Hôm thứ Tư (27/7), một cơ quan giám sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng các quyền dân sự ở Hồng Kông ngày càng xấu đi, đặc biệt tổ chức này kêu gọi Đặc khu của Trung Quốc bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt hai năm trước.

Hồng kông mất di vị thế kinh tế hồng kông mất dân chủ mất di kinh tế
Luật An ninh Quốc gia đã “đốt cháy” nền tự do dân chủ của Hồng Kông. (Ảnh minh họa: Natanael Ginting/Shutterstock)

Ủy ban Nhân quyền LHQ, gồm 18 chuyên gia độc lập, cho biết, họ “quan ngại sâu sắc về việc diễn giải luật quá rộng và việc áp dụng luật một cách tùy tiện”.

Cơ quan giám sát của LHQ chỉ trích, Luật An ninh Quốc gia được cho là đã dẫn đến “việc bắt giữ hơn 200 người kể từ khi ban hành vào năm 2020, trong đó có 12 trẻ em, với lý do gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Ủy ban Nhân quyền LHQ, cơ quan giám sát việc tôn trọng các quy tắc toàn cầu về các quyền dân sự và chính trị, khuyến nghị, Hồng Kông nên “thực hiện các bước cụ thể để bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia hiện hành, và trong thời gian chờ đợi [bãi bỏ], không áp dụng luật này.”

Luật An ninh Quốc gia hà khắc do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào năm 2020 trong bối cảnh chính quyền Hồng Kông, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của người dân Hồng Kông. Luật này bị chỉ trích là có những điều khoản mơ hồ nhằm mục đích hình sự hóa các hoạt động lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với lực lược nước ngoài với mức án lên đến tù chung thân.

Đầu tháng này kỷ niệm 25 năm ngày Anh bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc, trong cuộc họp đánh giá thường kỳ lần thứ tư về Hồng Kông, ủy ban nhân quyền của LHQ lên án, Luật An ninh Quốc gia đã được ban hành “mà không có sự tham vấn với cộng đồng và xã hội dân sự” tại Đặc khu này.

Cơ quan này cảnh báo, “sự thiếu rõ ràng” của Luật An ninh Quốc gia đã gây ra khó khăn trong việc xác định những hành vi nào cấu thành tội phạm hình sự.

Ủy ban nhân quyền cũng chỉ trích, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, luật an ninh này đã áp dụng lại điều luật coi hành vi xúi giục nổi loạn là tội phạm. Ủy ban còn chỉ ra cách luật này được sử dụng để buộc tội các học giả, các nhà báo và những người khác “vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận hợp pháp của mình”.

Cơ quan của LHQ nhấn mạnh: “Ủy ban lo ngại về tác động bất lợi của việc diễn giải quá rộng và việc áp dụng tùy tiện Luật An ninh Quốc gia và luật chống nổi loạn, cũng như tác động của nó đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận.”

Ủy ban còn cáo buộc, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã được chuyển sang quyền xét xử của Trung Quốc, cũng như luật này đã cho phép đặc khu trưởng Hồng Kông có “quyền lực quá mức”.

Cơ quan giám sát của LHQ cảnh báo, điều này “có thể phá hoại nghiêm trọng tính độc lập của các biện pháp bảo vệ theo thủ tục và tư pháp để tiếp cận công lý và quyền được xét xử công bằng”.

Một khi Luật An ninh Quốc gia này được bãi bỏ, ủy ban kêu gọi, quy trình làm luật để ban hành bất kỳ luật an ninh mới nào đều phải “toàn diện và minh bạch, tạo điều kiện cho sự tham gia tự do, cởi mở và có ý nghĩa của xã hội dân sự và công chúng”.

Gia Huy (Theo AFP)