Có thông tin chỉ ra, trong tháng Chín sắp tới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình sẽ đến thăm Bắc Triều Tiên, thông tin đặt ra những nghi vấn rằng liệu mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc ngày càng căng thẳng có khiến Bắc Kinh nới lỏng lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng?

tập cận bình kim jong un
Có thông tin, đến tháng Chín ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm Bắc Triều Tiên, thông tin đặt ra những nghi vấn rằng liệu mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng có khiến Bắc Kinh nới lỏng lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng? Hình ảnh ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un hồi tháng Sáu (Ảnh từ KCNA)

Lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập nước

“Tục ngữ có câu, kẻ thù của kẻ thù là bạn. Do đó ĐCSTQ đang chiều lòng yêu cầu của Bắc Triều Tiên”, ông Vũ Thủ Căn (Yu Shougen) chuyên gia Bắc Triều Tiên tại Đại học Đông Hoa (Donghua) Trung Quốc đã trả lời đài VOA Mỹ.

Hôm thứ Bảy, truyền thông Đông Nam Á đưa tin, theo lời mời của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập nước Bắc Triều Tiên vào ngày 09/9. Nhưng thông tin này chưa có xác nhận chính thức từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tuy nhiên gần đây, tờ Daily NK và The Korea Times tại Hàn Quốc cũng đã dự đoán rằng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tiếp đón các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đến thăm. Cơ sở của dự đoán là các cuộc tuần tra trên biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã được tăng cường, Bình Nhưỡng đã tạm dừng tiếp nhận các nhóm du khách.

Khôi phục quan hệ

Nếu chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Bắc Triều Tiên được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đến thăm Bắc Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Lần gần nhất lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ đến thăm Bắc Triều Tiên là vào năm 2005, khi đó Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào đã đến thăm Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, và sau đó suốt một thời gian dài quan hệ căng thẳng với Tập Cận Bình, không để mắt đến những thúc giục của Bắc Kinh về chấm dứt thử hạt nhân và bắn tên lửa khiêu khích.

Đáp lại, ông Tập Cận Bình ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc. Các biện pháp trừng phạt đã ngăn chặn hầu hết các giao dịch tài chính và 90% giao dịch thương mại của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, năm nay chiến lược của ông Kim Jong-un đã thay đổi, một mặt điều chỉnh mối quan hệ thân thiện với ông Tập Cận Bình, mặt khác tìm cách gặp gỡ Tổng thống Mỹ Trump. Ông Kim Jong-un cũng ngừng thử nghiệm vũ khí và đồng ý thực hiện phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Năm nay đã ba lần Kim Jong-un đến Trung Quốc để gặp gỡ ông Tập Cận Bình thảo luận về cải thiện hợp tác và cải cách kinh tế giữa hai nước. Có thông tin cho rằng vào tháng Ba năm nay ông Kim Jong-un đã mời ông Tập Cận Bình đến thăm Bình Nhưỡng.

Trung Quốc đã muốn nới lỏng trừng phạt

Gần đây ĐCSTQ đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Bắc Triều Tiên, nhưng điều này đòi hỏi sự đồng ý của tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, trong đó có Mỹ.

Nhiều nguồn tin chỉ ra, sau khi Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm hạt nhân, ĐCSTQ đã nới lỏng hoạt động buôn lậu đến Bắc Triều Tiên. Thế giới bên ngoài cũng lo lắng rằng chuyến thăm Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế phi chính thức giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

“Nếu lần này ông Tập Cận Bình đến thăm Bình Nhưỡng, mặc dù rất khó để ngay lập tức chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhưng ông ta có thể hứa sẽ ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng cho chế độ Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt”, chuyên gia phân tích Ahn Jung chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Thế giới chia sẻ với đài VOA Mỹ.

Đồng thời, do Mỹ kiên quyết không nới lỏng chế tài trước khi Bắc Triều Tiên từ bỏ triệt để chương trình hạt nhân, nên các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ.

Sự hỗ trợ của ĐCSTQ đối với Bắc Triều Tiên cũng có thể được xem như dùng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên làm nước cờ trong đàm phán thương mại với Mỹ.

Hôm Chủ Nhật (19/8), cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton cho biết, Ngoại trưởng Pompeo dự kiến ​​sẽ sớm đến thăm Bình Nhưỡng để xúc tiến một vòng đàm phán hạt nhân khác.

Huệ Anh

Xem thêm: