Gần đây, liên tiếp có các báo cáo về các vụ lừa đảo người Đài Loan, Việt Nam đến Campuchia, trong mắt các nhóm lừa đảo, những nạn nhân này không phải là “người” mà là “lợn”. Nếu nghe lời thì sẽ là đồng bọn của nhóm lừa đảo, nếu không sẽ bị đánh đập, cưỡng hiếp, coi như “vật phẩm” để bán lại cho các nhóm lừa đảo khác, có người còn bị rút máu, mổ cướp nội tạng, sau khi chết thi thể bị vứt nơi hoang dã.

song bac campuchia
Một sòng bạc do người Hoa mở tại Campuchia. (Ảnh: 1000 Words/shutterstock)

Theo tờ Liberty Times tại Đài Loan đưa tin, ở Campuchia, hầu như có tất cả các trang web lừa đảo trên khắp đất nước, được ẩn trong các sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu dân cư và các tòa nhà thương mại. Một đặc điểm là trụ sở của các trang web lừa đảo này thường là cửa sổ, ban công và hàng rào xung quanh đều được rào bằng dây thép gai, mọi người ra vào đều được kiểm soát chặt chẽ bằng các biện pháp an ninh, ngoại trừ nhóm tội phạm cấp cao có thể tùy ý ra vào, những người còn lại đều không được phép vào, hoặc thậm chí chỉ vào mà không thể ra được.

Campuchia nằm ở bán đảo Đông Dương, lãnh thổ rộng gấp 5 lần Đài Loan, dân số khoảng 17,1 triệu người. Năm 2021, GDP bình quân đầu người của nước này chỉ là 1.730 USD, từng được Liên Hiệp Quốc định nghĩa là một trong những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Trước đây, du lịch, gia công quần áo, giày dép và nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp truyền thống khó hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế, và trước sự cám dỗ của lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán ma túy, vô số người đã lạc lối, biến Campuchia trở thành điểm trung chuyển quan trọng của “Tam giác vàng” để xuất khẩu ma túy, đồng thời , một dây chuyền công nghiệp tình dục đã được phát triển, và sinh ra nạn buôn người bất hợp pháp.

Dây chuyền lừa đảo tuyển dụng

Vào giữa năm 2021, những video và hình ảnh khủng khiếp về những hành động tàn bạo bên trong tại các công ty lừa đảo bắt đầu xuất hiện trên mạng. Các video và hình ảnh cho thấy các nạn nhân bị đe dọa về thể xác, bị đánh bằng gậy, dùi cui điện hoặc bị còng tay vào cọc sắt. Trên người những nạn nhân này đều đầy vết thương đẫm máu.

Về cơ bản, những nạn nhân này nhìn thấy thông tin tuyển dụng lan truyền trên Internet, sau đó trải qua rất nhiều khâu như phỏng vấn trực tiếp thông qua “môi giới”, xin thị thực, mua vé máy bay, xét nghiệm PCR và đưa đón sân bay thông qua “trung gian”, v.v.

Sau khi các nạn nhân hạ cánh xuống sân bay Campuchia, họ sẽ bị đưa đến nơi tập trung của các công ty lừa đảo để cưỡng bức lao động, nếu không chấp hành mệnh lệnh hoặc người cầu cứu bên ngoài và bị phát hiện, thì sẽ bị chích điện, tấn công tình dục và bán lại cho người khác, nếu không được người thân bạn bè giúp trả tiền chuộc, thì cuối cùng phải đối mặt với số phận bị cưỡng bức mổ cướp nội tạng.

Dự án Vành đai và Con đường – Đặc khu Sihanoukville, lượng lớn người Hoa phát triển ngành cờ bạc

Tại sao lừa đảo Campuchia ngày nay tràn lan như vậy? Chính phủ không kiểm soát việc này? Trong vài năm qua, ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến phát triển mạnh có thể nói đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Philippines, Myanmar và Campuchia. Với sự hỗ trợ của dự án xây dựng Vành đai và Con đường năm 2016 của Trung Quốc, Sihanoukville đã phát triển thành đặc khu kinh tế quan trọng nhất ở Campuchia và thu hút một số lượng lớn người Trung Quốc tham gia vào phát triển trò chơi cờ bạc.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào Sihanoukville và hầu hết đều tập trung vào ngành công nghiệp trò chơi đánh bạc. Ngày nay, có 163 công ty trò chơi hợp pháp ở Campuchia, trong đó 91 công ty đặt tại Sihanoukville. Theo Nikkei Asia, Sihanoukville ban đầu chủ yếu hoạt động dựa trên ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến, nhưng trong những năm gần đây, nó dần chuyển sang hoạt động lừa đảo, và trở thành điểm nóng về gian lận của các nhóm tội phạm. Công ty mà những người Hoa này thành lập lại hại chính người Hoa của mình, khiến cho lượng lớn người Hoa đã bị lừa, không chỉ thế, nhiều người Việt Nam cũng trở thành nạn nhân.

Công ty trò chơi cờ bạc “biến tướng” gian lận kinh doanh

Năm 2020, ngành công nghiệp trò chơi cờ bạc của Campuchia bị ảnh hưởng nặng nề do Chính phủ Trung Quốc khóa thẻ ngân hàng và thẻ điện thoại để ngăn chặn tiền đánh bạc chảy ra nước ngoài, đồng thời chính quyền địa phương ra lệnh cấm đánh bạc, nhiều công ty trò chơi cờ bạc đã “biến tướng” để hoạt động lừa đảo, không chỉ lừa tình, lừa tiền mà thậm chí còn bán người như buôn hàng hóa.

Campuchia đã trở thành nước hưởng lợi lớn theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy điện và xây dựng cầu và đường cao tốc tại địa phương. Thành phố Sihanoukville, nằm ở phía tây nam của thủ đô Phnom Penh, có cảng biển lớn nhất ở Campuchia. Đây cũng là trung tâm thương mại nước ngoài lớn nhất, nơi có số lượng người Hoa đông nhất, và là một trong những thành phố quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự tham nhũng của đất nước đã khiến Vành đai và Con đường trở nên khó khăn, thể hiện rõ đầu tư của Trung Quốc gặp khó khăn. 

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã trở thành điểm nóng của tội phạm có tổ chức

Một báo cáo của một tổ chức nghiên cứu tư vấn của Mỹ chỉ ra, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã trở thành một điểm nóng của tội phạm có tổ chức, cho phép những kẻ vi phạm pháp luật kiếm tiền bằng cách ‘treo đầu dê bán thịt chó’.

Trong năm qua, cảnh sát Đài Loan đã phá vụ lừa đảo 82 người đến Campuchia chỉ riêng của một tập đoàn vượt biên trái phép, lợi nhuận thu được từ vụ lừa đảo này vượt quá 20 triệu Đài tệ (khoảng hơn 660.000 USD). Theo ước tính sơ bộ của Cục Cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân Quốc, có thể hàng ngàn người Đài Loan là nạn nhân. Những người trong ngành cho biết, việc lừa đảo đi Campuchia kiếm việc làm lương cao hiện nay đã được công nghiệp hóa hoàn toàn, đối với những người không chú ý đến tin tức, ít kinh nghiệm xã hội thì thực sự rất nguy hiểm. Chỉ có thể nhấn mạnh nhiều lần rằng hãy đề phòng tất cả các dấu hiệu lừa đảo có thể xảy ra.

Hiện tại, trong số các đặc khu kinh tế chỉ tính riêng ở Sihanoukville đã có hàng chục khu vực với nhiều tên gọi khác nhau, mỗi một khu vực có thể có ít nhất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công ty lừa đảo và hầu hết đều do người Trung Quốc thành lập, cũng có một số là do người Đài Loan sở hữu.

Cảnh sát Campuchia “không trong sạch”

Mặc dù Chính phủ Campuchia cho biết họ đã xử lý 359 vụ buôn người và bóc lột tình dục vào năm 2021, tăng đáng kể so với 155 vụ vào năm 2020, cũng là số vụ buôn người lớn nhất được ghi nhận ở Campuchia. Nhưng so sánh với số lượng người được đưa đến đây, thì con số này không tỷ lệ thuận. 

Việc “không trong sạch” của cảnh sát Campuchia không chỉ là ấn tượng sự rập khuôn trong người dân, mà ngay cả chính quyền cũng mắt nhắm mắt mở đối với cấp cơ sở.

Bề ngoài, Thủ tướng Hun Sen cho rằng cần nghiêm minh dẹp bỏ tệ nạn tham ô, tham nhũng, nhưng người nhà, tướng tá vẫn mua quan bán chức khắp nơi, bắt nạt bóc lột người dân. Doanh nghiệp lớn thì có thể an toàn tồn tại, còn doanh nghiệp nhỏ thì chỉ có thể chịu vận đen. Sau khi thủ đô Phnom Penh cấm đánh bạc ở Sihanoukville vào năm 2020, tình hình tội phạm cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Vào tháng Tư năm nay, theo “Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2021” (Corruption Perceptions Index) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức uy tín quốc tế công bố, Campuchia xếp thứ 157 trong số 180 quốc gia và khu vực trên thế giới, ngang bằng với Iraq và Zimbabwe.

250 người Việt bị lừa bán sang Campuchia được giải cứu

Hồi đầu tháng 7, theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, có 250 người Việt bị lừa sang Campuchia đã được giải cứu.

Tại Campuchia, họ bị cưỡng ép lao động trái phép, cưỡng đoạt tài sản, bán qua lại các chủ, đánh đập, ngược đãi, bắt gia đình nộp từ 3.000 – 30.000 USD để chuộc…

Bộ Công an Việt Nam cho biết những người cầm đầu việc cưỡng bức lao động Việt Nam, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc và có sự tham gia, giúp sức của những người Việt đang ở Campuchia.

Nhóm tội phạm này hoạt động chủ yếu tại các khu vực Bavet (tỉnh Svay Rieng), Banteay Meanchey (tỉnh Poipet), TP.Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanoukville), Chrey Thom (tỉnh Kandal) và Phnom Penh của Campuchia.

Anh N.V.B (ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), nạn nhân vụ việc, cho biết nơi anh làm việc tại Campuchia là một khu nhà được bao bọc bởi những bức tường cao chót vót, phía trên giăng thép gai trông như nhà tù; bên trong bảo vệ người Campuchia luôn kè kè súng trong tay, chỉ mới nhìn thôi cũng đã ớn lạnh.

Công việc của anh là hack facebook của những người có độ tương tác cao (đa số là facebook người Việt Nam) rồi bán cho sòng bạc để thực hiện những việc lừa đảo qua mạng; chiếm đoạt facebook của những người khác sau đó đổi tên, đổi hình đại diện thành những cô gái trẻ đẹp và tìm kiếm những facebook “tiềm năng” để tư vấn, chào mời họ đánh bạc trực tuyến.

Điều đáng nói, giới chủ còn ép nhân viên lên mạng lôi kéo thêm nhiều người khác sang Campuchia làm việc. Nếu không đủ chỉ tiêu, không tuyển được người sẽ bị chửi bới, đánh đập, rồi bị bán cho công ty khác với giá cao hơn.

Anh B. cho biết trong 3 tháng, anh chỉ nhận được 15 triệu đồng, nhưng phải trả 60 triệu đồng bao gồm 52 triệu đồng tiền chuộc, chi phí xe cộ, sinh hoạt ở công ty.

“Thực tế là không có lương cao, không có cuộc sống màu hồng như các đối tượng môi giới vẽ ra mà chỉ có áp lực làm chuyện phi pháp, bị tra tấn, đánh đập nếu không “lừa” được người khác chơi game hoặc dụ dỗ thêm người sang làm việc. Sang đến đây giữ được mạng sống để trở về Việt Nam là may mắn lắm rồi”, anh B. nói.

Bình Minh