Đưa xe tăng của phương Tây vào chiến trường Ukraine sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến ở đây. Kyiv dường như thành công trong nỗ lực giành thêm nhiều xe tăng hơn nữa khi Đức cho biết vấn đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự đầu tiên của bộ trưởng mới của Bộ Quốc phòng, Reuters đưa tin hôm 17/1. Vụ sập một phần tòa nhà dân cư ở Dnipro cuối tuần trước dẫn đến 45 người thiệt mạng, và hai phe giao chiến vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

Video so sánh Báo đốm Leopard 2 của Đức với đối thủ T90 của Nga:

 

Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, được ví như chiến mã chủ lực của kỵ binh châu Âu, vẫn cần phải đợi Đức đồng ý trước khi được gửi vào chiến trường Ukraine.

Hiện nay Ba Lan và Phần Lan đã đồng ý cung cấp xe tăng này và đang chờ giấy phép tái xuất khẩu của Đức, khi mà Anh quốc đã mở màn với quyết định cung cấp nhóm xe tăng đầu tiên của phương Tây, với 14 xe Challenger 2, vào chiến trường Ukraine.

Với việc các đồng minh phương Tây nhóm họp tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức vào thứ Sáu tới (20/1) để cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Berlin đang chịu áp lực rất mạnh mẽ, và rất có thể họ sẽ phải đồng ý trong tuần này.

Quyết định đã nằm trên bàn của Bộ trưởng Quốc phòng mới của Đức, ông Vladimir Pistorius, được bổ nhiệm vào thứ Ba (17/1) để thay thế bà Christine Lambrecht, người vừa từ chức hôm thứ Hai sau khi chịu sức ép từ các phía và do những bình luận mà các nhà phê bình gọi là thiếu tế nhị.

Video hình ảnh thương cảm về tàn tích tòa dân cư ở Dnipro bị tên lửa Kh-22 rơi trúng hôm 14/1. Có đoạn nhà bếp của dân thường bị chặt phăng và lộ ra, kèm theo đoạn video cảnh một bé gái mừng lễ sinh nhật ở đó một thời gian trước.

Vụ tòa dân cư ở Dnipro bị sập một phần do tên lửa rơi trúng hôm thứ Bảy, theo quan chức Ukraine, 45 người xác nhận đã thiệt mạng và 20 người vẫn mất tích trong vụ tấn công. Đây là vụ tấn công gây thương vong nhiều nhất cho dân thường. 79 người bị thương và 39 người được giải cứu khỏi đống đổ nát.

Moscow đổ lỗi cho Kyiv vụ tòa nhà dân cư ở Dnipro, dẫn lời của ông Aleksey Arestovich, cố vấn cao cấp cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, “Nó bị bắn [chặn]. Hiển nhiên nó bị bắn rụng và rơi vào tòa nhà [dân cư]. Nhưng nó đã phát nổ trong khi rơi.”

Phía Nga cho biết sở dĩ tên lửa rơi vào khu dân cư là vì hệ thống phòng không của Ukraine “được bố trí trong khu dân cư, trái với thông lệ nhân đạo quốc tế [về chiến tranh]… [đó là nguyên nhân thật sự khiến] tên lửa đã rơi xuống một tòa nhà dân cư.” 

Kyiv khẳng định trách nhiệm là của Nga, vì Nga sử dụng loại tên lửa Kh-22 mà Ukraine không có cách nào phát hiện và đánh chặn một cách hiệu quả. Còn ông Arestovich, trước nhiều sức ép và chỉ trích do lỡ miệng để lộ sự việc phòng không của Ukraine đã bắn trúng tên lửa Kh-22, nên đã từ chức ngay sau đó.

Kyiv nhấn mạnh rằng một hạm đội xe tăng chiến đấu của phương Tây sẽ cung cấp cho quân đội của mình hỏa lực cơ động để đánh bật quân đội Nga trong các trận chiến quyết định vào năm 2023. Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska hiện đã tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, công bố các thiệt hại của Ukraine cũng như các tội ác chiến tranh của Nga, và kêu gọi đồng minh phương Tây viện trợ vũ khí.

Nga đã không ít lần cảnh cáo về leo thang chiến tranh một khi phương Tây đưa xe thiết giáp và xe tăng vào chiến trường.

Leo thang chiến tranh

Cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 11. Liên Hợp Quốc cho biết con số tử vong phía Ukraine là trên 7.000, và có thể là nhiều hơn do thống kê chưa đầy đủ. Không có con số chính xác tử vong phía Nga, nhưng một số đánh giá rằng là cao hơn, vì Nga là phe tấn công cho nên họ sẽ thiệt mạng nhiều hơn ở chiến trường, đặc biệt sau khi chứng kiến lối đánh thí quân mà Wagner triển khai ở Soledar. Có thể tổng số tử vong của Nga đã lên đến hơn 10.000 hoặc nhiều hơn nữa.

Kể từ đầu chiến tranh, hai phe Nga và Ukraine đã nhiều lần có các cuộc trao đổi tù binh.

Lo ngại chiến tranh một khi leo thang khiến đàm phán hòa bình và giảm thiểu tổn thất trở nên ngày càng xa vời, kèm theo chi phí quân sự vốn đã rất lớn sẽ tiếp tục tăng mạnh, là những luận điểm của tiếng nói phản đối việc gấp rút đưa xe tăng vào chiến trường Ukraine.

Ông Pistorius, Bộ trưởng Quốc phòng mới và là người thân cận của Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz, đã né tránh và không tỏ rõ quan điểm vào thời điểm này về việc xe tăng Leopard 2 của Đức.

“Tôi hiểu tầm quan trọng của nhiệm vụ,” ông nói trong một tuyên bố. “Một việc quan trọng mà tôi phải làm là lập quan hệ chặt chẽ với những người lính, và để họ cùng với tôi.”

Ông Pistorius sẽ gặp mặt Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào thứ Năm, trước cuộc họp của các đồng minh vào thứ Sáu tại căn cứ không quân Ramstein.

Từ đầu đến nay, chính quyền ông Scholz vẫn luôn thận trọng trong việc phê duyệt các loại vũ khí có thể được coi là xung đột leo thang.

Thủ tướng Scholz, phát biểu hôm thứ Ba trong một cuộc phỏng vấn cho Bloomberg TV, xác nhận rằng các cuộc thảo luận với các đồng minh của Đức về xe tăng đang diễn ra nhưng không nên tiến hành công khai.

Điện Kremlin tuần trước cho biết việc chuyển giao vũ khí mới, bao gồm cả xe bọc thép do Pháp sản xuất, cho Kyiv sẽ “làm sâu sắc thêm nỗi đau của người dân Ukraine” và sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Vladimir Solovyev, một người dẫn chương trình ủng hộ Điện Kremlin trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1, cho biết bất kỳ quốc gia phương Tây nào cung cấp vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine nên được coi là mục tiêu hợp pháp của Nga.

 

Biểu tình đang diễn ra những ngày này ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraine, và Timcast News hôm 17/1 có đăng video phỏng vấn tại một cuộc biểu tình ở Manhattan, Hoa Kỳ.

Có người biểu tình mang hình ông Putin với dòng chữ “chó điên hết thuốc chữa”. Có người nói rằng phương Tây cần phải giúp Ukraine có được vũ khí vì “chúng tôi” đang chiến đấu với Nga “một cuộc chiến mà NATO đã chuẩn bị 17 năm rồi.”

Với câu hỏi như về khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân nếu phương Tây đưa vũ khí tối tân vào Ukraine, thì một số người biểu tình tỏ ra khá lúng túng. Có người nói rằng họ đến biểu tình chẳng qua vì “không thích chiến tranh.” Có người lập luận rằng ông Putin rất giàu, mà người giàu thì sẽ không dám mạo hiểm như vậy.

Bà Lambrecht (57 tuổi) là một chính khách lâu năm được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức ngày 8/12/2021 khi ông Scholz lên làm thủ tướng, trước khi chiến tranh Ukraine xảy ra. Theo AP bình luận, bà bất ngờ trở thành mắt xích yếu trong chính quyền của ông Scholz kể từ khi Bộ Quốc phòng đột nhiên trở thành điểm nóng ở chính trị Đức sau khi chiến tranh nổ ra. Bà đã từ chức hôm thứ Hai do chịu quá nhiều sức ép.

Báo giới phe đối lập chỉ trích vụ bức ảnh hồi tháng 4 con trai 21 tuổi của bà đăng trên Instagram xuất hiện bên cạnh máy bay trực thăng quân sự, mặc dù Bộ đã cho biết đó là đã xin phép trước và đã trả chi phí cá nhân rồi, và hóa ra đó là bức ảnh chính bà chụp. Một vụ khác là bà từng gửi tặng 5.000 mũ quân đội cho Ukraine hồi chiến tranh vừa mới bắt đầu, và bị chỉ trích rằng Ukraine đang cần vũ khí cùng đạn dược, và đặt câu hỏi mang tính phê phán rằng phải chăng lần sau bà sẽ gửi gối và chăn bông cho Kyiv.

Đồ chơi đặt ở đài tưởng niệm

Ở Dnipro, cư dân để lại hoa và đồ chơi tại một đài tưởng niệm tạm thời gần khu chung cư bị tàn phá trong đợt tấn công bằng tên lửa hôm thứ Bảy.

Hàng trăm người thương tiếc chia tay huấn luyện viên quyền anh Mykhailo Korenovskyi, người đã thiệt mạng trong vụ tên lửa đó, trong khi đoạn phim cho thấy nhà bếp trong căn hộ của anh, được trang trí bằng màu vàng tươi, giờ phơi bày trong không khí sau khi bức tường bên ngoài bị chặt phăng.

Một đoạn video gia đình trước khi tòa nhà bị đánh trúng, được quay trong cùng căn bếp đó, cho thấy con gái của anh Korenovskyi đang mỉm cười và thổi tắt bốn ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật của mình trong khi anh đứng sau lưng bé, ôm một em bé khác trong tay.

Thiên Đức