Tại hội nghị ở Viêng Chăn, Lào, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia nằm trên Vành đai Thái Bình Dương đang bị đe dọa bởi sự bành trướng và quân sự hóa của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Ông Obama phát biểu tại cơ sở làm chi giả COPE trong chuyến thăm Viêng Chăn (ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Viêng Chăn)
Ông Obama phát biểu tại cơ sở làm chi giả COPE trong chuyến thăm Viêng Chăn (ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Viêng Chăn)

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức từ 6/9 đến 8/9, ông Obama dùng từ “có sức ràng buộc” (binding) để nói về phán xét quốc tế đã bác bỏ “yêu sách lịch sử” của Bắc Kinh ở biển Đông. Hoa Kỳ hứa tăng cường ngoại giao và hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết vào ngày 8/9.

Tổng thống Obama nói rằng phán quyết sẽ “giúp làm rõ các quyền hàng hải trong khu vực”, và Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, bao gồm cả các tranh chấp ở biển Đông”.

Trong khi đó, tờ Nikkei của Nhật cho biết Thủ tướng Abe đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc “tự ý liên tục thay đổi hiện trạng ở các vùng biển Đông và Hoa Đông trong vài tháng qua” của Trung Quốc và cảnh báo các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đề phòng lập trường quá mềm mỏng đối với Bắc Kinh.

Nền kinh tế của các quốc gia ASEAN có sự gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, điều này mang lại cho Bắc Kinh một số lợi thế chính trị lên các quốc gia này.

Trong khi căng thẳng gần đây tập trung vào các tranh chấp ở biển Đông, nơi sáu quốc gia khác nhau đang có yêu sách chồng chéo lẫn nhau, Nhật Bản cũng lại có những bất đồng riêng với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.

Ông Abe cũng nhấn mạnh rằng biển Đông là một “tuyến đường biển cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản.”

Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực được công bố vào ngày 12/7/2016 đã kết thúc vụ kiện kéo dài 3 năm của Phillippines, nhưng Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc xem phán quyết là “một mớ giấy vụn”.

Những động thái quân sự vẫn đang tiếp diễn của Trung Quốc tại khu vực này đã thúc đẩy các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á tăng cường phòng thủ và hợp tác ngoại giao. Động thái gần đây nhất của chính quyền Trung Quốc là đặt thiết vị nạo vét vào vị trí để xây dựng nhiều đảo nhân tạo hơn tại khu vực đảo Hoàng Nham (Scarborough), vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc đã chỉ trích nhận xét của ông Obama về tòa Trọng tài, gọi đó là sự phản bội lập trường nên là trung lập của Mỹ và nói rằng nếu các quốc gia trong khu vực “thực sự quan tâm đến hòa bình và ổn định ở biển Đông, họ nên hỗ trợ Trung Quốc” trong tranh chấp này, cơ quan thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết.

Bà Hoa đã đưa ra nhận xét tích cực về Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga sẽ tham gia vào cuộc tập trận quân sự với quân đội Trung Quốc ở biển Đông vào một ngày không được tiết lộ trước.

Chuyến thăm lần thứ 8 của ông Obama đến một Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực này. Mỹ cũng cam kết tăng cường quan hệ kinh tế với các quốc gia ASEAN, VOA cho biết.

“ASEAN là chìa khóa để Mỹ tái cân bằng châu Á và quan trọng hơn là chìa khóa cho một tương lai hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”, Obama nói.

Theo Epoch Times
Hoàng Vũ