Tổng thống Ukraine kêu gọi phương Tây áp đặt lệnh cấm đi lại đối với người Nga, một ý tưởng đã nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia châu Âu nhưng đã khiến Moscow tức giận.

Embed from Getty Images

Ý tưởng của Tổng thống Volodymyr Zelensky có vẻ sẽ gây chia rẽ Liên minh châu Âu, nơi những khác biệt về cách đối phó với Moscow từ lâu vẫn tồn tại giữa một số thành viên từ Đông và Tây Âu.

Ông Zelensky đưa ra đề xuất của mình trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, theo đó ông muốn phương Tây ban hành lệnh cấm đi lại trong một năm và trục xuất những người Nga sống ở phương Tây để họ có thể sống “trong thế giới của riêng mình cho đến khi họ thay đổi triết lý”. Ông phàn nàn rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt cho đến nay đối với Nga là quá yếu.

Ông Zelensky cũng nói rằng lệnh cấm còn nên áp dụng cả đối với những người Nga đã chạy khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào cuối tháng Hai vì họ không đồng ý với Tổng thống Vladimir Putin.

Điện Kremlin đã phản bác lại đề xuất của ông Zelensky. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập Nga hoặc người Nga đều không có triển vọng.”

Các quan chức khác của Nga đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của những hạn chế như vậy, cho rằng chúng sẽ vi phạm quyền của người Nga.

Tuy vậy, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã ủng hộ ý tưởng của nhà lãnh đạo Ukraine, cho biết bà nghĩ đã đến lúc EU ngừng cấp thị thực cho người Nga. 

Tuy nhiên, các quốc gia khác có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga như Hungary có khả năng sẽ phản đối lệnh cấm của EU. Hơn nữa, Ủy ban Châu Âu đã đặt câu hỏi về tính khả thi của nó, nói rằng một số người như thành viên gia đình, nhà báo và nhà bất đồng chính kiến ​​phải luôn được cấp thị thực.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba đã ký các văn bản ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, sự mở rộng quan trọng nhất của liên minh quân sự kể từ những năm 1990 và được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Rủi ro nhà máy hạt nhân ở mức cao

Lo ngại tiếp tục gia tăng vào hôm thứ Ba về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia – nơi Nga Nga chiếm đóng, khi Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau đã pháo kích nhà máy này trong những ngày gần đây.

Petro Kotin, người đứng đầu công ty điện hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng chính phủ Kyiv cần giành lại quyền kiểm soát nhà máy trong mùa đông.

Ông cho biết cuộc pháo kích của Nga vào tuần trước đã làm hư hỏng ba đường dây kết nối nhà máy ở miền nam Ukraine với lưới điện Ukraine. Nga muốn kết nối cơ sở này với lưới điện của mình, ông Kotin nói.

Ông cho biết nguy cơ pháo kích có thể bắn trúng các thùng chứa chất phóng xạ là rất cao.

Cả Ukraine và Nga đều cho biết họ muốn các kỹ thuật viên từ cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đến thăm Zaporizhzhia.

Nga đẩy mạnh nỗ lực chiếm đóng miền đông Ukraine

Trong khi đó, Nga đã tung ra các lực lượng mặt đất, tiến hành các cuộc không kích và pháo binh để cố gắng hoàn thành việc chiếm đóng miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, Kyiv cho biết quân đội của họ đang kháng cự quyết liệt và phần lớn giữ vững phòng tuyến.

Các cuộc giao tranh ác liệt đã được báo cáo hôm thứ Ba tại các thị trấn tiền tuyến gần thành phố Donetsk phía đông.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công trên bộ theo hướng các thành phố Bakhmut và Avdiivka.

Tình báo quân sự Anh cho biết việc Nga tiến tới Bakhmut là hoạt động thành công nhất của họ ở Donbass trong 30 ngày qua, nhưng họ vẫn chỉ tiến được khoảng 10km.

Nga cho biết họ có kế hoạch giành toàn quyền kiểm soát Donbass thay mặt cho các lực lượng ly khai ủng hộ Điện Kremlin, trong khi các quan chức do Nga cài đặt ở các vùng phía nam Ukraine cho biết họ có kế hoạch tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga.

Tại Bán đảo Crimea, nơi bị Nga sáp nhập vào năm 2014, một vụ nổ tại căn cứ không quân quân sự Saky đã khiến một người thiệt mạng và 5 người bị thương, chính quyền Nga cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết đây là một vụ nổ của đạn dược hàng không, không phải kết quả của một cuộc tấn công.

Lê Vy (theo Reuters)