Ủy ban Bầu cử Anh (Electoral Commission) đã bắt đầu một cuộc điều tra chính thức về việc chỉnh trang căn hộ của Thủ tướng Boris Johnson ở Phố Downing, cảnh báo rằng “có lý do” để nghi ngờ phạm luật.

p2926001a59786031
Thủ tướng Anh Boris Johnson và vị hôn thê Carrie Symonds (Nguồn: Andrew Parsons / Số 10 Phố Downing / CC BY-NC-ND 2.0).

Có thể bàn giao kết quả điều tra cho cảnh sát

Theo tờ The Times (Anh) đưa tin ngày 28/4, tuyên bố của cơ quan giám sát chi tiêu chính trị đã khiến ông Johnson chịu thêm nhiều sức ép, theo đó yêu cầu ông Johnson giải thích về vấn đề chi tiêu cho chỉnh trang căn hộ số 11 Phố Downing (11 Downing Street) mà ông và hôn thê Simons (Carrie Symonds) sống ở đó.

Hiện nay Ủy ban đã bắt đầu điều tra chính thức vấn đề khoản vay cho dự án cải tạo có được khai báo hợp lệ hay không. Nếu phát hiện ra Đảng Bảo thủ không khai báo các khoản quyên góp từ nhà quý tộc Lord Brownlow của họ thì có quyền phạt đảng này lên tới 20.000 bảng Anh.

Nếu Ủy ban phát hiện cố ý không khai báo khoản đóng góp thì Ủy ban sẽ đệ trình kết quả cho cảnh sát, qua đó có thể bắt đầu một cuộc điều tra hình sự.

Ủy ban cũng sẽ điều tra ông Johnson vì ông là người nhận tiền đóng góp. Theo luật bầu cử, ông Johnson có nghĩa vụ kê khai trong sổ đăng ký quyền lợi của đảng viên mọi khoản tiền nhận được từ đảng, ngay cả khi số tiền đó cuối cùng đã được hoàn trả.  

Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng ngày 28/4, Ủy ban ám chỉ rằng họ đang xem xét liệu có nhiều hơn một vi phạm đã xảy ra hay không.

Ủy ban cho biết:

  • “Chúng tôi đã liên lạc với Đảng Bảo thủ từ cuối tháng Ba và đánh giá thông tin mà họ cung cấp cho chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi tin rằng có cơ sở hợp lý để nghi ngờ rằng một hoặc nhiều sai phạm có thể đã xảy ra. Do đó chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này như một cuộc điều tra chính thức để xác định xem tình hình có đúng như vậy không.”
  • “Điều tra sẽ xác định các giao dịch liên quan đến dự án số 11 Phố Downing có nằm trong phạm vi chế độ quản lý của Ủy ban hay không, liệu các khoản tiền đó đã được báo cáo theo yêu cầu hay chưa. Chúng tôi sẽ cập nhật tình hình khi kết thúc điều tra. Trước thời gian đó, chúng tôi sẽ không bình luận thêm.”

Ông Johnson phủ nhận vi phạm

Ngày 28/4 ông Johnson nói với các nhà lập pháp: “Tôi dùng kinh phí cá nhân cho chỉnh trang tại Phố Downing”. Ông nói thêm, “Bất kỳ tuyên bố nào nữa mà tôi phải đưa ra – nếu có – sẽ được giao cho Lord Geidt là cố vấn mới về vấn đề quyền lợi Bộ trưởng lên tiếng đại diện cho tôi.”

Vào sáng ngày 28/4, nhà quý tộc liên đảng Lord Geidt từng là Thư ký của Nữ hoàng, đã được bổ nhiệm làm Cố vấn cho Thủ tướng về vấn đề Quyền lợi Bộ trưởng.

Trong “thời gian hỏi và trả lời của Thủ tướng” tại Quốc hội, ông Johnson phủ nhận mọi cáo buộc rằng ông đã vi phạm quy tắc bầu cử nào.

Lãnh đạo Đảng Lao động Sir Keir Starmer cho biết: “Thủ tướng biết ông ấy được yêu cầu trong vòng 28 ngày phải khai báo bất kỳ quyền lợi nào liên quan đến hoạt động chính trị của cá nhân, bao gồm cả các khoản vay. Ông ấy cũng biết mọi khoản đóng góp đều phải được ghi vào Sổ kê khai Quyền lợi Bộ trưởng, mọi hiến tặng phải được khai báo… Hiện Ủy ban Bầu cử cho rằng có lý do để tin một hoặc nhiều sai phạm đã xảy ra. Thủ tướng có thể cho Hạ viện biết: ông có nhận thấy có vi phạm nào trong việc cải tạo khu nhà của Thủ tướng không?”

Ông Johnson trả lời: “Không, tôi không thấy. Tôi nghĩ đó là lòng tin của công chúng vốn đã căng thẳng đến đỉnh điểm”. Thủ tướng nói thêm: “Ông ấy thường nói về giấy dán tường, và tôi đã nói với ông ấy vô số lần, đó là tôi đã trả tiền.”

Nếu vi phạm sẽ rất nghiêm trọng

Nói với The Times, giáo sư luật tại Đại học Cambridge và là cựu ủy viên Ủy ban Bầu cử, ông David Howarth cho rằng nếu ông Johnson bị xác định vi phạm có thể bị phạt tới 20.000 bảng Anh. Ông nói: “Nếu người vi phạm giữ chức vụ chính trị cao nhất trong nước, từ đó sẽ tạo tấm gương, vậy thì dù có bị phạt bao nhiêu, đây cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Tôn trọng luật pháp bắt đầu từ trên, sự xói mòn của pháp trị là vấn đề nghiêm trọng nhất.”

Nếu ông Johnson kháng cáo chống lại hình phạt của Ủy ban hoặc Ủy ban chuyển vụ việc cho cảnh sát, thì vấn đề cuối cùng có thể được đưa ra tòa án. Giáo sư David Howarth cho hay tòa án có thể quy tội “cố ý che giấu”, và như vậy ông Johnson sẽ phải chịu hình phạt bổ sung.

Phố Downing thông báo việc bổ nhiệm Lord Geidt làm cố vấn vấn đề quyền lợi Bộ trưởng. Chức vụ đó đã bị bỏ trống kể từ khi ông Alex Allan từ chức sau vụ bê bối gây vấn đề đối với Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel.

Trước tiên, Lord Geidt sẽ làm rõ chuyện chỉnh trang căn hộ ở Phố Downing và tư vấn cho Thủ tướng về những vấn đề liên quan. Thông tin cho hay trước khi đồng ý nhậm chức ông đã có những cuộc thảo luận sâu với Phố Downing.

Có ý kiến ​​cho rằng không giống như người tiền nhiệm, Lord Geidt sẽ dám điều tra các vi phạm có thể xảy ra liên quan mà không cần sự cho phép của Thủ tướng. Nhưng việc bổ nhiệm ông cùng lúc với công bố phạm vi quyền hạn cho thấy dù “Ủy ban tiêu chuẩn sống cộng đồng” đưa ra khuyến nghị, nhưng ông sẽ không có được quyền lực tương ứng.

Quyền quyết định xem có vi phạm quy tắc hay không cũng như bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng vẫn nằm trong tay Thủ tướng. Người phát ngôn của Văn phòng Nội các của Thủ tướng cho biết: “Thủ tướng cảm ơn Ngài Geidt đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm quan trọng này, cảm ơn ông đã đóng góp đặc biệt để đảm bảo độ tin cậy về Bộ Quy tắc của Bộ trưởng.”

Thành Dung, Vision Times