Ukraine đã phớt lờ tối hậu thư của Nga về việc hạ vũ khí đầu hàng tại thành phố Sievierodonetsk ở miền Đông nước này vào hôm thứ Tư (15/6), trong khi Hoa Kỳ cũng công bố sẽ giao thêm vũ khí cho Kyiv.

Embed from Getty Images

Sievierodonetsk hiện là tâm điểm của cuộc chiến, dù nhiều khu vực của thành phố này đã trở thành đống đổ nát. Phía Nga yêu cầu các lực lượng Ukraine ẩn náu trong một nhà máy hóa chất ở đó hạ vũ khí và đầu hàng từ sáng 15/6, khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát miền Đông Ukraine.

Ukraine cho biết, khoảng hơn 500 dân thường, trong đó có 40 trẻ em, vẫn đang ở cùng các binh sĩ bên trong nhà máy hóa chất Azot, trú ẩn sau nhiều tuần bị Nga bắn phá. Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn trong khu vực ước tính có thể có tới 1.200 dân thường ở bên trong.

Theo Thị trưởng Sievierodonetsk, ông Oleksandr Stryuk, các lực lượng Nga đang cố gắng tấn công thành phố từ nhiều hướng nhưng người Ukraine vẫn tiếp tục bảo vệ thành phố và không bị cắt đứt hoàn toàn, mặc dù tất cả các cây cầu trên sông đã bị phá hủy.

“Tình hình khó khăn nhưng ổn định,” ông nói với truyền hình Ukraine. “Các lối sơ tán rất nguy hiểm, nhưng vẫn có một số khả dụng.” Ông không đề cập đến tối hậu thư của Nga.

Moscow thông báo đã mở một hành lang nhân đạo từ Azot vào ngày 15/6 cho phép dân thường di dời sang lãnh thổ do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, Moscow cho rằng các lực lượng Ukraine đã phá vỡ kế hoạch sơ tán và sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Kiev đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Không có trở ngại nào đối với việc thường dân rời đi… ngoại trừ quyết định về nguyên tắc của chính quyền Kyiv.”

Ông Serhiy Gaidai, tỉnh trưởng Lugansk cho hay, quân đội Ukraine đang tiếp tục bảo vệ thành phố Severodonetsk và tìm cách ngăn lực lượng Nga kiểm soát Lysychansk – thành phố lân cận nằm đối diện sông Siverskyi Donets.

Lysychansk hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, trong khi Severodonetsk trở thành điểm giao tranh dữ dội giữa quân đội Nga và Ukraine trong những tuần gần đây.

Phát biểu trước hàng chục bộ trưởng quốc phòng NATO họp nhóm tại Brussels để thảo luận về các động thái tiếp theo, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nhìn nhận cuộc xâm lược đang ở thời điểm quan trọng. “Chúng tôi không thể bỏ cuộc và chúng tôi không thể thua thiệt. Tiền đặt cược đã quá cao,” ông nói khi bắt đầu cuộc đàm phán.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ liên minh này đang “hết sức tập trung vào việc đẩy mạnh hỗ trợ” cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã công bố khoản viện trợ vũ khí mới trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa pháo và đạn cho pháo.

Hôm 15/6, khi trò chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy qua điện thoại, ông Biden cũng thông báo viện trợ nhân đạo bổ sung 225 triệu USD cho Ukraine.

Kyiv đang khẩn cầu chuyển giao vũ khí nhanh hơn và thường xuyên hơn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách kiểm soát hoàn toàn Donbass và một vùng miền Nam Ukraine.

Các nước phương Tây cũng hứa cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tiêu chuẩn NATO — bao gồm cả các tên lửa tiên tiến của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, triển khai việc cung cấp vũ khí tới tận tay quân đội Ukraine đang mất thời gian. Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine không có đủ hệ thống chống tên lửa và không có lý do gì để trì hoãn.

Cố vấn của TT Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, cho biết những người bảo vệ Sievierodonetsk muốn biết khi nào vũ khí sẽ đến.

“Brussels, chúng tôi đang chờ quyết định,” ông Podolyak viết trên Twitter.

Minh Ngọc (Theo Reuters)