Một ủy ban lưỡng đảng của chính phủ liên bang Hoa Kỳ cho biết, các cơ quan tôn giáo được nhà nước công nhận của Trung Quốc buộc phải lên tiếng ủng hộ các chính sách của chế độ cộng sản, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh ngày càng trở nên “thù địch” các tín ngưỡng tôn giáo.

“Trong năm 2021, tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc trở nên xấu đi,” Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) lưu ý trong báo cáo thường niên năm 2022 công bố vào hôm 25/4.

Chính quyền Trung Quốc “tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chính sách ‘vô hiệu hóa tôn giáo’, đồng thời yêu cầu các nhóm tôn giáo và tín đồ ủng hộ sự cai trị và hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Trong suốt năm 2021, Cục Quản lý Nhà nước về Các vấn đề Tôn giáo… cùng các cơ quan khác đã ban hành các biện pháp pháp lý mới, áp đặt các hạn chế hà khắc hơn nữa đối với các giáo sĩ, trường học tôn giáo và nội dung tôn giáo trên internet,” báo cáo nêu rõ.

Trong những năm qua, chế độ cộng sản đã tăng cường kiểm soát các vấn đề tôn giáo trong nước. Tháng 3/2018, họ thông báo sẽ đặt văn phòng các vấn đề tôn giáo trực thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động chính trị có ảnh hưởng cả trong và ngoài nước, tập trung và0 các nhóm chống đối tiềm ẩn.

Ngày 25/3/2021, Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước điều hành, vốn không được Vatican công nhận, đã tổ chức một bài giảng về lịch sử của ĐCSTQ. Tháng 4 vừa qua, các chùa Phật giáo và Đạo giáo ở nhiều tỉnh còn cử các nhà sư đến viếng các bia mộ và các phần mộ của các liệt sĩ cộng sản và cam kết trung thành với Đảng.

“Chính quyền địa phương đã tổ chức các cuộc hội thảo để truyền bá [tư tưởng] cho các nhà sư và ni cô tại các tu viện Phật giáo Tây Tạng, [và] hạn chế người Tây Tạng đến các ngôi đền,” báo cáo viết. Họ “phá hủy các địa điểm và biểu tượng có ý nghĩa tôn giáo, đồng thời giam giữ và trừng phạt những người Tây Tạng vì đã nghe lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc sở hữu chân dung của Ngài.”

Trong khi chế độ thắt chặt hơn nữa việc giám sát các vấn đề tôn giáo trong nước, thì những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của nó cũng trở thành mục tiêu cho sự đàn áp, bao gồm các cộng đồng tâm linh độc lập và bất kỳ ai bất đồng với ĐCSTQ.

Ngaba Tibet Uprising 2008 Crime against humanity
Các nhà sư Tây Tạng bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp, bôi nhọ danh dự và tín ngưỡng. (Ảnh: thetibetpost.com)

Báo cáo cho hay, tín đồ của các nhóm như Công giáo ngầm, Tin lành “tại gia”, người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác, Phật tử Tây Tạng cùng các học viên Pháp Luân Công cũng “đặc biệt dễ bị bức hại”. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, chính quyền Trung Quốc không ngừng sách nhiễu và bỏ tù bất kỳ linh mục Công giáo nào từ chối tham gia hiệp hội Công giáo do nhà nước kiểm soát.

Báo cáo tiếp tục: “Ít nhất 101 học viên [Pháp Luân Công] đã chết do cuộc bức hại của chính quyền” trong năm 2021, dẫn nguồn từ Minghui.org – trang web của Pháp Luân Công có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên thu thập bằng chứng trực tiếp về cuộc đàn áp môn khí công ôn hòa.

Hơn 892 người theo học môn tu luyện tinh thần, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, cũng bị kết án tù do chiến dịch bức hại của nhà nước.

Pháp Luân Công, được truyền xuất tại vùng Đông Bắc Trung Quốc từ năm 1992, bao gồm năm bài tập khí công nhẹ nhàng, chậm rãi cùng các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Môn tập luyện này đã trở nên nhanh chóng phổ biến trong suốt những năm 1990, ước tính có khoảng 100 triệu người tập vào năm 1999. Cho rằng đây là một mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của mình, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp sâu rộng đối với môn tu luyện, hiện vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc.

Báo cáo cũng trình bày chi tiết các vụ lạm dụng ở vùng Tân Cương, chẳng hạn như tra tấn thể chất và tâm lý, cưỡng bức và nhiều hình thức bạo lực tình dục, cưỡng bức lao động, cưỡng bức triệt sản và phá thai trong khi bị giam giữ. Đáng chú ý, chính quyền Trung Quốc đã tách rời khoảng 880.000 trẻ em Hồi giáo khỏi cha mẹ của họ.

Theo báo cáo, ngoài Bắc Kinh, Moscow cũng gây quan ngại khi tiếp tục vận dụng “một loạt điều luật có vấn đề” nhằm đàn áp các tôn giáo thiểu số, bao gồm người Hồi giáo, Tin lành, thành viên của Nhà thờ Chính thống Ukraine, các học viên Pháp Luân Công và tín đồ của các tôn giáo bản địa.

Dựa trên thực tế này, chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiến hành theo khuyến nghị của USCIRF, trong đó có việc chỉ định Nga là quốc gia cần quan tâm đặc biệt, ban hành các biện pháp trừng phạt những cá nhân vi phạm tự do tôn giáo…

“Trong tương lai, Hoa Kỳ nên thực hiện các bước bổ sung để hỗ trợ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng trên toàn thế giới,” Phó Chủ tịch USCIRF Nury Turkel nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)