Chế độ Xã hội chủ nghĩa Venezuela tuần này đã chấp nhận viện trợ nhân đạo dưới hình thức trợ giúp y tế từ Trung Quốc. Chính quyền Maduro đang nỗ lực đẩy lùi tác động tiêu cực do hệ thống chăm sóc y tế quốc gia gần như tê liệt vì thiếu nguồn lực.

Embed from Getty Images

Tổng thống Maduro nhờ Trung Quốc trợ giúp y tế.

Sự xuất hiện của viện trợ quốc tế tại Venezuela là đáng chú ý vì rằng chế độ Maduro nhiều năm qua luôn từ chối viện trợ nhân đạo, nhiều lần tuyên bố quốc gia này không cần sự trợ giúp của quốc tế. Chính quyền Xã hội chủ nghĩa đặc biệt từ chối bất kỳ hoạt động viện trợ nào tới từ các nước láng giềng, các quốc gia không theo đường lối xã hội chủ nghĩa và Mỹ. Nhưng tuần này họ đã chấp nhận viện trợ y tế từ Trung Quốc, đất nước đang trải qua bê bối vắc xin giả và vốn nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc kém chất lượng.

Trong một tweet đăng hôm thứ Tư (22/8), Tổng thư ký của Hội đồng Quốc phòng Venezuela Angiolillo Fernández đã nói rằng tàu bệnh viện Hải quân Trung Quốc sẽ tới Venezuela để giúp hàng triệu người dân nước này đang gặp phải các vấn đề sức khỏe nhưng chưa được điều trị.

Tàu bệnh viện Trung Quốc sẽ thực hiện các hoạt động tại Venezuela để đánh bại sự phá hoại của Hoa Kỳ. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro Moros đã ra lệnh hợp tác [dẫn tới] ‘sự xuất hiện của Tàu Hải quân Trung Quốc’”, ông Fernández tweet.

Chỉ huy chiến lược hoạt động của Lực lượng Vũ trang Venezuela, Remigio Ceballos cũng đã tuyên bố rằng quân đội nước này sẽ tiến hành “hoạt động kết hợp toàn diện để đẩy mạnh phòng vệ quốc gia chống lại các mối đe dọa xuyên biên giới và nội địa”.

Hoạt động viện trợ y tế của Trung Quốc cho Venezuela đến vào thời điểm làn sóng phẫn nộ của người dân Trung Quốc đang lan rộng vì ngành y tế nước này làm việc thiếu trách nhiệm, nổi bật với bê bối cung cấp gần một triệu liều vắc-xin không đạt tiêu chuẩn. Nhà máy sản xuất vắc-xin lớn thứ hai Trung Quốc gần đây thừa nhận đã sử dụng nguyên liệu hết hạn để sản xuất nhiều vắc-xin thường dùng cho trẻ em, dẫn đến hàng trăm ngàn trẻ em đến thời gian cần chủng ngừa mà vẫn chưa được tiêm.

Vụ bê bối này khiến chế độ Bắc Kinh rất bối rối. Trong tháng này, Đài Châu Á Tự do thông tin rằng người dân Bắc Hàn qua truyền miệng của khách du lịch cũng biết về vụ vắc-xin không đạt chuẩn của Trung Quốc và họ đã bắt đầu từ chối mua thuốc xuất xứ Trung Quốc.

Người dân Bắc Hàn đã biết Trung Quốc thường gặp vấn đề với thuốc giả và bây giờ họ không còn tin vào thuốc Trung Quốc có mặt trên thị trường vì [họ cho rằng] có thể đó cũng là hàng giả”, một nguồn tin nói với Đài Châu Á Tự do.

Mặc dù người dân Bắc Hàn đã từ chối sử dụng thuốc Trung Quốc, nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Venezuela vẫn sẵn sàng chấp nhận viện trợ y tế từ chế độ Bắc Kinh. Giới chức ngành dược phẩm của đất nước Nam Mỹ này xác nhận rằng họ không có 95% lượng thuốc thiết yếu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết các bệnh viện thiếu đủ mọi thứ từ trang thiết bị y tế tới các sản phẩm làm sạch dùng cho vệ sinh, và tình trạng thiếu điện, nước rất phổ biến trong mùa hè.

Động thái hợp tác giữa Caracas và Bắc Kinh cũng cho thấy chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục xem Venezuela là cơ hội để họ mở rộng ảnh hưởng sang Mỹ La-tinh, ngay cả khi sự nhiệt tình của họ với chế độ Maduro đã giảm sút khi nền kinh tế nước này đang khủng hoảng trầm trọng. Mối quan hệ giữa Venezuela và Trung Quốc đã suy yếu nhiều trong vài năm qua sau khi chính quyền Maduro không thể trả cho Bắc Kinh khoản vay nợ khoảng 60 tỷ USD.

Vào tháng Sáu, có thông tin cho rằng Trung Quốc đã dừng cấp vốn vay cho Venezuela từ năm 2016, thậm chí truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi các nhà đầu tư nước họ cùng nhau rời bỏ chế độ Caracas. Chính quyền Trung Quốc đã không gửi lời chúc mừng ông Maduro tái cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng Năm vừa qua.

Trung Quốc chấp nhận viện trợ y tế cho Venezuela vào thời điểm chế độ Maduro nhiều lần từ chối lời đề nghị giúp đỡ nhân đạo từ Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Vào tháng Tư, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng “chế độ Maduro tiếp tục từ chối đề nghị cứu trợ quốc tế”. Tuy nhiên, Washington vẫn tiếp tục đưa ra đề nghị trợ giúp, không phải trong nội địa Venezuela mà tới người tị nạn Venezuela trong khu vực, tập trung nhiều vào Colombia.

Vào thứ Hai (20/8), Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo họ có ý định điều động tàu bệnh viện Hải quân USNS Comfort tới Colombia để giúp đỡ giảm tải áp lực khủng hoảng nhân đạo sâu rộng tại khu vực biên giới giáp Venezuela, nơi hàng triệu người từ chế độ Maduro di cư tới đây trong điều kiện suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Tàu USNS Comfort có kế hoạch triển khai hoạt động [cứu trợ] vào mùa thu”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Manning nói hôm 20/8.

Xuân Thành

Xem thêm: