Thu hoach noi tang 03

“Ở trên đường phố, nếu ai đó đánh đập hay trộm đồ của bạn, bạn có thể kêu cứu. Ở một trại lao động, nếu bạn bị trói vào giường trong phòng phẫu thuật, người ta sẽ không thể nghe thấy tiếng bạn. Tại Trung Quốc, chính nhà nước lại là kẻ đánh cắp nội tạng.”

Anatasia Lin

“Sự giết hại hàng loạt những người vô tội”

David Matas

“Một hình thức diệt chủng ẩn giấu dưới những danh từ mỹ miều của y học hiện đại”

Ethan Gutmann

Đó là phần trích dẫn mở đầu cho báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Đảng bảo thủ Anh về tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc đối với tù nhân lương tâm. Theo đó, Ủy ban nêu ra bốn điểm mấu chốt được hé lộ từ các bằng chứng nhận được, bao gồm:

  1. Quy mô của thực trạng thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với ước tính trước đây;
  2. Ở Trung Quốc, việc cấy ghép nội tạng nhận được thông báo trong thời gian ngắn một cách rất bất thường, đối ngược hẳn với ở phương Tây, nơi bệnh nhân cần ghép tạng phải chờ đợi hàng nhiều tháng hoặc năm để có người hiến tạng. Ở Trung Quốc, bệnh nhân có thể đặt lịch để làm phẫu thuật ghép tạng, chỉ trong vòng vài ngày. Làm thế nào và tại sao các loại nội tạng lại có thể có sẵn theo nhu cầu một cách nhanh chóng như vậy, chúng có nguồn gốc từ đâu?;
  3. Rất nhiều nạn nhân của việc thu hoạch nội tạng là tù nhân lương tâm, bao gồm những người tập Pháp Luân Công, cũng như những người theo Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và cộng đồng Cơ đốc giáo tại gia không đăng ký với chính quyền;
  4. Vấn đề là nội tạng bị thu hoạch khi người hiến tạng còn sống – nạn nhân chết trong quá trình bị thu hoạch, khi một nội tạng quan trọng như tim bị lấy đi, trong trường hợp các loại nội tạng khác, nếu họ còn sống, thì sau đó họ sẽ bị giết. Vì thế, bằng chứng giám định chỉ được lấy từ người chứng kiến chứ không lấy từ nạn nhân, vì theo định nghĩa không có ai là “người sống sót”.

1. Bối cảnh

Tháng 6/2016, Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ đã xuất bản báo cáo về Trung Quốc mang tên: “The Darkest Moment: The Crackdown on Human Rights in China 2013 – 2016” (Tạm dịch: Thời khắc đen tối nhất: Trung Quốc thẳng tay đàn áp nhân quyền 2013 – 2016). Báo cáo này tập trung vào các bằng chứng nhận được trong suốt một đợt điều trần, với những phiên điều trần dài 2-3 tiếng đồng hồ tại Nghị viện Anh, cùng hơn 30 văn bản đệ trình.

Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh kết luận về tội ác thu hoạch nội tạng
Báo cáo “Thời khắc đen tối nhất: Trung Quốc thẳng tay đàn áp nhân quyền 2013 – 2016”

Trong các phiên điều trần đó, các thành viên của Ủy ban Nhân quyền đã được nghe từ ít nhất hai nhân chứng về thực trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc. Cũng trong báo cáo này, Ủy ban Nhân quyền đã đưa ra khuyến nghị về việc điều tra độc lập về vấn nạn này, đưa ra cơ sở pháp lý để cấm du lịch ghép tạng tới Trung Quốc, tổng hợp danh sách bác sĩ tham gia vào việc thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, v.v.. Đồng thời, Ủy ban Nhân quyền cũng kết luận rằng sẽ đưa ra một báo cáo riêng rẽ về vấn nạn này.

Sau khi báo cáo 6/2016 được công bố, Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh tiếp tục nghiên cứu về tội ác thu hoạch nội tạng, và cho biết họ đã nhận được nhiều bằng chứng khác cho phép họ có thể đưa ra nhận định về tội ác này. Các bằng chứng chủ yếu tới từ những nguồn sau:

  • Thu hoạch đẫm máu: Người tập Pháp Luân Công bị giết để lấy tạng (2009) – Cuốn sách của cựu quốc vụ khanh Canada, ông David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas.
  • Tạng nhà nước: Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (2012) – Cuốn sách của giám đốc tổ chức Bác sĩ Chống Mổ cướp Nội tạng DAFOH, bác sĩ Torsten Trey, và luật sư nhân quyền David Matas.
  • Đại thảm sát: Giết người hàng loạt, Thu hoạch nội tạng, và biện pháp bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng chính kiến (2014) – Cuốn sách của nhà báo được đề cử Nobel Hòa bình Ethan Gutmann.
  • Đại thảm sát/Thu hoạch đẫm máu (bản cập nhật) (2017) – Báo cáo của David Kilgour, David Matas và Ethan Gutman sau khi sử dụng phương pháp nghiên cứu mới sát với thực tế tại Trung Quốc hơn.
  • Cùng nhiều bộ phim tài liệu và lời chứng của các nhân chứng khác.

Ủy ban Nhân quyền cũng nhấn mạnh về bản cập nhật báo cáo Đại thảm sát/Thu hoạch đẫm máu, tài liệu dựa trên số liệu công khai của 712 bệnh viện ở Trung Quốc đã tiến hành các ca phẫu thuật ghép tạng, từ đó đưa ra kết luận có khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép nội tạng mỗi năm ở các bệnh viện Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố chính thức mỗi năm có 10.000 ca ghép tạng, nhưng các tác giả cho rằng con số thực tế dễ dàng vượt qua con số công bố, chỉ với số liệu của một vài bệnh viện. Các bằng chứng được nêu ra hướng tới luận điểm mà luật sư David Matas nói trong bản xác nhận của mình tới Quốc hội Mỹ: đây là tội ác “giết hàng loạt người vô tội”.

2. Kết luận của Ủy ban Nhân quyền

Trước việc Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết HR 343 (6/2016) lên án “việc thu hoạch cưỡng bức nội tạng ở nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do nhà nước hậu thuẫn”, cùng với việc Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết năm 2013 và Tuyên bố 0048/2016 (7/2016) về tội ác thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc; Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh khuyến nghị Quốc hội và Nữ hoàng Anh điều tra và ngăn chặn tội ác này.

Ủy ban Nhân quyền đưa ra các bước thực hiện sau:

  1. Lên án công khai thực trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra và đề nghị Chính quyền nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Trung Hoa phải lập tức chấm dứt thực trạng này;
  2. Hợp tác với các nước để thành lập một Ủy ban Liên Hợp Quốc điều tra thực trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung quốc hoặc tiến hành một cuộc điều tra thông qua các cơ chế quốc tế đã được công nhận, và đánh giá xem đây có phải là tội ác chống lại loài người theo luật pháp quốc tế;
  3. Nghiên cứu, dữ liệu hóa và công bố số liệu về số lượng công dân Anh đi du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng;
  4. Đưa ra các bộ luật nhằm giải quyết vấn đề thu hoạch nội tạng, tương tự các bộ luật đã được thông qua ở nhiều hình thức khác nhau ở các nước như Israel, Bỉ, Đài Loan, Canada, ÚC, và Mỹ, cụ thể nghiêm cấm công dân Anh du lịch tới Trung Quốc nhằm mục đích ghép tạng (hay còn gọi là “du lịch ghép tạng”) cho tới khi hiện trạng thu hoạch cưỡng bức nội tạng này chấm dứt;
  5. Ra lệnh cấm các cá nhân làm trong lĩnh vực y tế hay quan chức chính phủ có tham gia vào hoạt động thu hoạch cưỡng bức nội tạng du lịch tới Vương quốc Anh.
  6. Thúc giục Hiệp hội Cấy ghép tạng áp dụng các hành động phù hợp bao gồm cấm những người tham gia trực tiếp vào thu hoạch tạng ở Trung Quốc;
  7. Khẩn cấp xem xét các biện pháp nhằm buộc chính quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa phải chịu trách nhiệm trước hiện trạng này và yêu cầu chấm dứt hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Trên đây là tóm lược ngắn gọn báo cáo. Phần báo cáo đầy đủ của Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh về tội ác thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc có thể tham khảo tại đây.

Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: