Juan Guaidó, người được hầu hết các nền dân chủ phương Tây và Mỹ Latinh công nhận là tổng thống lâm thời Venezuela, dường như đã quyết định giành quyền lực thực sự, bây giờ hoặc không bao giờ. Vào sáng sớm ngày 30/04/2019, ông đứng bên ngoài căn cứ không quân La Carlota ở thủ đô Caracas, tuyên bố rằng Operación Libertad, hay Chiến dịch Tự do, cuộc nổi dậy cuối cùng để giải thoát Venezuela khỏi chế độ độc tài của Nicolás Maduro, đã bắt đầu.

Embed from Getty Images

Một vài dấu hiệu cho thấy ông Guaidó, người nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người Venezuela đang chịu đói khát và nhiều khó khăn khác do chế độ hiện tại gây nên, có thể có được sự hậu thuẫn cần thiết để loại bỏ nó. Một video cho thấy ông được bao quanh bởi một nhóm nhỏ những người lính đeo băng tay màu xanh, báo hiệu sự ủng hộ dành cho phong trào của ông. Một số xe bọc thép đang đậu phía sau họ.

Quan trọng hơn, ông Guaidó đã nhận được sự tham gia của Leopoldo López, từng là một lãnh đạo đối lập được lòng dân nhất của đất nước, người đã bị bỏ tù vào năm 2014 và sau đó bị quản thúc tại gia. Lopéz nói rằng ông đã được phóng thích bởi các đặc vụ SEBIN, cơ quan tình báo Venezuela, những người đã giám sát ông. Điều đó cho thấy rằng ít nhất những giám thị theo dõi ông đã đổi phe. Video cho thấy các nhóm nhỏ những người có vũ trang tham gia biểu tình chống lại chế độ. Ông Guaidó tuyên bố rằng “những người lính dũng cảm… đã đi theo lời kêu gọi của chúng tôi”.

Nhưng để ông Guaidó có thể giành được quyền lực từ tay ông Maduro, quân đội sẽ phải đào thoát với số lượng lớn, và điều đó chỉ có thể xảy ra nếu các chỉ huy của họ cũng làm vậy. Tin đồn về sự đào tẩu của các sĩ quan cấp cao lưu hành suốt buổi sáng. Các câu hỏi xoay quanh Manuel Figuera, vị tướng phụ trách SEBIN, người vẫn đang bặt vô âm tín.

Tường thuật cuộc đảo chính trên CNN. Nguồn: Youtube.

Vào buổi chiều, John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ, gợi ý rằng sẽ có thêm nhiều vụ đào tẩu cấp cao hơn. Ông khẳng định rằng “những nhân vật chủ chốt trong chế độ”  đã “đàm phán với phe đối lập trong ba tháng qua” và kêu gọi họ “thực hiện tốt các cam kết của mình để đạt được sự chuyển giao quyền lực hòa bình từ tay Maduro sang phía Guaidó. Bolton khẳng định trong số những người chuẩn bị đào tẩu có bộ trưởng quốc phòng Vladimir Padrino López, chánh án tòa án tối cao Maikel Moreno, và chỉ huy của đội cận vệ tổng thống, Iván Rafael Hernández Dala. Bolton tuyên bố tất cả họ đều “đồng ý rằng Maduro phải ra đi”. Ông đề nghị họ “hành động vào chiều nay hoặc tối nay để giúp đưa các lực lượng quân sự khác” về phe của ông Guaidó.

Liệu những người trung thành với chế độ này có thực sự đồng ý loại bỏ Maduro hay không vẫn chưa rõ ràng. Chắc chắn, Hoa Kỳ từ lâu đã muốn họ làm vậy. Trên thực tế, bằng cách tuyên bố rằng họ không còn trung thành với chế độ, Bolton có thể đang hy vọng buộc họ phải hành động chống lại chế độ đó.

Trước tuyên bố của Bolton, hầu hết những người thường được cho là “phiến quân cấp cao” dường như đã khẳng định lòng trung thành của họ với chế độ. Jose Ornellas, người đứng đầu lực lượng vũ trang, người mà các báo cáo không chính thức nói là thủ lĩnh của cuộc nổi loạn, đã đăng tweet ủng hộ ông Maduro. Ông Padrino López cũng vậy. Một số nhà quan sát thạo tin nghĩ rằng cuộc đảo chính đã diễn ra sớm hơn dự kiến: nó đã được lên kế hoạch diễn ra vào một ngày khác, với sự ủng hộ của các sĩ quan cấp cao, nhưng đã thực hiện sớm hơn vì chế độ sắp bắt giữ ông Guaidó và những người lên kế hoạch đảo chính bị chùn bước. Ông Bolton khẳng định rằng Cuba, vốn theo dõi lực lượng vũ trang Venezuela và cung cấp thông tin tình báo cho ông Maduro, đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chống đỡ cho Maduro hiện nay, có thể với sự trợ giúp của Nga.

Sĩ quan cao cấp nhất được cho là đã tham gia cuộc nổi dậy dường như là một trung tá của Lực lượng Vệ binh Quốc gia được giao nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Những người biểu tình xung quanh ông Guaidó đã không vào được căn cứ La Carlota. Họ bị đẩy lùi bởi hơi cay. Sự đàn áp có vẻ tàn bạo. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một chiếc xe bọc thép của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã đâm và cán qua người biểu tình. Đến sáng muộn, Diosdado Cabello, có lẽ là nhân vật quyền lực thứ hai của chế độ, tuyên bố rằng “những kẻ phản bội tổ quốc đã một lần nữa bị đánh bại”.

Còn bây giờ, có vẻ như ông Guaidó phải dựa vào chiến thuật huy động người biểu tình trên đường phố, cho đến giờ vẫn là cách chính giúp ông gây áp lực lên chế độ. Ông đã kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Venezuela diễn ra vào ngày 1 tháng Năm. Những người cấp tiến đang thúc giục ông Guaidó hướng thẳng tới dinh tổng thống. Những người khác cảnh báo rằng đó có thể chỉ là một động thái vô ích: các tuyến đường dẫn đến dinh tổng thống dễ dàng bị chặn bởi các lực lượng an ninh trung thành với Maduro.

Nói tóm lại, các sự kiện ở Venezuela vẫn còn chưa thể đoán định trước. Vẫn còn quá sớm để chế độ hiện hữu tuyên bố chiến thắng. Vẫn chưa rõ tuyên bố của ông Bolton rằng các quan chức hàng đầu chế độ đang đào tẩu sẽ có tác động như thế nào. Bản thân ông Maduro vẫn không xuất hiện trước công chúng. Cuộc biểu tình lần này cũng có thể là một lời nhắc nhở khác đối với những người dân đang bức xúc rằng trong khi ông Guaidó có được sự ủng hộ của người dân thì tổng thống Maduro vẫn đang có súng trong tay.

Nếu vậy, sự chủ động ​​có thể sớm chuyển sang phía chế độ. Quyết định đầu tiên của họ sẽ là liệu có nên cho phép ông Guaidó tiếp tục được tự do hay không. (Ông López và gia đình đã xin tị nạn tại Đại sứ quán Chile.) Chính phủ cho đến nay vẫn cho phép ông Guaidó tự do kích động, chắc chắn một phần là vì Hoa Kỳ đã cảnh báo sẽ trả thù nếu ông bị bắt. Cho đến sự kiện ngày 30 tháng 4, chế độ đã cố gắng tránh sát hại người dân trong các cuộc biểu tình gần đây. Nếu bị thúc ép, họ có thể bắt đầu đàn áp mạnh mẽ hơn.

Một khả năng khác là phe đối lập sẽ nản lòng. Canh bạc gần nhất của ông Guaidó – một nỗ lực hồi tháng 2 nhằm đưa hàng viện trợ nhân đạo từ Colombia vào Venezuela và được truyền thông thế giới theo dõi sát sao – là một thất bại. Một thất bại nữa có thể sẽ làm phe đối lập mất tinh thần. Hoa Kỳ và hầu hết các nước Mỹ Latinh đã dành cho ông Guaidó sự ủng hộ đầy đủ, đồng thời Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ quan trọng của Venezuela. Tổng thống Donald Trump hiện đã đe dọa tiến hành “một lệnh cấm vận toàn diện” lên Cuba, cáo buộc nước này giúp Maduro bám víu quyền lực. Nhưng áp lực vẫn chưa đủ để phá vỡ chế độ. Không rõ ông Guaidó và các đồng minh có thể chịu đựng được bao nhiêu thất bại nữa.

Nguồn: Juan Guaidó makes another dramatic attempt to oust Venezuela’s regime”, The Economist, 30/04/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên|nghiencuuquocte.org

Xem thêm: