Đại sứ Bắc Kinh tại Pháp, Lu Shaye (Lư Sa Dã), đã đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước hậu Xô Viết trong một cuộc phỏng vấn. Ukraine đã lên án những bình luận mà họ gọi là “lố bịch” này từ ông Shaye.

Embed from Getty Images

Pháp và các quốc gia Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva cũng bày tỏ sự thất vọng về những nhận xét của đại sứ Trung Quốc.

Cụ thể, khi được hỏi về quan điểm của mình về việc liệu Crimea có phải là một phần của Ukraine hay không, Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên truyền hình Pháp hôm thứ Sáu rằng về mặt lịch sử, bán đảo này là một phần của Nga và đã được cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev trao cho Ukraine.

Ông Shaye nói: “Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào để cụ thể hóa tình trạng chủ quyền của họ.”

Những bình luận của ông không chỉ đề cập đến Ukraine mà còn đề cập đến tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – hiện đã là những quốc gia độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, bao gồm nhiều thành viên của Liên minh châu Âu.

Trả lời vào Chủ nhật, trợ lý của Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak cho biết tình trạng của các quốc gia hậu Xô Viết “được tôn trọng trong luật pháp quốc tế”.

“Thật kỳ lạ khi nghe một phiên bản lố bịch về ‘lịch sử của Crimea’ từ một đại diện của một quốc gia rất thận trọng về lịch sử 1.000 năm của mình,” ông Podolyak nói khi đề cập đến Trung Quốc.

Pháp tuyên bố “đoàn kết mạnh mẽ” với tất cả các quốc gia đồng minh mà họ cho rằng đã giành được độc lập “sau nhiều thập kỷ bị áp bức”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại Paris cho biết: “Đặc biệt về vấn đề Ukraine, [lãnh thổ nước này] đã được toàn bộ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, công nhận Crimea nằm trong phạm vi biên giới vào năm 1991.”

Người phát ngôn nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ phải làm rõ liệu những bình luận này có phản ánh quan điểm của họ hay không.

Ba quốc gia Baltic, tất cả trước đây là một phần của Liên Xô, đã phản ứng giống như Pháp.

“Nhận xét của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp liên quan đến luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics viết trên Twitter.

“Chúng tôi mong đợi lời giải thích từ phía Trung Quốc và rút lại hoàn toàn tuyên bố này,” ông nói.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết: “Nếu ai đó vẫn thắc mắc tại sao các quốc gia Baltic không tin tưởng Trung Quốc để ‘môi giới hòa bình ở Ukraine’, thì đây là một đại sứ Trung Quốc lập luận rằng Crimea là của Nga và biên giới của các quốc gia chúng tôi không có cơ sở pháp lý”.

Moscow và Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây và Washington đã cáo buộc Trung Quốc xem xét xuất khẩu vũ khí sang Nga.

Trung Quốc đã phủ nhận điều này và đã tìm cách thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột Ukraine. Bắc Kinh đã đề xuất một giải pháp chính trị mơ hồ cho cuộc khủng hoảng.

Lê Vy