Hôm thứ Năm (ngày 18/11), văn phòng đại diện của Đài Loan tại nước Cộng hòa Litva đã chính thức được thành lập tại thủ đô Vilnius của nước này. Đây là văn phòng đại diện đầu tiên trên thế giới được thành lập với tên gọi “Đài Loan” bất chấp sự phản đối từ Bắc Kinh.

DL litva
Ông Eric Huang (thứ ba từ phải sang), người hiện là trưởng phái bộ của Đài Bắc tại nước láng giềng Latvia, được chỉ định là người đứng đầu của Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva. (Ảnh Twitter Bộ Ngoại giao Đài Loan).

Đài Loan chính thức mở Văn phòng Đại diện tại Litva 

Lần đầu tiên “Văn phòng đại diện Đài Loan” (Taiwanese Representative Office) được thành lập tại một quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Văn phòng mới của Đài Loan sẽ do ông Eric Huang (Hoàng Quân Diệu), người hiện là trưởng phái bộ của Đài Bắc tại nước láng giềng Latvia, đứng đầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An (Ou Jiang’an) cho biết, hai bên có tiềm năng hợp tác rất lớn trong nhiều ngành khác nhau như chất bán dẫn, laser và công nghệ tài chính (fintech).

Tại lễ khai mạc, ông Vytautas Landsbergis, tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Litva, đã đích thân đến thăm văn phòng đại diện và có cuộc trò chuyện với ông Eric Huang.

“Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva đã khai trương hôm nay! Chúng tôi rất vui vì ngày này đã đến!”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Đổi mới Litva Ausrine Armonaite viết trên Twitter hôm thứ Năm.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ sẽ “xây dựng một lộ trình mới và đầy hứa hẹn” trong quan hệ song phương giữa hai nước. Trong một dòng tweet, Bộ này cho biết họ “biết ơn sâu sắc” chính phủ Litva và bạn bè trên toàn thế giới. 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Bác bỏ nỗ lực của “các quốc gia khác” nhằm can thiệp vào quan hệ giữa Litva và Đài Loan

Vào tháng Bảy năm nay khi Đài Loan tuyên bố thành lập văn phòng đại diện tại Litva, ĐCSTQ đã tức giận và quyết định triệu hồi Đại sứ tại Litva vào ngày 10/8 và yêu cầu Chính phủ Litva cũng triệu hồi Đại sứ tại Trung Quốc về nước.

Vào thứ Sáu (ngày 19/11), người phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Triệu Lập Kiên đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ Litva vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc” của ĐCSTQ. Ông cho biết, ĐCSTQ sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, mọi hậu quả phát sinh từ việc này là trách nhiệm của phía Litva,” đồng thời đe dọa rằng Litvasẽ phải trả giá cho những gì đã gây ra”.

Trong một cuộc họp báo ở Vilnius vào hôm thứ Sáu, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya cho biết, Hoa Kỳ bác bỏ nỗ lực của “các quốc gia khác” nhằm can thiệp vào quan hệ giữa Litva và Đài Loan.

“Chúng tôi bác bỏ nỗ lực của ‘các quốc gia khác’ nhằm can thiệp vào quyết định có chủ quyền của Litva nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác với Đài Loan,” Zeya cho biết sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis.

“Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ của chúng tôi đối với các đối tác và đồng minh quan trọng của NATO và EU,” bà Zeya nói.

Hoa Kỳ hỗ trợ thương mại cho Litva trong việc chống lại áp lực của ĐCSTQ

Vài ngày sau khi ĐCSTQ cảnh báo sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Đổi mới Litva Ausrine Armonaite nói với Reuters rằng Litva sẽ ký một thỏa thuận tín dụng xuất khẩu trị giá 600 triệu USD với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ vào tuần tới.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói chuyện với Ngoại trưởng Litva Landsbergis vào tháng 8 và đồng ý thực hiện “các hành động phối hợp song phương” để giúp Litva chịu được áp lực từ ĐCSTQ.

50838230762 88e1810de9 b
Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania (Litva)- ông Gabrielius Landsbergis (Ảnh: Flickr/ Bộ Ngoại giao Litva)

Vào đầu năm nay, Litva cũng đã rút khỏi Cơ chế hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu – Trung Quốc (17 + 1) do Bắc Kinh lãnh đạo. Vào tháng Ba, ông Landsbergis đã nói với tờ nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức rằng cơ chế “17+1” đã không đạt được mức kỳ vọng của Lithuania, đặc biệt là về các khoản đầu tư phục vụ các lợi ích song phương.

Ông Landsbergis nói với các phóng viên tại Vilnius của Reuters hôm thứ Năm: “Chúng tôi tin rằng mối quan hệ kinh tế được thiết lập với các quốc gia dân chủ có thể bền vững và lâu dài hơn, bởi vì mối quan hệ này dựa trên nguyên tắc pháp quyền nhiều hơn, và do đó sẽ đáp ứng lợi ích của Litva nhiều hơn”.

“Chúng tôi tìm cách thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với toàn bộ khu vực Châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương. Litva gần đây đã mở một đại sứ quán tại Australia, một đại sứ quán khác sẽ được mở tại Hàn Quốc và một văn phòng đại diện có thể được mở tại Đài Bắc trong tương lai”, ông Landsbergis cho biết.

Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ châu Âu và Mỹ

Nghị viện Châu Âu, 13 nghị viện bao gồm các nước Châu Âu, Hoa Kỳ và 14 chủ tịch ủy ban đối ngoại đã ra một tuyên bố chung vào ngày 27/8, lên án mạnh mẽ việc ĐCSTQ can thiệp vào công việc nội bộ của Litva, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia hoàn toàn ủng hộ Litva. Tuyên bố chung đã được ký bởi 14 chủ tịch ủy ban các quốc gia bao gồm Cộng hòa Séc, Estonia, Pháp, Đức, Ireland, Latvia, Litva, Hà Lan, Thụy Điển, Ukraine, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Nghị viện châu Âu.

Sau khi Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva được chính thức thành lập, ông Reinhard Butikofer, một thành viên Đức của Nghị viện Châu Âu, viết trên Twitter: “Điều quan trọng là phải tuyên bố rằng việc mở văn phòng tại Đài Loan này là hoàn toàn phù hợp chính sách Một Trung Quốc của EU. EU chưa bao giờ ký kết nguyên tắc Một Trung Quốc của CHND Trung Hoa. Sự khác biệt lớn. Chúng ta không được để Bắc Kinh áp đặt quan điểm của họ.”

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ, đã viết trên Twitter: “Khi chúng ta được dẫn dắt bởi các giá trị của mình, cộng đồng dân chủ toàn cầu của chúng ta sẽ được củng cố.” 

Ngoài ra, Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, cũng ủng hộ Đài Loan, kêu gọi EU tăng cường quan hệ với Đài Loan và một lần nữa đăng báo cáo về “Quan hệ chính trị và Hợp tác EU-Đài Loan” của Nghị viện Châu Âu vào tháng 10. 

Đài Bắc hiện có 15 quốc gia ngoại giao với tổng số 110 văn phòng tại 72 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Các tổ chức được thành lập ở các quốc gia không có quan hệ ngoại giao thường được thành lập dưới tên “Đài Bắc”, chẳng hạn như Văn phòng đại diện Đài Bắc tại Vương quốc Anh, Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ và Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Úc.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: