Một quan chức Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã tăng cường pháo kích vào các thành phố ở trung tâm, phía bắc và phía nam, cản trở nỗ lực sơ tán dân thường. Với việc nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi người dân của mình chiến đấu trên đường phố, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các cuộc tấn công của Moscow chỉ dừng lại “khi Kyiv ngừng các hành động thù địch”.

Cố vấn Tổng thống Oleksiy Arestovich cho biết ngoại ô Kyiv, thành phố Chernihiv ở phía bắc, Mykolaiv ở phía nam và thành phố lớn thứ hai đất nước là Kharkiv đã phải đối mặt với các đợt pháo kích dồn dập vào cuối Chủ nhật. Theo các quan chức địa phương, pháo hạng nặng đánh vào các khu dân cư ở Kharkiv và pháo kích đã làm hư hại một tháp truyền hình.

Giao tranh đã khiến 1,5 triệu người phải chạy khỏi đất nước, và người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc phải gọi đây là “cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.”

Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể ở miền nam Ukraine và dọc theo bờ biển, nhưng nhiều nỗ lực của họ đã bị đình trệ. Một đoàn xe quân sự khổng lồ gần như bất động trong nhiều ngày ở phía bắc Kyiv.

Thực phẩm, nước uống, thuốc men và hầu hết các nguồn cung cấp khác đều thiếu hụt ở thành phố cảng phía nam Mariupol, nơi các lực lượng Nga và Ukraine đã đồng ý ngừng bắn để cho phép dân thường và những người bị thương được sơ tán. 

Tuy vậy, hành lang nhân đạo đã không thực hiện được, với việc hai bên đổ lỗi cho nhau. 

Vòng đàm phán thứ ba giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine sẽ được lên kế hoạch vào thứ Hai (giờ địa phương).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi người dân của mình tiếp tục chiến đấu chống lại quân Nga, đặc biệt là ở các thành phố do người Nga chiếm đóng.

Ông Zelenskyy cũng yêu cầu Hoa Kỳ và các nước NATO gửi thêm máy bay chiến đấu đến Ukraine. Sau đó, ông thúc giục phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nói rằng “sự táo bạo của kẻ xâm lược là một tín hiệu rõ ràng” rằng các biện pháp trừng phạt hiện có là không đủ.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm Chủ nhật rằng Mỹ đánh giá rằng khoảng 95% lực lượng Nga đã bố trí xung quanh Ukraine hiện đang ở bên trong nước này. Quan chức này cho biết các lực lượng Nga tiếp tục tiến lên trong nỗ lực cô lập Kyiv, Kharkhiv và Chernihiv, nhưng đang vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.

Về phía Nga, Tổng thống Putin đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến, nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm Chủ nhật rằng Kyiv cần phải chấm dứt mọi hành động thù địch và thực hiện những yêu cầu của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ nhật thông báo rằng các lực lượng của họ có ý định tấn công khu phức hợp công nghiệp – quân sự của Ukraine với “vũ khí chính xác.” 

Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc, mà không đưa ra bằng chứng, rằng các lực lượng Ukraine đang âm mưu cho nổ một lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm ở Kharkiv và đổ lỗi Nga.

Ông Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm Chủ nhật đã phát biểu về tình hình hạt nhân ở Ukraine, quốc gia có 15 lò phản ứng hạt nhân tại 4 nhà máy điện và là hiện trường của thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Theo một quan chức Pháp giấu tên, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về nguyên tắc sẽ diễn ra một “cuộc đối thoại” có sự tham gia của Nga, Ukraine và cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc. Các cuộc đàm phán về vấn đề này có thể sẽ được tổ chức trong những ngày tới, ông nói.

Ông Putin cũng đổ lỗi cho vụ hỏa hoạn tuần trước tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia là do “những kẻ cực đoan Ukraine” gây ra, trong khi các quan chức Ukraine cho là do phía Nga gây ra. 

Các nhà lãnh đạo quốc tế, cũng như Giáo hoàng Francis, đã kêu gọi ông Putin đàm phán.

Trong một động thái hết sức bất thường, Giáo hoàng cho biết ông đã phái hai Hồng y đến Ukraine để cố gắng chấm dứt xung đột.

“Ở Ukraine, những dòng sông máu và nước mắt đang chảy,” Đức giáo hoàng nói trong lời chúc phúc truyền thống vào ngày Chủ nhật.

Số người chết của hai bên vẫn chưa rõ ràng. Liên Hợp Quốc cho biết họ đã xác nhận chỉ vài trăm trường hợp dân thường thiệt mạng, nhưng cũng cảnh báo rằng con số này là một con số quá thấp.

Nga ngày càng trở nên bị cô lập kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu. Đồng rúp đã giảm giá trị và hàng chục công ty đa quốc gia đã chấm dứt hoặc thu hẹp đáng kể công việc của họ tại nước này.

Hôm Chủ nhật, American Express thông báo họ sẽ đình chỉ hoạt động ở Nga, cũng như ở Belarus, đồng minh của Nga. Ngoài ra, hai trong số những công ty kế toán hàng đầu, gồm KPMG và PWC, cho biết hôm Chủ nhật rằng họ sẽ chấm dứt mối quan hệ với các công ty thành viên có trụ sở tại Nga.

TikTok thông báo hôm Chủ nhật rằng người dùng Nga sẽ không thể đăng video mới hoặc xem video được chia sẻ từ những nơi khác trên thế giới. Công ty đổ lỗi cho luật “tin tức giả” mới của Moscow, và mô tả cuộc giao tranh như một cuộc xâm lược. Netflix cũng cắt dịch vụ của mình đến Nga.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết Quốc hội đang tìm cách để cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng của nước này vào Hoa Kỳ. Bà Pelosi cho biết hôm Chủ nhật rằng luật đang được xem xét cũng sẽ hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, đồng thời bắt đầu quá trình từ chối Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Lê Vy (t/h theo AP)