Theo Reuters, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang tìm cách lách khỏi các cấm vận của Mỹ nhằm lật đổ ông ta, bằng cách bán dầu qua tập đoàn năng lượng của chính phủ Nga Rosneft.

Embed from Getty Images

Động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính phủ Venezuela ngày càng phụ thuộc vào Nga trong khi Mỹ siết thòng lọng tài chính đối với tổng thống Maduro, người mà Washington gọi là kẻ độc tài.

Với nền kinh tế rệu rã từ nhiều năm suy thoái, cộng với sự sụt giảm mạnh trong sản xuất dầu, Venezuela đã gặp khó khăn trong việc có tiền để mua hàng hóa nhập khẩu và chi tiêu chính phủ trước cả khi Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận khắc nghiệt lên tập đoàn dầu khí PDVSA vào tháng Một.

Dầu thô chiếm tới hơn 90% giá trị hàng xuất khẩu của Venezuela và là nguồn thu chủ yếu của chính quyền Maduro, người cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump là đã gây chiến tranh kinh tế chống lại Venezuela.

Washington ủng hộ Juan Guaido, người tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời Venezuela sau khi Quốc hội nước này thông báo ông Maduro cầm quyền bất hợp pháp do cuộc bầu cử trước đó là giả tạo.

Từ tháng Một, Maduro đã tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh tại Nga và Trung Quốc để tìm ra cách lách chế tài của Mỹ và phương Tây. Chính phủ Putin cũng công khai nói lệnh cấm vận của Mỹ đối với Venezuela là trái phép và sẽ hợp tác với Venezuela để chống lại điều này.

Reuters cho biết họ đã thu thập được tài liệu về kế hoạch giữa Nga và Venezuela. Theo đó, công ty PDVSA của Venezuela đã bắt đầu chuyển hóa đơn bán dầu của mình cho Rosneft, công ty đóng vai trò trung gian cho PDVSA và người mua.

Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga sẽ trả PDVSA ngay lập tức với mức giá chiết khấu mà không phải đợi khung thời gian bình thường từ 30-90 ngày để hoàn tất giao dịch dầu – và sau đó thu lại tiền từ người mua.

Tài liệu của Reuters cho biết rất nhiều công ty năng lượng lớn, chẳng hạn Reliance Industries Ltd của Ấn Độ, vốn là khách hàng lớn nhất của PDVSA đã được đề nghị tham gia vào hệ thống lách chế tài của Rosneft-PDVSA. Rosneft có khoảng đầu tư khổng lồ tại Venezuela dưới thời Putin, với giá trị ghi sổ công bố hồi tháng 2 ước tính là 2,11 tỷ USD.

Cả Rosneft và Chính phủ Venezuela đều không trả lời câu hỏi của Reuters.

Từ 2006, Nga đã cho Venezuela vay gần 16 tỷ USD, hiện đang được trả lại bằng dầu. Nga cũng mua số lượng lớn cổ phần của các dự án dầu mỏ và đang sở hữu một phần lớn hoạt động sản xuất dầu tại quốc gia Nam Mỹ này.

Chính phủ Maduro đang làm mọi cách để tìm được nguồn ngoại tệ mới, trong đó có thỏa thuận bán dầu mới này với Nga và việc bán vàng dự trữ trong ngân hàng trung ương. Điều này làm đau đầu các quan chức Washington, những người gần đây đã đặt câu hỏi tại sao chế tài của họ không có tác động lớn hơn tới tài chính của chế độ Maduro.

“PDVSA đang chuyển các khoản phải thu cho Rosneft”, một nguồn tin giấu tên tại tập đoàn nhà nước Venezuela nói với Reuters.

“Tiền [bán dầu] sẽ được đưa về các ngân hàng của Nga, hoặc được sử dụng để trả cho các khoản thanh toán còn nợ, chẳng hạn dịch vụ vận chuyển, hàng hải để việc xuất khẩu dầu không bị gián đoạn.”

Trong khi hầu hết các nước phương Tây đã tham gia cùng với Washington để công nhận Juan Guaido là lãnh đạo chính danh tại Venezuela, Nga cùng với Trung Quốc và Cuba vẫn mạnh mẽ ủng hộ Maduro, bảo vệ ông ta tại Liên Hiệp Quốc và chèo chống kinh tế và trợ giúp quân sự trong nước khiến Washington tức giận.

Nhưng thậm chí trước khi Mỹ chế tài ngành dầu mỏ của Venezuela, sản lượng xuất khẩu của nước này đã bị giảm một nửa so với thời Hugo Chavez khởi động cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hai thập kỷ trước.

Rosneft, quản lý bởi đồng minh thân thiết của Putin là Igor Sechin, đã lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela để mua thêm nhiều cổ phần trong ngành sản xuất dầu Venezuela, vốn ngồi trên kho dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Hiện tại Rosneft đang cung cấp dòng tiền để giúp PDVSA hoạt động được, bằng cách sử dụng quy mô chi nhánh khổng lồ của mình để thu hộ tiền bán dầu của PDVSA và luồn lách các chế tài của Mỹ.

Một số nhân vật tại PDVSA tỏ ra lo ngại rằng tập đoàn dầu khí Nga đang được trao quá nhiều vai trò quyết định trong các hoạt động của ngành dầu khí Venezuela. Họ cũng không hài lòng khi chứng kiến Venezuela phải mua lại xăng dầu của Rosneft ở mức giá cao – bởi các nhà máy lọc dầu của Venezuela hoạt động kém hiệu quả và không có mấy nhà cung cấp khác chấp nhận đối mặt với trừng phạt của Mỹ.

“Rosneft đang mua dầu của chúng tôi với giá rẻ và bán cho chúng tôi nhiên liệu với giá cắt cổ”, nguồn tin nói. “Chúng tôi luôn luôn nợ họ”.

Trọng Đức

Xem thêm: