Bằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã đặt chân vào hàng ngũ các nhà độc tài trong lịch sử của khu vực Mỹ – Latinh.

Năm 1957, Tướng Pérez Jiménez để chắc thắng một nhiệm kỳ Tổng thống Venezuela thứ hai (không hợp hiến), ông đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý – cuộc bầu cử gian lận và bị phe đối lập phản đối gay gắt. Một tháng sau cuộc bầu cử đó, ông Jiménez đã bị cả quân và dân nổi dậy lật đổ. Tổng thống Maduro cũng đang làm điều tương tự, liệu lịch sử có lặp lại?

Hơn 4 tháng biểu tình ở Venezuela đã khiến ít nhất 120 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và bắt giữ. 

Vào cuối ngày 30/7 vừa qua, người đứng đầu cơ quan bầu cử Venezuela, bà Tibisay Lucena nói rằng: “Đây là một kết quả lớn lao và đáng kinh ngạc”. Bà ta thông báo có 8 triệu cử tri đã tham gia bầu ra một Hội đồng Lập hiến mới đầy sức mạnh như Tổng thống Nicolas Maduro mơ ước. Nhưng thực tế, số người đi bỏ phiếu không đông đảo và đáng ngạc nhiên như thế. Trước đó hai tuần, phe đối lập đã thông báo có hơn 7 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu phản đối Hội đồng Lập hiến mới trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức. Do đó, nhiều người dự đoán rằng chế độ của ông Maduro sẽ tuyên bố một con số tham gia bầu cử vào ngày 30/7 lớn hơn những gì phe đối lập đạt được. Theo những thông tin rò rỉ từ chính những người kiểm phiếu của ủy ban bầu cử mà Reuters có được chỉ ra rằng chỉ có khoảng 3,7 triệu phiếu bầu. Nhiều người trong cơ quan bầu cử nói rằng họ đã phải thông báo sai số cử tri đi bầu vì lo sợ bị sa thải hoặc bị cắt trợ cấp thực phẩm. Công ty điều hành hệ thống bầu cử điện tử cũng nói rằng phiếu bầu đã bị “làm giả mạo”.

>>Venezuela ra mắt Hội đồng Lập hiến bất chấp sự phản đối rộng khắp

Theo ông Carlos Malamud, một nhà sử học làm việc tại Viện Elcano, một nhóm tư vấn độc lập có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha cho hay việc gian lận phiếu bầu với quy mô “vô liêm sỉ như này là chưa có tiền lệ” ở Mỹ Latinh. Đối với giới quan sát bên ngoài, khu vực Nam Mỹ này dường như luôn gắn liền với gian lận bầu cử. Nhưng kể từ khi các quốc gia Mỹ Latinh quay lại thực hành chế độ dân chủ trong những năm 1980 thì chưa có trường hợp nào làm giả phiếu bầu quy mô lớn như chế độ Maduro vừa thực hiện. Các cuộc bầu cử gần đây ở các quốc gia Nam Mỹ thường là tự do và công bằng, được tổ chức bởi các cơ quan bầu cử độc lập và có đội ngũ giám sát đủ điều kiện theo sát toàn bộ tiến trình bầu cử.

Một số nơi cũng có những khiếu nại về gian lận, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Tuy vậy sự lừa dối này cũng đủ để đem lại lợi thế cho những phe phái chủ trương dối trá. Phe đối lập của Ecuador đã khiếu nại có sự gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4 năm nay, trong đó ông Lenin Moreno, ứng cử viên chính phủ, chỉ giành chiến thắng sít sao với 2% chênh lệch. Ở Argentina chiến thắng của ông Mauricio Macri vào năm 2015 có thể đã được khoảng cách rộng hơn so với con số chênh lệch công bố chính thức là 3%. Nhưng cả hai trường hợp nêu trên đều không thể chứng minh có sự gian lận phiếu bầu. Chính tại cuộc bầu cử tổng thống Venezuela vào năm 2013, phe đối lập cũng đã tố cáo chiến thắng của ông Maduro là lừa đảo. Khi đó số cử tri ủng hộ ông là 7,6 triệu người và ông Maduro chiến thắng với chỉ 1,5% cao hơn đối thủ. Vị lãnh đạo của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) đã từ chối yêu cầu tổ chức cuộc điều tra.

Kể từ sau cuộc bầu cử đó, ông Maduro đã đánh mất đa số ủng hộ. Điều này dẫn tới việc phe đối lập giành được 7,7 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2015, đảng XHCN cầm quyền của Tổng thống Maduro chỉ có được 5,6 triệu người ủng hộ. Nền kinh tế Venezuela cũng ngày một xấu đi. Một bộ phận trong phong trào chavista (những người ủng hộ cố Tổng thống Hugo Chavez) cũng phản đối Hội đồng Lập hiến do ông Maduro khởi xướng. Vì vậy, để có thể che đậy sự phản đối rộng khắp, Tổng thống Maduro dường như đã làm hồi sinh và mở rộng một truyền thống đã biến mất ở Mỹ Latinh: Cuộc bầu cử giả tạo.

Các quốc gia Nam Mỹ này nổi tiếng trong cộng đồng các nước đang phát triển (và phần lớn ở Châu Âu) vì lịch sử lâu dài của chủ nghĩa hiến pháp – các quốc gia Mỹ La tinh nói tiếng Tây Ban Nha này đã giành được độc lập bằng cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài Bourbon. Các cuộc bầu cử là một chuẩn mực từ cuối thế kỷ 19 (mặc dù người dân thường có quyền bầu cử hạn chế). Gian lận bầu cử là thủ đoạn truyền thống của kiểm soát chính trị. Sử gia Carlos Malamud cho rằng việc gian lận bầu cử bao gồm làm khống phiếu của người đã chết, mua phiếu bầu…

Những phương thức như vậy vẫn là chưa đủ cho các nhà độc tài toàn trị. Nhiều người, chẳng hạn như ông Porfirio Díaz ở Mexico và ông Jorge Ubico ở Guatemala, đã phải dựa vào cuộc bầu cử với tuyên bố không cho phe đối lập tham gia. Tại Cộng hoà Dominica, ông Rafael Leónidas Trujillo, một nhà độc tài tàn bạo, đã sắp xếp mọi thứ để chắc chắn có được từ 90% đến 100% số phiếu ủng hộ. Có lẽ ông Maduro đã học cách này của tiền bối Rafael Leónidas Trujillo: Sau khi chỉ đạt 55% số cử tri tham gia vào cuộc bầu cử đầu tiên của mình vào năm 1930, trong những lần bầu cử sau đó ông Trujillo thổi phồng số cử tri bầu cho mình.

Mặc dù giới cầm quyền hiện nay tuyên bố Venezuela đi theo thể chế chủ nghĩa xã hội, nhưng thực tế nền chính trị nước này cũng tương tự như chế độ độc tài cũ. Quy tắc của các nhà độc tài xưa bao gồm chủ nghĩa bảo hộ (nắm bắt các nguồn lực công cộng bởi gia tộc của nhà cai trị) và chủ nghĩa gia đình trị. Ông Maduro cũng thực thi như vậy: Chế độ của ông ta cũng nhồi nhét toàn thân nhân và đồng minh thân tín vào các vị trí lãnh đạo.

Đất nước Venezuela có một đối tác trong việc khôi phục lại truyền thống xấu cũ. Trong cuộc bầu cử vào năm ngoái tại Nicaragua, ông Daniel Ortega đã tiếp tục thắng cử nhiệm kỳ thứ ba bằng cách ngăn cản phe đối lập tham gia bỏ phiếu. Đó là một biện pháp được sử dụng để chống lại các đảng dân chủ do các chính phủ quân sự ở Peru thực hiện vào những năm 1940 và 1950 và ở Argentina từ năm 1955 đến năm 1973. Đó có lẽ là điều mà ông Maduro có ý định thực hiện với phe đối lập Venezuela.

Ông Maduro có đủ sự tinh ranh để nghiên cứu lại lịch sử chính trị của chính đất nước mình. Vào năm 1952, Tướng Marcos Pérez Jiménez đã được chỉ định làm Tổng thống bởi một Hội đồng Lập hiến. Và 5 năm sau, để đảm bảo một nhiệm kỳ thứ hai (không hợp hiến), ông Jiménez đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Cơ quan bầu cử hèn mạt khi đó đã tuyên bố kế hoạch của ông có sự ủng hộ của 2,4 triệu cử tri, với chỉ 364.000 người chống lại. Cũng như bây giờ, phe đối lập lúc đó đã không công nhận cuộc bỏ phiếu đó và tổ chức các cuộc biểu tình phản đối. Một tháng sau cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, ông Pérez Jiménez bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của cả quân đội và người dân.

So với ông Jimenez, chế độ của ông Maduro có thể chắc chắn hơn. Nhưng ít người ở Venezuela hoặc thế giới bên ngoài bị lừa dối bởi cuộc bầu cử gian lận ngày 30/7 vừa qua. Một Hội đồng Lập hiến được thành lập để hợp pháp hóa việc đàn áp phe đối lập đã và đang làm nhà nước hiện thời mất uy tín hơn – một chế độ độc tài mở của số ít người.

Theo Economist

Tân Bình (dịch)

Xem thêm: