Lithuania (Litva) thông báo đã cắt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga, trở thành quốc gia đầu tiên trong số 27 thành viên của Liên minh châu Âu sử dụng khí đốt của Nga quyết định phá vỡ sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow.

cấm dầu Nga
(Nguồn: Ghép từ ảnh của Shutterstock)

“Mong muốn độc lập hoàn toàn về năng lượng [không phụ thuộc vào] khí đốt của Nga, nhằm đối phó với sự đe dọa về năng lượng của Nga với châu Âu trong cuộc chiến ở Ukraine, Lithuania đã từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga,” Bộ trưởng năng lượng cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 2/4. Ông nói thêm, biện pháp này đã có hiệu lực ngay từ đầu tháng Tư.

Lithuania đã cố gắng không nhập khẩu khí đốt của Nga từ ngày 2/4, một động thái được coi là cột mốc quan trọng trong việc tiến tới độc lập về năng lượng ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 2,8 triệu dân.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda đã đăng một dòng tweet đầy lạc quan trên tài khoản của mình và kêu gọi các quốc gia châu Âu khác cũng làm như vậy.

“Kể từ tháng này – không còn khí đốt của Nga ở Lithuania. Nhiều năm trước, đất nước của tôi đã đưa ra những quyết định để đến lúc này cho phép chúng tôi phá vỡ mối quan hệ về năng lượng với kẻ xâm lược. Nếu chúng ta làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được!” ông Nauseda đăng tweet.

“Chúng tôi là quốc gia EU đầu tiên trong số các đối tác của Gazprom đạt được độc lập không phụ thuộc nguồn cung cấp khí đốt của Nga, và đây là kết quả của chính sách năng lượng chặt chẽ trong nhiều năm cùng các quyết định cơ sở hạ tầng kịp thời,” Bộ trưởng Bộ Năng lượng Dainius Kreivys nhấn mạnh.

Vì sao Lithuania lại có thể đi tiên phong trong việc chấm dứt nhập khí đốt Nga?

“Đây là một bước đi mang tính biểu tượng, Lithuania từ lâu đã cố gắng tiên phong trong việc giảm thiểu và tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga,” ông Katja Yafimava, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói với New York Times.

Năm 2015, gần 100% nguồn cung cấp khí đốt của Lithuania là từ nhập khẩu khí đốt của Nga nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể trong những năm qua, sau khi nước này xây dựng một cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ngoài khơi, đã bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2014 tại thành phố cảng Klaipeda. Với công suất lên tới 4 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, cảng này đảm bảo cả 3 quốc gia vùng Baltic, bao gồm Lithuania, Latvia và Estonia, có thể tránh khỏi sự gián đoạn nguồn cung do động cơ chính trị.

Năm ngoái, khoảng 26% nguồn cung cấp khí đốt của Lithuania được chuyển giao từ một đường ống dẫn khí đốt của Nga, trong khi 62% thông qua cảng LNG tại Klaipeda và 12% còn lại được nhập khẩu từ một kho khí đốt ở quốc gia láng giềng Latvia. Ông Uldis Bariss, Giám đốc điều hành của Conexus Baltic Grid, nói với truyền thông Latvia hôm 2/4, thị trường khí đốt Baltic hiện vẫn đang được đảm bảo nhờ trữ lượng khí đốt dưới lòng đất ở Latvia.

Các nước láng giềng Latvia và Estonia cũng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga nhưng nhà điều hành kho khí đốt tự nhiên của Latvia lưu ý, sẽ không có quốc gia nào trong số ba quốc gia Baltic này nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ ngày 2/4.

Ngoài ra, Lithuania còn tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong sinh hoạt và công nghiệp để tiết kiệm tài nguyên, chẳng hạn bằng cách cải tạo các tòa chung cư.

Đáng chú ý, Lithuania cũng tăng cường hợp tác chặt chẽ với khu vực. Tháng trước, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte bày tỏ quan ngại cảng nhập khẩu LNG ở Klaipeda sẽ không đủ công suất để cung cấp khí đốt cho cả ba nước Baltic. Theo đó, chính phủ Estonia đã đề xuất xây dựng một cảng LNG cùng với Latvia và Phần Lan tại thị trấn cảng Paldiski của Estonia, cách thủ đô Tallinn không xa.

Nhật Minh (Theo SCMP)