Ngày 7/11, Tổng thống Zelensky của Ukraine tuyên bố trên mạng xã hội rằng ông đã quốc hữu hóa các công ty quan trọng về mặt chiến lược như Motor Sich. Điều này đã khiến phía Bắc Kinh tức giận.

1024px Motor Sich AI 322F engine Kyiv 2018 101
Hãng Motor Sich của Ukraine. (Nguồn:  VoidWanderer/ Wikimedia)

Hôm 9/11, Công ty Đầu tư Công nghiệp Hàng không Tianjiao Bắc Kinh, có bối cảnh quân đội của ĐCSTQ, cho biết trên Weibo của họ rằng Ủy ban Quản lý Thị trường Cổ phiếu và Chứng khoán Ukraine xác nhận đã hoàn tất việc quốc hữu hóa cổ phần của Motor Sich. Tianjiao “kiên quyết phản đối việc Chính phủ Ukraine chính trị hóa các hoạt động kinh doanh và thương mại bình thường, cưỡng chế quốc hữu hóa Motor Sich…, Hành vi tước đoạt quyền và lợi ích hợp pháp đối với các nhà đầu tư Trung Quốc của Chính phủ Ukraine là vô sỉ…”.

Lý do gì khiến Công ty Đầu tư Công nghiệp Hàng không Tianjiao Bắc Kinh lên án chính quyền Ukraine?

Câu chuyện này phải bắt đầu với Công ty Motor Sich của Ukraine. Công ty này từng được mệnh danh là “trái tim của ngành công nghiệp hàng không” của Liên Xô cũ, chủ yếu tham gia vào việc phát triển, sản xuất, sửa chữa và bảo dưỡng động cơ tuabin khí cho máy bay, có 120 nước trên thế giới dùng sản phẩm của hãng này.

Sau khi quan hệ Nga-Ukraine xấu đi vào năm 2014, Motor Sich mất khách hàng lớn nhất ở Nga và đứng trước bờ vực phá sản. Một năm sau thì Chính phủ Ukraine loại công ty này ra khỏi “danh sách công ty quan trọng chiến lược” của Ukraine, nghĩa là công ty ở nước ngoài có thể mua lại công ty này. Sau khi ĐCSTQ biết chuyện đã rất vui mừng, bởi vì động cơ hàng không là điểm yếu của Trung Quốc.

Điểm yếu của Trung Quốc là sức mạnh tổng thể và nền tảng công nghiệp, tuy vẫn có thể sản xuất động cơ hàng không với chi phí cao, nhưng sức bền của động cơ bị hạn chế thua xa phương Tây. ĐCSTQ vốn giỏi ăn cắp công nghệ tiên tiến từ nước khác để vượt lên bằng đường tắt, nên rất vui nếu mua được Motor Sich, vì đương nhiên sẽ giải được bài toán về việc sản xuất động cơ cho quân sự. Do đó, hãng hàng không Tianjiao dù bề ngoài là một doanh nghiệp tư nhân, nhưng thực chất là có bối cảnh quân đội Trung Quốc, đã được cử sang đàm phán với Motor Sich.

Năm 2016, các cổ đông Motor Sich đã đạt được thỏa thuận đồng ý bán cổ phần của họ cho hãng hàng không Tianjiao của Trung Quốc, còn phía Trung Quốc cung cấp khoản vay 100 triệu USD trong năm đó. Năm 2017, hãng hàng không Tianjiao công bố kế hoạch mua lại 51% cổ phần của công ty Motor Sich, hứa mua với giá 250 triệu USD và xây dựng dây chuyền sản xuất tại Trùng Khánh, nhưng tháng 9 năm đó Ukraine đã tạm thời đóng băng việc mua lại với lý do an ninh quốc gia.

Do bị Mỹ phản đối, tháng 8/2019 Ủy ban chống độc quyền Ukraine đã không thông qua kế hoạch mua lại này, khiến thỏa thuận mất hiệu lực. Sau đó vào năm 2020, hãng hàng không Tianjiao của Trung Quốc đã đệ đơn ra trọng tài quốc tế trong khuôn khổ WTO, yêu cầu bồi thường 3,5 tỷ USD.

Tháng 1/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt hãng hàng không Tianjiao của Trung Quốc vào danh sách yếu tố quân sự (MEU), với lý do “việc phát triển, sản xuất hoặc bảo trì các mặt hàng quân sự, chẳng hạn như động cơ máy bay quân sự của họ có khả năng đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”, cáo buộc họ thúc đẩy việc mua lại công nghệ quân sự nước ngoài gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Các công ty bị Mỹ trừng phạt không được mua công nghệ và hàng hóa của Mỹ nếu không được Chính phủ Mỹ cho phép.

Tháng 2 cùng năm, Chính phủ Ukraine noi theo Mỹ áp đặt biện pháp ngăn chặn đối với hãng hàng không Tianjiao và các cá nhân liên quan đến việc mua lại Motor Sich, đồng thời cấm nhân viên của công ty phía Trung Quốc nhập cảnh Ukraine. Ủy ban chống độc quyền Ukraine bác bỏ “Đơn xin Thẩm tra chống độc quyền” của Tianjiao. Tháng 3/2021, Tổng thống Zelensky tuyên bố từ chối cho công ty Trung Quốc tiếp quản. Tháng 5/2021, một lần nữa hãng hàng không Tianjiao đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Sau khi bùng nổ chiến tranh Nga xâm lược Ukraine từ ngày 24/2 năm nay, thành phố quan trọng Zaporizhia của Ukraine mà công ty Motor Sich đặt trụ sở bị quân đội Nga chiếm đóng. Tuy nhiên, thông tin mới nhất do ông Zelensky công bố chắc chắn cho thấy không có khả khả năng phía ĐCSTQ có thể can thiệp vào công ty Motor Sich. Việc này vì sao làm cho ĐCSTQ tức giận?

Những thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ vào tháng 9 năm nay, hãng hàng không Tianjiao đã bị Tòa án Trung cấp Bắc Kinh phán quyết phá sản và thanh lý. Lý do chính là không hoàn thành nhiệm vụ của ĐCSTQ.

Hãng hàng không Tianjiao đã thay mặt ĐCSTQ mắng chửi Chính phủ Ukraine là “vô liêm sỉ” vì thương vụ thâu tóm không thành công, vậy hãy nhìn lại ông chủ ĐCSTQ của mình vô liêm sỉ như thế nào trong vấn đề Ukraine.

Sau khi Liên Xô tan rã thì Ukraine được thừa hưởng nền công nghiệp quân sự tiên tiến với các cơ sở nghiên cứu, nguồn vũ khí hạt nhân và nhiều loại vũ khí trang thiết bị hiện đại từ Liên Xô cũ. Khi đó sức mạnh quân sự của Ukraine có thể xếp thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga. Nhưng dưới thuyết phục của các nước phương Tây, Ukraine đã phá hủy vũ khí hạt nhân, đổi lại nhận được cam kết “đảm bảo an ninh” từ Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc.

Để phát triển kinh tế, Ukraine đã bán cho ĐCSTQ một số lượng lớn vũ khí và bản vẽ tiên tiến như tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn, máy bay chiến đấu T-10K (nguyên mẫu Su-33 của Liên Xô cũ), tên lửa hành trình KH55, và tất nhiên là phải kể tàu sân bay mà ĐCSTQ sau này đặt tên là Liêu Ninh. Những vũ khí và bản vẽ thiết kế đó đã giúp ĐCSTQ có bước nhảy vọt về chất trong lĩnh vực máy bay chiến đấu, công nghệ tên lửa, động cơ và hệ thống radar. Một số chuyên gia quân sự tin rằng Ukraine đã giúp quân đội ĐCSTQ nâng cao ít nhất 20 năm trình độ công nghệ quân sự.

Nhưng sau khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bùng nổ, ĐCSTQ đã phớt lờ kêu gọi của Ukraine, tuy bề ngoài tỏ ra trung lập nhưng thực tế đã hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật cho Nga rất nhiều, trong đó có một số hỗ trợ về quân sự. Các thỏa thuận viện trợ lẫn nhau mà ông Putin và ông Tập Cận Bình đạt được một cách riêng tư cũng bị Nga công bố.

Ukraine, nước từng hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho ĐCSTQ, cuối cùng đã nhận ra bản chất của ĐCSTQ là như thế nào, từ chỗ trước đây lạc quan thận trọng rằng ĐCSTQ sẽ đóng một vai trò nào đó trong việc kết thúc chiến tranh, thì nay đã không còn ảo tưởng gì nữa. Một dấu hiệu rõ ràng là tuyên bố chung của Liên Hiệp Quốc, được ký vào đầu tháng 11 bởi 50 nước gồm cả Ukraine, đã “đặc biệt quan ngại” về tình hình nhân quyền của Trung Quốc. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch chỉ ra rằng tên của Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ có trong danh sách 50 nước ký tuyên bố chung là điều rất thú vị. Đây là lần lên án chung lớn nhất của các thành viên Liên Hiệp Quốc đối với cuộc đàn áp người Hồi giáo của ĐCSTQ ở Tân Cương.

Lần này, việc ông Zelensky tuyên bố Ukraine quốc hữu hóa các công ty quan trọng về mặt chiến lược như Motor Sich có thể xem là dấu hiệu khác cho thấy sự chuyển hướng của Ukraine.

Dương Ninh
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)