Tòa Thánh Vatican vào tháng 9/2018 đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với chính quyền cộng sản Trung Quốc, cho phép Vatican phê duyệt giám mục tại Trung Quốc nhưng lại để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham gia vào quá trình đề cử nhân sự. Các nhà phê bình cho rằng thỏa thuận này là thương vụ Tòa Thánh bán đứng tín đồ trung thành với họ tại Trung Quốc cho ĐCSTQ.

Embed from Getty Images

Vatican công nhận 7 giám mục tại Trung Quốc do chính quyền ĐCSTQ chỉ định. 

Theo Reuters, thỏa thuận nêu trên do Thứ trưởng Ngoại giao Vatican và Trung Quốc ký kết và được Giáo Hoàng Francis chính thức thông báo khi ông tới thăm Lithuania trong chuyến công du 4 ngày tới các quốc gia vùng Baltic.

Reuters, dẫn theo các nguồn tin từ Vatican, nói rằng toàn bộ nội dung thỏa thuận giữa Tòa Thánh và ĐCSTQ sẽ không được công khai và trong tương lai thỏa thuận này có thể được hai bên đàm phán chỉnh sửa.

Một số nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng thỏa thuận này cho phép Tòa Thánh vai trò quyết định trong việc chỉ định tất cả các giám mục tại Trung Quốc, nơi có khoảng 12 triệu tín đồ Công giáo. Hàng nhiều thập kỷ qua, tín đồ Công giáo tại Trung Quốc vẫn bị chia rẽ giữa một bên là Giáo hội ngầm thề trung thành với Vatican, không chấp nhận sự can thiệp của chính quyền ĐCSTQ và một bên là Hiệp hội Công giáo Yêu nước do chính quyền Trung Quốc dựng lên và kiểm soát.

Tòa Thánh nói rằng theo một phần của thỏa thuận, Giáo Hoàng Francis đã công nhận tính hợp pháp của 7 giám mục còn lại do chính quyền ĐCSTQ chỉ đình mà Tòa Thánh chưa phê duyệt và 7 người này cũng được tái xác nhận vào Giáo hội.

Nguồn tin từ Vatican cho biết một số giám mục do Giáo Hoàng chỉ định tại Trung Quốc sẽ phải nhường vị trí của họ cho 7 giám mục mà chính quyền ĐCSTQ đề xuất.

Trong một tuyên bố ngày 22/9/2018, Ngoại trưởng Vatican, Đức Hồng Y  Pietro Parolin cho hay: “Hôm nay, lần đầu tiên tất cả các giám mục tại Trung Quốc đều hiệp thông với Giám mục Rome (giáo hoàng)”.

Nguồn tin Vatican nói với Reuters rằng trong tương lai, các giám mục mới tại Trung Quốc trước tiên sẽ do các thành viên của các cộng đồng Công giáo địa phương cùng với chính quyền ĐCSTQ sở tại đề cử. Sau đó, tên của các ứng viên sẽ được chuyển tới Vatican và Giáo Hoàng sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng công nhận ai trở thành giám mục.

Đối mặt với nhiều chỉ trích về việc “bán đứng” tín đồ cho chính quyền Trung Quốc cộng sản, Vatican khẳng định thỏa thuận mà họ vừa đạt được với Bắc Kinh là bước đột phá sau nhiều năm đàm phán và đó “không phải là chính trị mà chỉ là mục vụ”.

Tòa Thánh nói rằng Giáo Hoàng hy vọng “tiến trình mới này có thể bắt đầu cho phép hàn gắn những rạn nứt trong quá khứ, dẫn tới hiệp thông đầy đủ tất cả tín đồ Công giáo Trung Quốc”.

Viễn cảnh của thỏa thuận Vatican – Trung Quốc tiếp tục khiến cộng đồng công giáo Trung Quốc chia rẽ. Một số tín đồ Công giáo Trung Quốc lo lắng rằng họ sẽ bị đàn áp mạnh hơn nếu Vatican trao cho chính quyền ĐCSTQ nhiều quyền kiểm soát giáo hội hơn. Trong khi, số khác muốn thấy mối quan hệ hài hòa và tránh chia rẽ trong nội bộ Công giáo Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Reuters hôm 20/9/2018, Đức Hồng Y Joseph Zen, 76 tuổi, cựu tổng giám mục Hồng Kông cho biết: “Họ [Vatican] đang đưa những con chiên vào miệng sói. Đó là một sự phản bội đáng kinh ngạc. Những hậu quả sẽ là bi kịch và kéo dài, không chỉ đối với Giáo hội Trung Quốc mà còn với toàn Giáo hội Công giáo [thế giới] vì [thỏa thuận đó] hủy hoại niềm tin”.

Đài Loan là yếu tố cần tính đến trước tiên trong tiến trình cải thiện quan hệ Vatican – Trung Quốc, nhưng Tòa Thánh trong tuyên bố về thỏa thuận mới đạt được với Bắc Kinh đã không đề cấp tới vấn đề Đài Bắc. Vatican là một trong 17 nước chính thức công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập, có chủ quyền. Trong khi, chính quyền ĐCSTQ chỉ coi Đài Loan là một tỉnh ngoài khơi xa của mình và chưa bao giờ từ bỏ ý định một ngày nào đó sẽ thống nhất hòn đảo dân chủ này về dưới sự quản lý của Đại Lục, kể cả phải dùng vũ lực (nếu cần).

Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong 70 năm qua. Chế độ Bắc Kinh không cho phép bất kỳ nước nào có quan hệ ngoại giao chính thức với cả Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan.

Với thỏa thuận mới nhất giữa Vatican và Trung Quốc, nhiều nhà ngoại giao quốc tế cho rằng đó có thể là tiền đề để Tòa Thánh đặt quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền ĐCSTQ sau 70 năm.

Hùng Cường

Xem thêm: