối bất kỳ sự can thiệp nước ngoài nào vào công việc nội bộ của các nước khác.

Như Ngọc

Xem thêm: