Chính quyền Nicolas Maduro của Venezuela hôm thứ Ba (19/2) đã ra lệnh đóng cửa biên giới đường biển với Curacao tại Caribê – quần đảo thuộc Hà Lan. Curacao là một trong ba địa điểm được cho là sẽ đưa hàng cứu trợ quốc tế tới Venezuela vào thứ Bảy (23/2).

Embed from Getty Images

Ông Maduro vẫn đang nhận được sự ủng hộ của quân đội Venezuela, đặc biệt là các tướng lĩnh cao cấp. 

Tổng thống Maduro đã từ chối nhận viện trợ nước ngoài, phủ nhận tại Venezuela đang xảy ra thiếu thốn thực phẩm và thuốc mem trầm trọng. Lãnh đạo đảng Xã hội chủ nghĩa khẳng định rằng vấn đề của nền kinh tế quốc gia thành viên OPEC này là hậu quả từ các chế tài mà Washington đang áp đặt lên Caracas.

Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Juan Guaido, tổng thống lâm thời Venezuela được phương Tây và các nước Mỹ La-tinh công nhận rộng rãi, tuần trước đã tuyên bố rằng thực phẩm và thuốc men do Mỹ viện trợ một phần sẽ được chuyển vào Venezuela bằng đường bộ và đường biển vào thứ Bảy (23/2).

Trước quyết tâm của phe đối lập, hôm 19/2, Phó Đô đốc Hải quân Venezuela Vladimir Quintero đã thông báo chặn đường vận chuyển hàng không và tàu thuyền giữa bang Falcon, Venezuela và ba quần đảo tại Caribê là Aruba, Bonaire và Curacao. Ông Quintero không nêu lý do tại sao ban hành lệnh phong tỏa này.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với Bộ Thông tin Venezuela để xác nhận thông tin nêu trên, nhưng không nhận được phản hồi.

Chính phủ quần đảo Curacao trước đó đã đồng ý nhận hàng viện trợ cho Venezuela nhưng sẽ không phụ trách việc vận chuyển sang nước láng giềng. Sau khi có thông báo của Hải quân Venezuela, chính phủ Curacao phát đi tuyên bố nói rằng việc phong tỏa đường không và đường biển như vậy là nhằm “ngăn chặn viện trợ nhân đạo chuyển vào [Venezuela].”

Trong hai tuần qua, Mỹ đã chuyển hàng tấn hàng viện trợ nhân đạo tới thành phố Cucuta, Colombia, giáp ranh với Venezuela. Ông Maduro mỉa mai nỗ lực này của Mỹ là “màn trình diễn rẻ tiền” và nhấn mạnh rằng Washington nên giúp chính phủ Venezuela bằng cách dỡ bỏ các chế tài khắc nghiệt đang áp đặt lên ngành dầu mỏ nước này.

Cũng trong ngày thứ Ba (19/2), Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino đã có bài phát biểu trên truyền hình nhà nước tuyên bố binh lính Venezuela sẽ vẫn đồn trú dọc theo biên giới quốc gia để ngăn chặn các hành vi vi phạm lãnh thổ.

Sát cánh cùng nhiều tướng lĩnh cấp cao, ông Padrino đã cảnh báo các lãnh đạo đối lập rằng họ sẽ phải bước qua “xác của chúng tôi” để thành lập chính phủ mới.

Trước đó một ngày, trong buổi tập trung tại Miami, Florida, Tổng thống Donald Trump cảnh báo các thành viên quân đội Venezuela đang trung thành với ông Maduro rằng họ sẽ “không tìm thấy nơi trú ẩn an toàn, không rút lui dễ dàng và không lối thoát. Các vị sẽ mất tất cả.”

Ông Trump cũng cảnh báo lực lượng vũ trang chớ có làm tổn hại ông Guaido và các chính trị gia đối lập khác, thúc giục quân đội nước này chấp nhận đề nghị ân xá của Quốc hội và yêu cầu cho phép hàng cứu trợ gồm lương thực thuốc men và dụng cụ y tế vào Venezuela.

Ông Padrino nói các sĩ quan và binh lính quân đội Venezuela vẫn “tuân lệnh và phục tùng” ông Maduro.

“Họ sẽ không bao giờ chấp nhận mệnh lệnh của bất kỳ chính phủ nước ngoài nào… Như vị tổng tư lệnh quân đội đã ra lệnh, họ sẽ vẫn triển khai và cảnh báo dọc theo biên giới để ngăn chặn bất kỳ hành vi nào vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi,” ông Padrino khẳng định.

Trong diễn biến liên quan tới hoạt động viện trợ nhân đạo, Reuters dẫn lời Tổng thống Chilê Sebastian Pinera cho biết nhiều lãnh đạo của các quốc gia Mỹ La-tinh đã có kế hoạch di chuyển tới biên giới Colombia giáp với Venezuela vào thứ Sáu (22/2) trước thời điểm hàng cứu trợ được chuyển vào Venezuela. Ông Pinera nói thêm rằng ông đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Colombia Ivan Duque.

Hiện tại chưa rõ lãnh đạo của các nước Mỹ La-tinh nào khác sẽ tới tham dự hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ cho Venezuela. Phần lớn các nước Mỹ La-tinh bây giờ đã công nhận ông Juan Guaido là tổng thống hợp pháp duy nhất của Venezuela, ngoại trừ ba nước Bolivia, Cuba và Nicaragua vẫn ủng hộ ông Maduro.

Xuân Thành