Tại Thiên Tân Trung Quốc hôm 26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong và Ngoại trưởng Vương Nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong cuộc hội đàm, phía Trung Quốc “không kiêng dè” đề xuất với Mỹ một “danh sách sửa lỗi”, trong đó dường như thứ họ quan tâm nhất là muốn Mỹ dỡ bỏ vô điều kiện các hạn chế visa đối với các thành viên ĐCSTQ. Vì sao ĐCSTQ lại xem trọng nhất điều này?

(Bài viết của Trương Kiệt thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)

p2963711a481418541
Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và những người khác đã được mời tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ, nhưng cựu lãnh đạo đảng Giang Trạch Dân đã vắng mặt. (Nguồn ảnh: chụp màn hình)

Tại cuộc gặp, ông Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong của ĐCSTQ vừa mở miệng đã có những câu đặc biệt khó nghe, rằng Mỹ “đã không chỉ làm những điều xấu xa, còn muốn chiếm hết những chỗ tốt”. Một ngày trước cuộc họp, ông Ngoại trưởng Vương Nghị nói với các phóng viên: Trung Quốc có trách nhiệm bổ sung thêm cho Mỹ các bài học.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong “danh sách sửa lỗi”, ĐCSTQ nhấn mạnh Mỹ dỡ bỏ vô điều kiện các hạn chế visa đối với các thành viên ĐCSTQ và người thân gia đình họ; dỡ bỏ các hạn chế với nhà lãnh đạo, quan chức và cơ quan Chính phủ Trung Quốc, bỏ hạn chế visa đối với sinh viên Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã đến mức căng thẳng, chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu giữa hai bên biến thành xung đột quân sự, nhưng phía Trung Quốc dường như không cảm thấy căng thẳng mà tập trung ưu tiên vào vấn đề visa đến Mỹ của quan chức ĐCSTQ cùng giới Đảng viên và thành viên gia đình họ. Ông tổng biên tập tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh là Trần Vĩ Kiến (Chen Weijian) có nhận xét: ĐCSTQ vừa chửi mắng Mỹ là nước xấu xa thậm tệ, vậy tại sao giới Đảng viên và người thân của họ lại cần đến Mỹ làm gì? ĐCSTQ không vội vã về các lệnh trừng phạt liên quan đến lợi ích quốc gia như về khoa học công nghệ, thương mại, quân sự, mà tập trung quan tâm nhất đến lợi ích cá nhân của giới quyền  quý ĐCSTQ. Có thể thấy những kẻ khoa trương nhân danh lợi ích quốc gia chỉ là để che đậy tư lợi của họ. Tại sao giới chức ĐCSTQ xem visa của các Đảng viên và thân nhân đến Mỹ quan trọng như vậy? Có phải là vì “người ở Trung Quốc còn tiền ở Mỹ”? 

Thứ nhất, chính quyền Biden tiếp tục di sản chính sách Trung Quốc thời Trump

Ngày 3/12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành tuyên bố hạn chế các Đảng viên ĐCSTQ và các thành viên gia đình trực hệ của họ đến Mỹ. Chính sách mới này giảm thời hạn hiệu lực visa B1/B2 đối với thành viên ĐCSTQ và người thân gia đình họ từ 10 năm chỉ còn 1 tháng. Tờ New York Times đưa tin rằng sự thay đổi chính sách này ở Mỹ có thể ảnh hưởng đến việc đi lại của khoảng 270 triệu người. Trước đó vào ngày 2/10/2020, Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) đã ban hành hướng dẫn chính sách, nhấn mạnh không chấp nhận đơn xin nhập cư của giới Đảng viên Cộng sản hoặc bất kỳ đảng phái chính trị toàn trị nào khác cùng người thân liên quan. 

Việc Mỹ ra quy định cấm đảng viên cộng sản nhập cư vào Mỹ thực chất là thực hiện một đạo luật đã có từ lâu. Năm 1952 khi căng thẳng giữa hai phe Mỹ và Liên Xô ở cao điểm, tức là chủ nghĩa McCarthy đang ở đỉnh cao, “Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch” (Immigration and Nationality Act) của Mỹ đã bổ sung Điều 212 nhấn mạnh không chấp nhận đơn xin vào Mỹ đối với người là thành viên cộng sản. Do tại Mỹ thì đảng cộng sản luôn được coi là đảng theo chủ nghĩa toàn trị, nhưng vì chính sách xoa dịu mà Mỹ đã bỏ qua đối với người của ĐCSTQ, tạm xem là khác với Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nhưng thời chính quyền Trump đã chấm dứt chính sách thỏa hiệp với Trung Quốc, nhấn mạnh phân biệt giữa ĐCSTQ với đất nước Trung Quốc và người dân Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại thư viện Nixon hồi tháng 7 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã chỉ ra: ĐCSTQ khác với Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Người dân Trung Quốc nên cùng Mỹ và thế giới văn minh phương Tây chấm dứt chế độ độc tài toàn trị của ĐCSTQ. Phân biệt ĐCSTQ với đất nước Trung Quốc, qua đó xác định rõ mục tiêu tấn công ĐCSTQ chứ không phải tấn công Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, là chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngay sau đó, Chính phủ Mỹ bắt đầu áp đặt các hạn chế đối với việc nhập cảnh và nhập cư của các Đảng viên ĐCSTQ.

Sau khi ông Biden nhậm chức, ông không chỉ kế thừa di sản ngoại giao của ông Trump mà còn thành lập một mặt trận dân chủ với các đồng minh của Mỹ để cùng ứng phó với những thách thức của ĐCSTQ. Hiện nay Tổng thống Biden đã không thay đổi chính sách Trung Quốc của cựu Tổng thống Trump là tách ĐCSTQ ra khỏi Trung Quốc và người dân Trung Quốc, ông cũng không thay đổi các quy định hạn chế nhập cảnh và nhập cư của các Đảng viên ĐCSTQ.

Thứ hai, số người xin vào Đảng giảm mạnh và làn sóng bỏ Đảng

Nhiều nhà phân tích cho rằng lý do khiến ĐCSTQ nóng lòng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các hạn chế về visa đối với các thành viên ĐCSTQ và gia đình họ là vì đông đảo giới quan to ĐCSTQ tham nhũng và chuyển số tài sản khổng lồ đó qua Mỹ, nếu không thể nhập cảnh vào Mỹ sẽ là tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống hạnh phúc của họ. Do đó, các biện pháp trừng phạt và hạn chế nhập cảnh của Mỹ đã đánh vào “tử huyệt” của ĐCSTQ, có nghĩa là đánh trực tiếp vào tầng lớp quan lại của ĐCSTQ. Nhưng tôi có một cái nhìn khác.

Tôi nghĩ rằng vấn đề hạn chế nhập cảnh của Mỹ đối với quan chức hủ bại của ĐCSTQ có thể không phải chuyện lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nóng lòng giải quyết ngay, mặc dù điều này thực sự đánh vào kho của cải của các quan chức cấp cao ĐCSTQ. Vậy thì lo lắng thực sự của Tập Cận Bình là gì? Tôi nghĩ đó là vì số người xin vào Đảng giảm mạnh và có làn sóng bỏ Đảng (từ tháng 12/2004 đã có làn sóng thoái Đảng, đến nay số người ghi danh đã lên tới 380 triệu). Lý do như sau:

Một là hầu hết người Trung Quốc hy vọng được học tập và đi du lịch ở Mỹ và các nước phương Tây, do đó hạn chế nhập cảnh sẽ khiến họ cũng cảm thấy e ngại gia nhập ĐCSTQ.

Biện pháp hạn chế nhập cảnh của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến các thành viên của ĐCSTQ, mà còn bao gồm các thành viên của các tổ chức thân ĐCSTQ, cũng ảnh hưởng đến thế hệ kế cận là quan chức và doanh nhân, dư luận viên và Đoàn Thanh niên Cộng sản, và cả các hiệp hội người Hoa ở nước ngoài làm công tác Mặt trận thống nhất giúp ĐCSTQ.

Sau 40 năm cải cách và mở cửa, chủ nghĩa Marx – Lenin – Mao Trạch Đông đã không còn chỗ đứng trong xã hội Trung Quốc. Người Trung Quốc không giống như thời Cách mạng Văn hóa khi đất nước đóng cửa không biết thông tin bên ngoài, giờ đây họ cởi mở với thế giới và hiểu những giá trị phổ quát [từ phương Tây]. Người Trung Quốc thực dụng, ích kỷ, nhưng không ngu ngốc. Có nhiều lý do để người Trung Quốc gia nhập ĐCSTQ, chủ yếu để thăng tiến và lập nghiệp. Nhiều sinh viên đại học vào Đảng nhưng ai nấy ngầm hiểu rằng đây chỉ là hình thức, không nên quá câu nệ. Trong khi nhiều thành viên ĐCSTQ tin vào Cơ đốc giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Tất nhiên, có một số người theo chủ nghĩa ích kỷ đầy tinh tế, như giáo sư Tiền Lý Quần (Qian Liqun) đã chỉ ra: Trong các trường đại học tốt nhất Trung Quốc, bao gồm cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, họ đang đào tạo những sinh viên mới tuổi đời ngoài 20 nhưng đã đầy quỷ quyệt, những sinh viên này thông minh, theo thế tục, giỏi biểu diễn, nhưng đặc biệt giỏi lợi dụng thể chế chính trị để đạt được mục tiêu cá nhân. Những hạn chế visa của Mỹ đối với Đảng viên ĐCSTQ chắc chắn sẽ làm tổn hại đến lợi ích của họ, vì vậy họ sẽ tìm nhiều lý do khác nhau để từ chối gia nhập Đảng, điều này sẽ khiến số lượng người ưu tú Trung Quốc muốn gia nhập Đảng giảm mạnh khiến ĐCSTQ rơi vào nguy cơ.

Vào tháng Bảy, hơn 500 sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã bị từ chối cấp visa khi họ xin visa vào Mỹ, trong năm học 2020 – 2021 có khoảng 370.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường học của Mỹ. Vụ việc này đã gây ra một cú sốc rất lớn đối với học sinh và phụ huynh Trung Quốc đã nộp hồ sơ hoặc đăng ký đi du học.

Thứ hai là những người đã gia nhập ĐCSTQ không còn hy vọng phát triển sự nghiệp được bằng cách lợi dụng hệ thống này sẽ tự nguyện rút khỏi Đảng bằng cách từ chối đóng Đảng phí. Hiện nay ĐCSTQ đã đóng cửa các kênh phát triển [Đảng] đối với con em các gia đình bình thường, vai trò Đảng viên không mang lại lợi ích gì cho họ. Ngoài ra, còn nhóm Đảng viên đã học tập và định cư ở nước ngoài cũng có thể thoái Đảng vì nhiều lý do khác nhau. Mặc dù ĐCSTQ là một băng đảng xã hội đen nên thường thì đã tham gia sẽ rất khó để rút lui, nhưng xét cho cùng thì thoái Đảng vì không đóng Đảng phí và xin ra khỏi Đảng được hiến pháp của ĐCSTQ cho phép, nếu tình hình cứ theo đà này thì con số 95 triệu Đảng viên mà ĐCSTQ tự hào sẽ nhanh chóng suy giảm.

Ông Vệ (Wei), một học giả về văn học và lịch sử sống tại Bắc Kinh nói rằng đa số Đảng viên đều lo lắng tương lai không thể đến được Mỹ, họ bị sốc trước chính sách hạn chế của Mỹ. Có 90 triệu Đảng viên trong ĐCSTQ, hầu hết trong số họ không có ý thức cộng sản, bởi vì ở Trung Quốc gia nhập Đảng là một cách để nâng cao vị thế xã hội mà Đảng là một công cụ, sau khi vào Đảng sẽ rất dễ dàng thăng chức hay tìm được việc làm tốt hơn… cho nên lệnh cấm nhập cư của Mỹ là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với những người này. Ở một mức độ nào đó, ý nghĩa tượng trưng trong lệnh cấm nhập cư của Mỹ còn lớn hơn nhiều so với ý nghĩa thực tế. Vì họ hy vọng rằng con cái của họ sẽ đi du học và nhập cư vào phương Tây; họ đã từng sinh con ở Mỹ và di cư; những người Trung Quốc đã mua tài sản ở Mỹ sẽ bị sốc.

Thứ ba, làm lung lay nền tảng cầm quyền của ĐCSTQ

Lệnh cấm nhập cảnh và nhập cư của Mỹ đối với các thành viên ĐCSTQ là đòn giáng mạnh vào quyền lực ĐCSTQ. Học giả Tống Huệ (Song Hui) sống tại Bắc Kinh chỉ ra chính sách của Mỹ có tính biểu tượng và tác dụng răn đe rất mạnh, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho giới trẻ Trung Quốc: Trong tương lai nếu muốn phát triển sự nghiệp về công nghệ và học thuật bằng con đường nhập cư Mỹ thì không nên tham gia ĐCSTQ. Chỉ sau một đêm, lệnh cấm nhập cư của Mỹ đã đưa ĐCSTQ trở lại nguyên hình; những lời dối trá như đội tiên phong, máy gieo mầm… bị lật tẩy. Thêm nữa, chính sách hạn chế của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của quan chức hàng đầu ĐCSTQ. Năm 2012, tạp chí Động Hướng (Dong Xiang) của Hồng Kông dẫn số liệu thống kê của nội bộ ĐCSTQ thực hiện cho thấy, 90% ủy viên Trung ương ĐCSTQ có thân nhân nhập cư nước ngoài.

ĐCSTQ sống ký sinh vào người dân Trung Quốc. Một khi mất đi sự ủng hộ của người dân Trung Quốc sẽ bị sụp đổ. Ngày 3/9 năm ngoái, tại hội nghị kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong kháng chiến chống Nhật, ông Tập Cận Bình đã nói: Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý với bất kỳ ai hoặc bất kỳ lực lượng nào ý đồ phân biệt ĐCSTQ và người dân Trung Quốc, xem [họ] như là đối lập nhau! Trong bài phát biểu vào ngày 1/7 năm nay, ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại rằng: Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách rời và đối đầu người dân Trung Quốc với ĐCSTQ sẽ không bao giờ thành công! Hơn 95 triệu người của ĐCSTQ sẽ không đồng ý! Hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc cũng không đồng ý!

Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao Tập Cận Bình biết rằng người Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý? Người Trung Quốc không có bỏ phiếu và không có trưng cầu dân ý [trong vấn đề này]. Chẳng phải chính ĐCSTQ đã tự phân biệt họ với nhân dân Trung Quốc sao? Chẳng phải ĐCSTQ không cho người dân Trung Quốc bày tỏ sao? Không phải ĐCSTQ đã từ bỏ lời hứa “một nước, hai chế độ” của Hồng Kông sao? Không phải ĐCSTQ đã bỏ tù bất hợp pháp hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và tước quyền nói tiếng mẹ đẻ của người Mông Cổ sao? Không phải ĐCSTQ khiến các doanh nhân tư nhân hoảng sợ? Không phải ĐCSTQ tự xưng “lãnh đạo tất cả” khiến người dân Trung Quốc không thể tham gia chính trị sao?…

Nhà hoạt động dân chủ Vương Đan (Wang Dan) cũng nhận định, cho đến nay việc Chính phủ Mỹ hạn chế nhập cư và nhập cảnh đối với thành viên ĐCSTQ là đòn chính xác nhất và nặng nề nhất mà Mỹ từng thực hiện đối với ĐCSTQ. Ông dự đoán rằng theo thời gian và những hành động cụ thể thì hiệu quả của chính sách này “sẽ rất lớn”, nếu Mỹ tiếp tục các cuộc tấn công ĐCSTQ có mục tiêu như vậy thì ĐCSTQ thực sự phải đứng trước nguy cơ sụp đổ. Với hậu quả nghiêm trọng như vậy, làm sao Tập Cận Bình có thể không nóng lòng sốt ruột?

Trương Kiệt, Vision Times
(Bài viết thể hiện quan điểm của ​​cá nhân tác giả.)

Xem thêm: