Khi cuộc chiến xâm lược của Nga vào Ukraine bước sang tháng thứ tư, giới chức Ukraine ngày càng lo ngại có thể phương Tây sẽ sớm “mệt mỏi với cuộc chiến tranh” mà nhân dân Ukraine đang phải chống trả.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng trước Cổng Brandenburg được chiếu sáng bằng màu cờ Ukraine. Hình ảnh chụp ngày 9/5/2022 sau cuộc hội đàm tại Phủ Thủ tướng Đức ở Berlin. (Nguồn: Sean Gallup / Getty).

Họ lo lắng rằng Nga có thể sử dụng điều này để gây áp lực buộc Ukraine phải thỏa hiệp với Kyiv, điều mà Tổng thống Volodymyr Zelensky luôn từ chối khuất phục khi nói rằng Ukraine cần tìm kiếm các điều khoản hòa bình riêng.

“Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, mọi người muốn một kết quả nào đó tốt cho họ, trong khi chúng tôi muốn một kết quả tốt cho mình”, ông Zelensky nói.

Chuyên gia phân tích chính trị Volodymyr Fesenko tại Trung tâm Penta nói với hãng tin AP: “Rõ ràng, Nga đang quyết tâm hạ bệ phương Tây và hiện đang đưa ra chiến lược của riêng mình dựa trên giả định rằng các nước phương Tây sẽ cảm thấy mệt mỏi và dần dần bắt đầu chuyển những lời hùng biện của họ từ hiếu chiến sang dễ dãi hơn”.

Trận chiến Sievierodonetsk

Trong khi đó đến thứ Sáu (10/6), hai bên tiếp tục diễn ra cuộc chiến quyết liệt giành quyền kiểm soát thành phố Sievierodonetsk của Ukraine.  

Các quan chức Ukraine đã tăng cường kêu gọi thêm vũ khí của phương Tây, bao gồm cả hệ thống tên lửa và pháo binh.

Phó Cục trưởng Vadym Skibitsky của Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine nói với tờ The Guardian của Anh: “Hiện nay là cuộc chiến về pháo”.

“Mọi thứ bây giờ phụ thuộc vào những gì (phương Tây) mang lại cho chúng tôi”, ông Skibitsky nói. “Tỷ lệ pháo của Ukraine và Nga là 1: 10 đến 15. Các đối tác phương Tây của chúng tôi cung cấp cho chúng tôi khoảng 10% những gì họ có”.

Tuần trước Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga với độ chính xác cao hơn. “Tôi sẽ không gây áp lực buộc Chính phủ Ukraine – dù riêng tư hay công khai – phải nhượng bất kỳ phần lãnh thổ nào”, ông Biden nói trong một bài báo trên New York Times ngày 31/5.

Tổng thống Zelensky của Ukraine gọi trận đánh ở Sievierodonetsk là “một trong những trận chiến khó khăn nhất” trong cuộc chiến tranh này. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thành phố ở vùng Donbas miền đông Ukraine.

Ba tháng rưỡi trước, Nga đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine nhưng không lật đổ được chính quyền Zelensky hay chiếm được thủ đô Kyiv, hiện nay quân đội Nga đã chuyển trọng tâm sang đánh chiếm vùng Donbas.

“Về nhiều phương diện, điều này sẽ quyết định số phận Donbas của chúng ta”, ông Zelensky nói với người dân Ukraine trong một bài phát biểu video vào tối thứ Tư.

Sievierodonetsk và thành phố song song Lysychansk ở bên kia sông Donets là những thành trì cuối cùng của tỉnh Luhansk mà Ukraine còn kiểm soát. Đầu tuần này, Moscow cho biết quân đội Nga đã kiểm soát 97% tỉnh Luhansk.

Thư ký An ninh quốc gia Ukraine là Oleksiy Danilov nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga đang tập trung toàn bộ hỏa lực vào khu vực Sievierodonetsk. Ông cho hay quân đội Ukraine “thảm hại” khi thiếu các hệ thống vũ khí phản pháo cần thiết để chống lại pháo binh Nga. Nhưng ông nói thêm: “Ngay cả khi không có các hệ thống này, chúng tôi vẫn đang phòng thủ khá tốt. Chúng tôi có lệnh phải giữ vững trận địa và chúng tôi đang vững vàng. Trong khi không có được trang thiết bị cần thiết, thật khó tin được là các bác sĩ của chúng tôi hàng ngày đang cứu sống những quân nhân”.

Thị trưởng thành phố Sievierodonetsk là Oleksandr Stryuk cho biết khoảng 100.000 dân thường bị mắc kẹt trong thành phố, đó là khoảng 1/10 dân số thành phố trước khi nổ ra chiến tranh.

Phía tây của Sievierodonetsk, quân đội Nga đang ép đến từ hai hướng bắc và nam cố gắng bao vây quân đội Ukraine ở Donbas. Trên đường đi, quân đội Nga đã bắn phá các thị trấn do Ukraine trấn giữ. Donbas bao gồm hai tỉnh Luhansk và vùng Donetsk lân cận.

Đăng ký gia nhập EU

Ukraine cũng đã cố gắng củng cố vị thế thông qua các nỗ lực ngoại giao.

Hãng tin AP cho biết Tổng thống Zelensky đang thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine gia nhập. Trong một bài phát biểu trước Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen vào thứ Sáu, ông Zelensky nói rằng EU nên nhanh chóng cấp quy chế thành viên cho Ukraine. Khối EU hiện có 27 nước thành viên.

Ông cho rằng Ukraine nằm trong “vùng xám” khuyến khích sự xâm lược của Nga. Ông kêu gọi EU phải cho thấy rõ “những lời người dân Ukraine nói thuộc đại gia đình EU không phải là lời nói suông”.

Bloomberg đưa tin hôm thứ Sáu (10/6), trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay rằng tuần tới Ủy ban hâu Âu sẽ ủng hộ Ukraine ứng cử thành viên EU bất chấp sự phản đối của Đan Mạch và Hà Lan.

Khủng hoảng lương thực

Đồng thời, ông Zelensky cáo buộc Nga tiếp tục “dùng nạn đói tống tiền thế giới” bằng cách phong tỏa các cảng của Ukraine và ngăn cản xuất khẩu lúa mì, ngô, dầu thực vật và các sản phẩm thực phẩm khác.

Hành động của Nga đã khiến thế giới “đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng”, ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu video được công bố hôm thứ Năm tại sự kiện của tạp chí Time.

Ông nói: “Nếu việc phong tỏa Biển Đen của Nga vẫn được tiếp tục thì hàng triệu người có thể bị đói”.

Nhưng phía Nga đổ lỗi cho việc sụt giảm xuất khẩu lương thực là do các lệnh trừng phạt quốc tế và những gì Moscow nói là do Ukraine gài mìn ở Biển Đen.

Theo VOA