Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để tô vẽ kế hoạch đầu tư toàn cầu “Một vành đai, Một con đường” thành bức tranh tích cực cho tương lai của thế giới. Nhưng thực tế quá trình phát triển của các dự án đã cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Embed from Getty Images

Diễn đàn cấp cao về “Một vành đai, Một con đường” tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh từ Getty Images)

Động cơ kinh tế: Giải tỏa năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc  

Theo Washington Post, vào năm ngoái ĐCSTQ thậm chí đã phát hành đoạn phim quay cảnh những đứa trẻ ca hát cuồng nhiệt vì “Một vành đai, Một con đường”, mục đích để chứng minh rằng ngay cả những đứa trẻ cũng thích thú đối với những dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, kiểu tô vẽ phóng đại này khiến nhiều người xem không khỏi cảm thấy “dở khóc dở cười” vì quá lố bịch!

Nhưng ngay chính bản thân ĐCSTQ và nhiều nước được hỗ trợ đầu tư, không phải ai cũng tin rằng “Một vành đai, Một con đường” là kế hoạch vĩ đại. Hôm thứ Ba (ngày 21/8) Malaysia đã công bố, do chi phí cao nên  nước này phải hoãn lại hai dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được Trung Quốc xây dựng. Động thái này có thể lôi kéo nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia tham gia “Một vành đai, Một con đường” suy nghĩ lại về việc liệu đầu tư của ĐCSTQ có thực sự là một thương vụ tốt hay không.

Chúng ta hiểu, “Một vành đai, Một con đường” không phải thuật ngữ đề cập đến một dự án đơn lẻ nào, mà đó là một loạt các khoản đầu tư tại hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới. Mục đích của việc mở ra mạng lưới đầu tư này là nhằm xây dựng mối liên kết tốt hơn giữa ĐCSTQ với các đối tác thương mại. Cụ thể là ĐCSTQ cho những nước tham gia vay một khoản tín dụng lớn để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm trong nước, và việc xây dựng các dự án này thường do công ty Trung Quốc đảm trách.

Rõ ràng, cách làm này rất có lợi cho ĐCSTQ. Trong ngắn hạn, khi nền kinh tế trong nước Trung Quốc dần bão hòa, ĐCSTQ có cơ hội chuyển giao một phần năng lực công nghiệp dư thừa ra nước ngoài. Về dài hạn, cách làm này trợ giúp các doanh nghiệp của ĐCSTQ ngày càng quốc tế hóa, còn ĐCSTQ thì được đóng một vai trò quan trọng trong cách thức hoạt động của thương mại toàn cầu.

Động cơ chính trị: Bẫy nợ và nguy cơ thành căn cứ quân sự

Bên cạnh đó, “Một vành đai, Một con đường” còn có động cơ chính trị: Tuần trước Lầu Năm Góc công bố báo cáo cho biết ĐCSTQ đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “xây dựng ảnh hưởng quan hệ kinh tế với các nước khác để hình thành mối quan hệ lợi ích chung, từ đó bảo đảm những nước liên quan nhất quán với ĐCSTQ trong các kế hoạch, để hạn chế sự đối đầu hoặc chỉ trích ĐCSTQ trong xử lý các vấn đề nhạy cảm”.

Mặc dù vậy, nhiều đối tác nước ngoài vẫn háo hức tham gia vào “Một vành đai, Một con đường”. Lý do chính là so với các khoản vay từ các nước phương Tây, các khoản vay của ĐCSTQ ít bị hạn chế hơn nhiều bởi các yếu tố như nhân quyền và các hệ thống chính trị độc tài.

Tuy nhiên, quyết định của Malaysia cho thấy rằng kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” cuối cùng có thể sụp đổ do sự rút lui của các quốc gia khác. Thứ nhất, dự án đầu tư “Một vành đai, Một con đường” đôi khi không có bất cứ ý nghĩa kinh tế nào. Tại Sri Lanka, ĐCSTQ đã cung cấp một khoản vay lớn cho một sân bay được thiết kế để hy vọng đón một triệu hành khách mỗi năm, được xem là sân bay lớn nhất thế giới. Nhưng kết quả là hiện nay trở thành sân bay quốc tế vắng vẻ nhất thế giới. Brook Larmer, một nhà văn tại Bangkok Thái Lan đã viết: “Việc kinh doanh của sân bay ảm đạm đến mức lợi nhuận từ việc cho thuê nơi chứa gạo của sân bay cao hơn công dụng thực tế của sân bay.”

Ngoài ra, một dự án “Một vành đai, Một con đường” khác nằm ở cảng nước sâu của Sri Lanka hiện nay đã rơi vào tay của một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, do dự án không thể thu hút đủ nguồn kinh doanh để trả nợ khoản vay từ Trung Quốc nên buộc phải cho công ty của ĐCSTQ thuê lại 99 năm.

Những tình huống tương tự có thể lây lan và cuối cùng trở thành một vấn đề lớn hơn: Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development) công bố hồi tháng Ba chỉ ra, các nước như Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan cũng phải đối mặt với tình huống khó khăn để trả lại khoản vay của ĐCSTQ trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.

Một số chuyên gia quan sát chỉ ra, có thể đây chính là âm mưu thực tế của ĐCSTQ chứ không phải là sai lầm kinh tế hay sai lầm đầu tư. Nhiều nhận định cho rằng ĐCSTQ đang thực hiện kế hoạch “ngoại giao nợ” để thống trị các quốc gia nhỏ hơn. Kế hoạch của ĐCSTQ đối với những quốc gia này có thể tiến thêm một bước nữa trong tương lai, khi đó ĐCSTQ có thể sử dụng các khu vực trong “Một vành đai, Một con đường” vào mục đích quân sự.

Huệ Anh

Xem thêm: