Ngày 12-13/3, các quan chức y tế Trung Quốc đã tham gia hội nghị “Nô lệ hiện đại, buôn bán người, Giúp người nghèo và dễ bị tổn thương tiếp cận công lý” tại Viện hàn lâm Khoa học Giáo hoàng Vatican.

Hội nghị Vatican là một phần nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm chống lại tình trạng buôn người và nội tạng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động chống mổ cướp nội tạng lo ngại rằng chính hội nghị này lại đang tạo sân khấu cho chính quyền Trung Quốc diễn kịch tự biện hộ và đánh lạc hướng tội ác đang thực sự diễn ra tại Trung Quốc. Không ít kênh truyền thông từng đưa tin rằng Trung Quốc đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận chính thức với Vatican và quan hệ giữa hai bên đang nóng lên.

Một tuần sau khi sự kiện này diễn ra, các thành viên trong Ủy ban Tư vấn Quốc tế thuộc Liên minh Quốc tế Chống Mổ cướp Nội tạng (ETAC) đã đệ trình một bức thư tới Viện hàn lâm Khoa học Giáo hoàng về Vatican nhằm bày tỏ quan ngại về những vấn đề trong hội thảo của Vatican, đặc biệt là nạn buôn bán và cấy ghép tạng.

Trong bức thư ngỏ có nhắc đến Hệ thống Phản hồi Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc (COTRS), một hệ thống phân bố tạng điện toán tham gia hội nghị lần này. COTRS được thành lập với mục đích là hệ thống độc nhất cho việc phân bổ các cơ quan tạng hiến tặng ở Trung Quốc kể từ ngày 1/9/2013. Bắt đầu từ ngày 01/01/2015, các quan chức đã xác nhận rằng COTRS không phân bổ bất kỳ cơ quan tạng nào từ tù nhân. Nhưng ngược lại, những con số được công bố về số tạng hiến tặng ở Trung Quốc tăng mạnh theo cấp số nhân.

Vatican bị chỉ trích dung túng cho nạn cấy ghép tạng trái phép tại Trung Quốc
Ở các nước có hệ thống hiến tạng hiện đại, công khai và minh bạch, thì thời gian chờ cho một quả thận vẫn lên tới hơn 1000 ngày. Tuy nhiên ở Trung Quốc, thời gian được tính bằng vài tuần. (Số liệu năm 2009)

Đáng chú ý là Trung Quốc không thông qua bất kỳ điều luật hoặc quy định mới nào về việc cấm sử dụng tạng từ tủ nhân và cũng không có chế tài xử phạt nào được thừa nhận trong trường hợp sai phạm khi lấy tạng từ tù nhân lương tâm. Năm 1984, chính phủ Trung Quốc thông qua quy định cho phép lấy nội tạng của tử tù và đó đã trở thành cơ sở pháp lý chắc chắn cho ngành công nghiệp ghép tạng nước này. Tại Trung Quốc, do đặc thù văn hóa nên người dân vẫn luôn không muốn hiến tạng sau khi chết, cộng thêm việc chính quyền Bắc Kinh không hề thay đổi chính sách khuyến khích hiến tạng, vậy mà số lượng nội tạng hiến tặng được công bố lại tiếp tục gia tăng.

Vatican bị chỉ trích dung túng cho nạn cấy ghép tạng trái phép tại Trung Quốc
Báo cáo của tổ chức nhân quyền Freedom House (2017) có chỉ ra rằng có nhiều bằng chứng tin cậy cho thấy, bắt đầu từ năm 2000, những tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công đã bị mổ cướp nội tạng trên quy mô lớn.

Những tin tức cải cách trong cấy ghép tạng Trung Quốc có chăng cũng chỉ là những tuyên bố của Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu với truyền thông báo chí. Những tuyên bố này chính là đại diện cho phát ngôn của chính phủ Trung Quốc. Nhưng ông ta không hề đề cập đến hành lang pháp lý hay quy định gì liên quan đến việc lấy tạng từ tù nhân. Ông Francis Delmonico, cựu Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép tạng đã từng khẳng định với Quốc hội Mỹ vào tháng 6/2016 rằng ông không thể xác minh rằng việc sử dụng tạng từ tử tù tại Trung Quốc đã thực sự chấm dứt hay chưa.

Trung Quốc tuyên bố duy trì một hệ thống hiến tạng và cấy ghép nội tạng minh bạch, nhưng còn rất nhiều vấn đề đáng nghi vấn như:

  • Số liệu mà Trung Quốc công bố trên hệ thống COTRS là số liệu tối thiểu, và đôi khi thậm chí còn có những dữ liệu mâu thuẫn về các cơ quan tạng tự nguyện cũng như tỷ lệ phân bố.
  • Hệ thống đăng ký hiến tạng duy nhất tại địa chỉ http://www.china-organdonation.org.cn/, nhưng rõ ràng là số liệu rất ít khi cập nhật, nếu truy cập sẽ thấy số liệu mới nhất là từ ngày 24/12/2017, tính đến nay đã là 4 tháng.
  • Không hề có lịch sử các dữ liệu qua từng giai đoạn thời gian để có thể so sánh.
  • COTRS không công bố thông tin chi tiết từng loại hình các ca ghép tạng để có thể đánh giá tính xác thực của thông số.
  • Có tới 12 cơ sở dữ liệu cho các hoạt động cấy ghép tạng, nhưng trong công chúng không có bất kỳ ai truy cập vào được.
  • Trung Quốc làm trái với nguyên tắc hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về cấy ghép tạng, thường xuyên thanh toán một khoản tiền lớn cho gia đình người hiến tặng, đa số trong đó là các hộ gia đình nghèo khó. Thanh toán số tiền có thể lên đến gấp 40 lần so với mức thu nhập thường niên của họ quả thực là đi ngược lại với tiêu chuẩn quốc tế.

Mới đây nhất, trong một bộ phim tài liệu phát hành tháng 11/2017, các nhà điều tra Hàn Quốc đã đến Bệnh viện Số 1 Thiên Tân và phát hiện ra hoạt động cấy ghép tạng ẩn đằng sau bệnh viện này. Trong vai trò người cấy ghép tạng tiềm năng, đoàn làm phim được một y tá tiết lộ rằng bộ phận quốc tế mới tiến hành “ba ca ghép thận và ba ca ghép gan trong ngày hôm qua”. Các phóng viên tính toán rằng, nếu con số này được duy trì liên tục, thì con số ca ghép tạng sẽ lên đến hàng nghìn ca mỗi năm. Hơn thế nữa bác sĩ còn khẳng định rằng thời gian chờ đợi tạng để ghép chỉ trong khoảng 2 ngày đến một tuần.

Những khoảng trống trong dữ liệu cũng như những dẫn chứng đưa ra đã cho thấy những tuyên bố cải cách hệ thống ghép tạng mà các quan chức Trung Quốc khẳng định không hề có sự minh bạch và thuyết phục. Theo đúng y đức là phải cho phép công chúng có thể truy cập được cơ sở dữ liệu ghép tạng, chẳng hạn như Mạng lưới chia sẻ nội tạng Mỹ (UNOS), đã công khai minh bạch toàn bộ số liệu từ tháng 1/1987, bao gồm cả thông tin về người hiến tạng, người chờ được ghép cũng như những người đang chờ để được ghép tạng.

Vatican bị chỉ trích dung túng cho nạn cấy ghép tạng trái phép tại Trung Quốc
UNOS công bố công khai số liệu và bất cứ ai cũng có thể tra cứu dữ liệu theo vùng, theo năm, theo từng cơ sở hiến tạng và ghép tạng, với số liệu luôn cập nhật.

Đáng chú ý hơn, đại diện của ETAC còn cho biết, sự tham gia của đại biểu Trung Quốc trong hội nghị mới đây nhất đã được các cơ quan truyền thông do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát sử dụng cho mục đích tuyên truyền cả trong và ngoài nước. (Xem bài: Lợi dụng truyền thông phương Tây, Trung Quốc bao che tội ác phản nhân loại)

Chính vì thế, bức thư của Ủy ban Tư vấn Quốc tế thuộc Liên minh Quốc tế Chống Mổ cướp Nội tạng (ETAC) gửi tới Viện hàn lâm Khoa học Giáo hoàng Vatican cũng khẩn thiết để nghị viện này nhìn nhận lại sự thiếu minh bạch trong lời tuyên bố cải cách hệ thống ghép tạng của Trung Quốc.

Ngay trong hội nghị, ông Patrick Poon, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân xá Quốc tế, không tin vào những thông tin mà đại diện Trung Quốc công bố. Ông Poon nói với Ucanews.com: “Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào về việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Ông Hoàng Khiết Phu thậm chí còn đưa ra những nhận xét trái ngược nhau về việc cấy ghép nội tạng từ tù nhân bị hành quyết.”

Ông còn đặt câu hỏi: “Nếu chính phủ Trung Quốc đường đường chính chính giải quyết vấn đề, tại sao họ không công bố bất kỳ số liệu chính thức nào về số ca cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc và cách tiến hành cấy ghép nội tạng?”

Ủy ban Quốc hội – Hành pháp về Trung Quốc, một cơ quan của chính phủ  Mỹ chuyên theo dõi nhân quyền tại Trung Quốc đã công bố báo cáo thường niên vào tháng 10/2017, trong đó nhấn mạnh rằng rằng cộng đồng y tế thực sự trăn trở trước thông tin “đa số các ca ghép tạng ở Trung Quốc là sử dụng tạng từ tù nhân lương tâm, đặc biệt là của những người theo tập Pháp Luân Công”, đồng thời hoài nghi về tuyên bố cải cách hệ thống ghép tạng Trung Quốc theo tiêu chuẩn quốc tế của giới chức nước này.

Minh Ngọc

Xem thêm: