Ukraine tuyên bố dứt khoát vào hôm thứ Tư (13/7) rằng họ sẽ cắt đứt quan hệ với Triều Tiên. Điều khiến Kyiv phẫn nộ và ngay lập tức có hành động gây sốc này là việc Bình Nhưỡng công nhận địa vị quốc gia của 2 vùng ở Donbas miền đông Ukraine tự xưng “nước cộng hòa nhân dân độc lập”. Trong khi đó, Nga dường như cho thấy họ đang tăng cường quan hệ với các chế độ bất ổn trên thế giới.

1024px Kim Jong un and Vladimir Putin 2019 04 25 06
Hình ảnh vào ngày 25/4/2019: Tổng thống Nga Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại thành phố cảng Vladivostok vùng Viễn Đông của Nga. (Nguồn: Văn phòng Thông tin và Báo chí Phủ Tổng thống Nga/ Wikimedia)

“Chúng tôi coi quyết định này là một nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trong một tuyên bố trên trang web của họ.

Vùng Donbas của Ukraine gồm hai phần Luhansk và Donetsk. Năm 2014 sau khi Nga xâm lược và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, nước này đã nuôi dưỡng lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbas miền đông Ukraine và hỗ trợ lực lượng này trong cuộc chiến kéo dài với Chính phủ Ukraine.

Các vùng lãnh thổ Ukraine do phe ly khai kiểm soát ở khu vực Donbas đã tự tuyên bố là “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LPR) và “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DPR), trong khi gần như toàn thế giới không công nhận tình trạng quốc gia của họ.

Vào ngày 24/2/2022, vài ngày trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố trong một bài phát biểu dài rằng ông công nhận địa vị của hai vùng Donbass là “nước cộng hòa nhân dân”.

Cho đến nay chỉ có Nga và Syria công nhận tình trạng của LPR và DPR, động thái mới của Triều Tiên khiến họ trở thành nước thứ 3 công nhận.

Động thái của Triều Tiên

Tờ Euromaidan hôm thứ Tư đưa tin, Triều Tiên đã công nhận các “nước cộng hòa” ủy nhiệm trong khu vực bị Nga tạm chiếm ở miền đông Ukraine. Truyền thông nhà nước Nga cũng dẫn thông báo của Đại sứ Triều Tiên tại Nga.

Truyền thông trực tuyến Pravda Europe của Ukraina cũng cho hay, các cơ quan Nga tuyên bố rằng Đại sứ quán Triều Tiên tại Nga đã xác nhận điều đó.

Hôm thứ Tư (13/7), Bộ Ngoại giao Triều Tiên vẫn chưa chính thức bình luận về tin tức này, và cái gọi là LPR cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Còn cái gọi là “Đại sứ quán DPR tại Nga” đã đăng trên kênh truyền thông xã hội Telegram của họ một bức ảnh về cuộc gặp của “Đại sứ” của họ với Đại sứ Triều Tiên tại Nga là Sin Hong-chol, sau khi được cho là đã nộp một tài liệu về “công nhận độc lập”.

Ngoài ra, Đại sứ quán DPR thông báo với hãng thông tấn Interfax của Nga rằng Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã chuyển một công hàm tương ứng tới Đại sứ Nga (chứ không phải ‘Đại sứ’ của Donetsk) tại Bình Nhưỡng.

Theo hãng tin AP, Triều Tiên hôm 14/7 cho biết họ đã thông báo bày tỏ chính sách phát triển ngoại giao của họ tới các nhà lãnh đạo của các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk.

Trước đó, ngày 30/6 Ukraine cũng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Syria để đáp trả việc Syria công nhận “nền độc lập” của cái gọi là LPR / DPR.

Ukraine kiên quyết không nhượng bất kỳ lãnh thổ nào

Trong bối cảnh Ukraine chống lại cuộc chiến xâm lược của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine ngày càng căng thẳng, ngoại trưởng của đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh đã loại trừ việc nhượng bất kỳ lãnh thổ nào cho Nga nếu các cuộc đàm phán hòa bình được nối lại.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine nói rõ rằng không thể có cuộc đàm phán nào như vậy, RFE / RL đưa tin.

“Mục tiêu của Ukraine trong cuộc chiến này… là giải phóng lãnh thổ của chúng tôi và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đầy đủ của chúng tôi ở miền đông và miền nam Ukraine”, ông Kuleba nói tại cuộc họp báo ngắn.

“Đây là mục tiêu đàm phán của chúng tôi”.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần 5 tháng, Nga đã chiếm một phần lớn lãnh thổ Ukraine dọc theo bờ Biển Đen ở miền nam Ukraine cùng các khu vực lãnh thổ phía đông của các vùng Luhansk và Donetsk tại Donbas hướng tới mục tiêu là thôn tính toàn bộ vùng Donbas của Ukraine.

Nga tiến gần hơn trở thành nhà cầm quyền nguy hiểm của thế giới

Thế giới dường như đang chia thành hai phe trong cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine, trong khi đó Nga đang tăng cường quan hệ với các chế độ bất ổn trên thế giới. Ngoài Bắc Kinh thì gần đây có thêm chú ý là Triều Tiên, ngoài ra có thể Nga đang tích cực tìm kiếm một liên minh với Iran.

Các nguồn tin từ CNN, Reuters… cho hay Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nỗ lực của Tổng thống Nga Putin nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Iran về cuộc chiến Ukraine là một mối nguy nghiêm trọng.

Bình luận của ông Sullivan được đưa ra khi các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Iran đang chuẩn bị giúp Nga bổ sung hàng trăm máy bay không người lái, trong đó có một số máy bay có khả năng vũ khí để sử dụng trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Ông Putin dự kiến ​​sẽ đến thăm Tehran – Iran vào tuần tới. Hiện nay tại Donbas và thậm chí toàn bộ chiến trường Ukraine, quân đội Nga đang ở trong tình trạng đình chỉ và tái tổ chức toàn diện. Giới quan sát có bình luận cho rằng họ đã bị tổn thất nặng đến mức gần như “tiêu hao sạch tài nguyên”.