Hôm Chủ Nhật (21/11), Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công bố cuộc trò chuyện trực tuyến giữa Bành Soái và Chủ tịch IOC Thomas Bach. Thông báo của IOC cho biết Bành Soái vẫn “an toàn“, nhưng lại không nhắc gì đến việc tố cáo bị xâm hại tình dục của cô. Sự việc này lại làm dấy lên chỉ trích rằng IOC trở thành công cụ tuyên truyền của ĐCSTQ.

新建项目 18
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach (Ảnh: Wikimedia)

Xưa nay, IOC vẫn tuyên bố không can dự vào chính trị. Trước chất vấn của dư luận quốc tế về việc “Bành Soái đang ở đâu?”, IOC luôn giữ im lặng. Thế nhưng hôm Chủ Nhật vừa qua, IOC bất ngờ công bố cuộc gọi video dài 30 phút của các quan chức IOC với Bành Soái, gồm Chủ tịch IOC Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Vận động viên Emma Terho, và Ủy viên Ủy ban IOC Trung Quốc là cựu ngôi sao cầu lông Lý Linh Úy (Li Lingwei). Đồng thời, IOC nói rằng “Bành Soái đang sống ở nhà tại Bắc Kinh và cô ấy an toàn, nhưng cô hy vọng hãy tôn trọng quyền riêng tư của mình”. Công bố của IOC cũng cho biết, cuối cuộc gọi, ông Bach đã mời Bành Soái ăn tối khi ông đến Bắc Kinh vào tháng Một năm sau và cô đã vui vẻ nhận lời.

Công bố của IOC không đề cập đến cáo buộc tấn công tình dục mà cô Bành Soái đưa ra vào ngày 2/11 năm nay đối với ông Trương Cao Lệ – cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng của ĐCSTQ. Công luận cũng không thể biết được liệu trong quá trình trò chuyện trực tuyến với Bành Soái, quan chức IOC có hỏi thăm về điều này, hoặc có hỏi liệu cô có được tự do hành động theo ý chí cá nhân mà không bị nhà chức trách Trung Quốc kiểm soát hay không.

Mặc dù công bố của IOC xác nhận Bành Soái “còn sống”, nhưng điều đó không thể chứng minh liệu Bành Soái có được tự do hành xử mà không bị giới chức ĐCSTQ kiểm soát hay không, đồng thời cũng làm dấy lên nghi vấn đối với IOC.

Hôm thứ Hai (22/11), phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã gọi điện đến Văn phòng thông tin IOC ở Lausanne – Thụy Sĩ, tuy nhiên một người đàn ông tên là Alexandra từ chối trả lời phỏng vấn sau khi giải thích tình hình và yêu cầu phóng viên hỏi văn phòng thông tin IOC bằng văn bản. Trước đó, phóng viên đã đặt câu hỏi trên trang web của IOC nhưng không nhận được phản hồi (cho đến khi bài viết được VOA công bố vào khuya ngày 22/11.)

Trong hàng trăm tin nhắn để lại tại trang Athlete365 của IOC, nhiều người đã buộc tội IOC là “vô liêm sỉ”“đáng ghê tởm”. Có người chỉ ra rằng IOC hiểu sự cố Bành Soái làm gia tăng lo ngại của cộng đồng quốc tế về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, khiến càng nhiều người lên tiếng tẩy chay, do đó IOC phải vội phối hợp cùng với Bắc Kinh. Thậm chí có người yêu cầu các quan chức IOC từ chức.

Lâu nay, vì ĐCSTQ đã giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương vào “trại cải tạo” để tẩy não và cưỡng bức lao động, đã vi phạm nhân quyền và pháp quyền ở Hồng Kông, do đó các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, đồng thời các nước cũng đang muốn “tẩy chay ngoại giao”.

Trong một thông điệp, nhà nghiên cứu Trung Quốc Vương Á Thu (Wang Yaqiu) của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết, động thái này là “đáng lo ngại” ở một cấp độ khác. IOC hiện đóng một vai trò tích cực trong “cơ chế tuyên truyền, cưỡng chế và làm cho mất tích” của ĐCSTQ.

Hãng AP đưa tin, cả ĐCSTQ và IOC đều hy vọng mối quan tâm của quốc tế về an toàn của Bành Soái sẽ giảm bớt, nhưng có lẽ đó chỉ là mơ tưởng của họ.

Thông tin chỉ ra, tuyên bố của IOC không cung cấp được mấy chi tiết và không bám theo cáo buộc của Bành Soái, đã đặt ra nhiều nghi vấn hơn về câu chuyện IOC, Bành Soái và ĐCSTQ. Đoạn video về cuộc trò chuyện giữa IOC và Bành Soái ít nhất cũng không thể làm hài lòng Chủ tịch Steve Simon của Hiệp hội Quần vợt Nữ quốc tế (WTA) – người đã luôn lên tiếng cho Bành Soái.

Ngay cả sau khi IOC công bố video trò chuyện với Bành Soái vào hôm Chủ Nhật, người phát ngôn của WTA đã nhắc lại quan điểm của ông Simon trước đó hơn một tuần, rằng những video này không làm giảm lo ngại của họ về an toàn của Bành Soái và vấn đề liệu cô có thể tự do kết nối với mọi người trong điều kiện “không bị kiểm duyệt hoặc cưỡng ép”. Đối với cáo buộc của Bành Soái về việc bị ông Trương Cao Lệ tấn công tình dục, WTA tiếp tục kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện, công bằng, minh bạch mà không bị kiểm duyệt.

Thông tin cũng cho biết, tổ chức “Vận động viên Toàn cầu” (Global Athlete) đã ra tuyên bố chỉ trích rằng video hôm Chủ Nhật của IOC đã biến IOC thành “đồng phạm ác ý của ĐCSTQ trong tuyên truyền, bất chấp công lý cùng quyền cơ bản của con người”. Tổ chức này cũng cáo buộc IOC đã hoàn toàn phớt lờ các cáo buộc về bạo lực tình dục và tấn công tình dục đối với các vận động viên nữ. Trong tuyên bố của IOC không đề cập đến cáo buộc của Bành Soái về việc bị tấn công tình dục, cho thấy thái độ thờ ơ của IOC về chuyện Bành Soái bị “mất tích”.

Hãng thông tấn AP cũng chỉ ra, những nỗ lực của chính quyền ĐCSTQ trong việc bịt miệng Bành Soái cho thấy, họ ngăn chặn tiếng nói bất bình đối với các nhà lãnh đạo của họ, do những tiếng nói đó đặc biệt nhạy cảm về mặt chính trị.

The Guardian đưa tin hôm thứ Hai rằng trong khi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp diễn ra, IOC đã bị chỉ trích vì lợi dụng sự cố an toàn của Bành Soái để tham gia “màn diễn kỹ năng quan hệ công chúng” của ĐCSTQ.

The Guardian cũng cho biết, cựu vận động viên Olympic và luật sư nhân quyền người Canada, bà Nikki Dryden, nói rằng IOC đã sử dụng “sự trung lập về chính trị” như một cái cớ để tránh cùng cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với ĐCSTQ trong việc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông. Tuy nhiên, cuộc gọi video giữa Chủ tịch Bach và các thành viên IOC của Trung Quốc với cô Bành Soái dường như đầy “tính chính trị”. Bà nhấn mạnh cuộc trò chuyện trực tuyến cần do chính các quan chức quần vợt luôn quan tâm đến Bành Soái thực hiện, chứ không nên do IOC “biểu diễn kỹ năng quan hệ công chúng”. Bà nói rằng tuyên bố của IOC không khiến bà cảm thấy Bành Soái “an toàn”, “không phải chịu sự trả đũa hay ép buộc”.

CNN đưa tin, mặc dù video của IOC và Bành Soái có thể loại bỏ nỗi sợ hãi tồi tệ nhất về an toàn của Bành Soái, nhưng chúng không thể giảm bớt lo ngại của công luận về các quyền tự do rộng lớn hơn của cô ấy và xu thế yêu cầu điều tra đầy đủ về cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái ngày càng mạnh hơn.

CNN cũng tuyên bố, trước khi Chủ tịch IOC Bach có cuộc điện đàm với Bành Soái vào hôm Chủ Nhật, ĐCSTQ đã tung ra một loạt tuyên truyền nhằm cố gắng chứng minh Bành Soái “vẫn sống”.

Vào Chủ Nhật, VOA cũng đã đưa tin rằng khi cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự an toàn của vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Soái, chính quyền ĐCSTQ đang kiểm soát chặt chẽ tin tức về Bành Soái ở trong nước, và họ đã tung ra các video “biểu diễn” để cố gắng chứng minh Bành Soái “an toàn”.

Ngày 21/11, ông Hồ Tích Tiến – “bảo kiếm” tuyên truyền của ĐCSTQ và là Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu thuộc Nhân dân Nhật báo – đã đăng lại một đoạn video trên tài khoản Twitter tiếng Anh của ông ta. Nội dung tweet nói rằng vào sáng Chủ Nhật Bành Soái sẽ tham dự buổi khai mạc trận chung kết quần vợt thanh thiếu niên Bắc Kinh và phóng viên của Thời báo Hoàn cầu đã quay được video của cô ấy tại hiện trường.

Vào tối Chủ Nhật, ông Hồ Tích Tiến lại đăng một đoạn clip khác ghi lại cảnh Bành Soái ký tặng và chụp ảnh với các tay vợt trẻ của trận đấu quần vợt kèm theo dòng chữ: có cô gái nào có thể cười rạng rỡ dưới áp lực không? Những người nghi ngờ Bành Soái đang phải chịu áp lực chắc hẳn trong thâm tâm họ đầy đen tối, chắc hẳn là nước họ có rất nhiều, rất nhiều “màn trình diễn chính trị cưỡng bách”.

Tuy nhiên, dưới hai dòng tweet của ông Hồ Tích Tiến đã có nhiều cư dân mạng chất vấn. Có người cho rằng Bành Soái tỏ ra bất an và thiếu tự nhiên trong phần trình diễn. Họ thách thức ông Hồ Tích Tiến “nếu có bản lĩnh thì hãy đăng những video này lên Weibo và WeChat”.  

Nhắc lại, vào ngày 2/11 năm nay, ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái đã tiết lộ trên Weibo về chuyện cô từng bị ông Trương Cao Lệ – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và cựu Phó Thủ tướng ĐCSTQ – xâm hại tình dục. Chỉ sau hơn 20 phút, bài đăng đã bị an ninh mạng ĐCSTQ xóa bỏ.

Screen Shot 2021 11 06 at 11.38.56 AM 1
Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ và tay vợt nữ nổi tiếng Bành Soái (Ảnh ghép)

Sau đó Bành Soái bặt vô âm tín, khiến cộng đồng quốc tế lo lắng cho sự an toàn của cô, nhiều tiếng nói dò hỏi vấn đề cô “biến mất”. Những tiếng nói lên tiếng hỏi “Bành Soái ở đâu?” bao gồm Liên Hợp Quốc, các thành viên IOC, Chính phủ Mỹ và Anh, WTA, Hiệp hội Quần vợt Chuyên nghiệp Thế giới (ATP), và những người nổi tiếng như “ông vua quần vợt” Novak Djokovic, cựu “nữ hoàng quần vợt” Naomi Osaka… đều đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc giải thích. Còn có những người khác kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai năm sau. WTA cũng bất bình tuyên bố có thể sẽ rút tất cả các giải đấu khỏi Trung Quốc, trừ khi Bành Soái được chứng minh là an toàn.

Sau nhiều ngày im lặng về vụ Bành Soái, vào đêm muộn ngày 19, phóng viên Thẩm Thi Vĩ (Shen Shiwei) của Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN, trước đây là kênh tiếng Anh của CCTV), đã đăng trên Twitter 4 bức ảnh Bành Soái mặc quần đùi ở trong nhà của cô. Tuy nhiên, những bức ảnh này cũng bị chất vấn về thời gian chụp.

Sau đó vào ngày 20/11, ông Hồ Tích Tiến đã tweet tiếng Anh về cái gọi là “Bành Soái cùng huấn luyện viên và bạn bè của cô ấy ăn tối tại một nhà hàng” kèm theo hai video, cho biết video rõ ràng được quay vào thứ Bảy (theo giờ Bắc Kinh). Video cũng bị nghi ngờ được chỉnh sửa vì thời gian “lịch trình khử độc” trên cửa nhà hàng chỉ hiển thị tháng 11, còn ngày cụ thể thì đã bị xử lý làm mờ.

Vài video này không làm giảm bớt lo ngại của thế giới bên ngoài về quyền tự do và an toàn của Bành Soái. Một số cư dân mạng nói đùa: “Đảng thật là chu đáo khi báo cáo bình an cho một cá nhân, làm ấm lòng dân”; “Mấy ngày nay đạo diễn bận lắm, chỉ vài ngày phải đào tạo cô ấy thành diễn viên”; “Sao càng diễn càng không ai tin”?; “Bành Soái đang phải chịu quá nhiều áp lực, cô bị rụng tóc thấy rõ, đường chân tóc đã cao lên gần đỉnh đầu, hy vọng Bành Soái vững vàng”…

Theo hãng tin AP, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của WTA là ông Simon nói rằng video hôm thứ Bảy “không đủ” để chứng minh quyền tự do cá nhân của Bành Soái.

Ông nói: “Nhìn thấy cô ấy là điều tích cực, nhưng vẫn chưa thể rõ liệu cô ấy có được tự do không, liệu cô ấy có thể tự quyết và hành động mà không bị ép buộc hay can thiệp từ bên ngoài hay không. Chỉ video này thôi là chưa đủ. Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc đang ở ngã tư”.

Ngày 19/11, ông Simon cũng đã viết thư cho Đại sứ Tần Cương (Qin Gang) của ĐCSTQ tại Mỹ, yêu cầu ông Tần Cương thảo luận về “vấn đề khẩn cấp” này với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, hy vọng sẽ sớm được giải quyết. Ông cũng yêu cầu cho phép Bành Soái rời khỏi Trung Quốc hoặc nói chuyện trực tiếp với cô ấy thông qua video mà không có bất kỳ ai khác có mặt.  

Bành Soái từng đánh cặp với tay vợt Tạ Thục Vi (Xie Shuwei) của Đài Loan và trở thành tay vợt số một thế giới ở nội dung đôi nữ, giành được hai danh hiệu Grand Slam là Wimbledon mở rộng năm 2013 và giải Pháp mở rộng năm 2014. Xếp hạng cao nhất của cô về đánh đơn là đứng thứ 14 thế giới vào năm 2011, năm 2014 từng lọt vào bán kết đánh đơn của giải Mỹ mở rộng.

Ông Trương Cao Lệ, 75 tuổi, người bị Bành Soái cáo buộc tấn công tình dục, từng là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị quyền lực nhất từ ​​năm 2012 – 2017 và giữ chức Phó thủ tướng từ năm 2013 – 2018. Vụ việc Bành Soái là lần đầu tiên tại Trung Quốc có cáo buộc công khai vấn đề tấn công tình dục nhắm vào một lãnh đạo cấp cao như vậy. Các nhà chức trách ĐCSTQ không tiết lộ bất kỳ dấu hiệu nào về việc điều tra cáo buộc của Bành Soái.

Tờ New York Times có bình luận rằng vụ việc Bành Soái gây tác động lớn đến giới chính trị của Bắc Kinh. Bài bình luận cho rằng sự cố Bành Soái là một phép thử xem Trung Quốc có đáp ứng các tiêu chí đăng cai Thế vận hội Mùa đông hay không.

Theo Hải Ngạn, Đài VOA

Xem thêm: